Trung tuần tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm và trò chuyện với cụ Lô Khánh Xuyên (SN 1930) - nguyên Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quế Phong. Trong căn nhà nhỏ tại bản Dốn, xã Mường Nọc, vị cán bộ lão thành năm nào nay đã ngoài tuổi 90, vậy nhưng, cụ vẫn giữ được vẻ minh tường, mẫn tiệp. Trí nhớ ngược về hơn nửa thế kỷ trước, cụ kể, năm 1963, huyện Quế Phong được thành lập trên cơ sở tách 6 xã: Châu Kim, Châu Thôn, Cắm Muộn, Châu Hùng, Châu Phương, Thông Thụ thuộc huyện Quỳ Châu.
“Những ngày đầu mới thành lập huyện, điều kiện kinh tế - xã hội vô vàn khó khăn. Quế Phong là huyện biên giới, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Từ bản đến xã, lên huyện phải đi bộ nhiều ngày mới tới nơi. Đường 48 từ huyện đi tỉnh cũng còn rất khó khăn, chưa có phương tiện ô tô. Việc vận chuyển hàng hóa từ kho trung tuyến Quỳ Châu lên phục vụ cho đời sống đồng bào đều phụ thuộc vào đôi vai con người" - cụ Lô Khánh Xuyên cho biết.
Thời điểm bấy giờ, toàn huyện có hơn 90% dân số không biết chữ và 80% dân số không biết tiếng Kinh nên một số cán bộ, bà con miền xuôi lên Quế Phong làm việc gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Đáng lo hơn, vì bất đồng ngôn ngữ, cán bộ cấp xã, bản không đọc được công văn, chỉ thị từ huyện gửi về, dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập trong thực tế công tác.
Ảnh: Diệp Phương. Kỹ thuật: Hữu Quân
Cụ Lô Khánh Xuyên còn nhớ trường hợp của cán bộ xã Quang Phong phải trả lại công văn cho huyện vì lý do không đọc được. Nhiều hợp tác xã lập ra rồi tan rã vì cán bộ phụ trách yếu, chưa biết tính toán cộng điểm rõ ràng, rành mạch cho bà con xã viên; tính toán chủ yếu dùng phương pháp bẻ que hoặc lấy hạt ngô để đếm công; vị nào giỏi thì cũng chỉ biết ký tên!
Trước tình hình đó, chính quyền huyện Quế Phong đã phát động phong trào thi đua học tập, với chủ trương phát triển giáo dục bổ túc văn hóa song song với giáo dục phổ thông, khắp nơi đều có khẩu hiệu xóa mù chữ và khẳng định: Vấn đề khẩn trương trước mắt là phải vận động nhân dân toàn huyện dấy lên phong trào thi đua học tập.
Huyện đã đề ra 3 giải pháp nhằm tập trung thúc đẩy phát triển giáo dục. Một là, nhắc nhớ lại quá khứ nghèo đói, thất học mù chữ; qua đó giác ngộ cho nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ đi học. Hai là, quan tâm chăm sóc đời sống giáo viên cả về tinh thần và vật chất; chú trọng bồi dưỡng giáo viên tốt để kết nạp Đảng. Ba là, mở trường Đoàn vừa học, vừa làm để thu hút ngày càng đông thanh niên đến trường.
Nghĩ về những năm tháng kề vai sát cánh cùng bà con dân bản đấu tranh xóa nạn mù chữ, cụ Xuyên ngược dòng hồi ức: "Kỷ niệm tôi nhớ thương nhất là tình nghĩa của các đồng nghiệp miền xuôi dành cho bà con vùng cao. Anh em giáo viên lên công tác ở đây rất vất vả. Khi Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An kêu gọi giáo viên tình nguyện lên đỡ đầu cho các huyện vùng cao, đầu năm 1963 đã có 50 giáo viên miền xuôi đến với Quế Phong để vừa xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa; vừa giúp các xã biên giới về công tác an ninh quốc phòng. Mỗi giáo viên đều công tác 3 - 4 năm mới về nhà.
Tuy bà con dân bản đã đóng góp cơm áo để nuôi giáo viên nhưng khi họ về xuôi với gia đình thì đều trở về “tay không”, đời sống kinh tế gia đình các thầy cô ở quê hương đều rất vất vả. Dẫu vậy, anh em giáo viên vẫn luôn vững tinh thần, xem Quế Phong như là quê hương thứ 2 của mình. Thời điểm địa phương có dịch sốt rét, không có bệnh viện, thuốc thang, thậm chí nằm ngủ cũng không có mùng màn, đã có nhiều giáo viên bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ dạy chữ cho bà con”.
Nhờ những tấm gương giáo viên tận tụy, nhiệt thành, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền nên đông đảo nhân dân đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng chiến dịch xóa mù chữ. Cứ thế, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Trong một lớp học chữ lúc bấy giờ hội đủ các thế hệ, từ người già đến trẻ con cùng nhau ra sức học tập.
Sau gần 3 năm, với chủ trương đúng đắn của Đảng, nhân dân hầu hết đã biết chữ, trình độ văn hóa của cán bộ chủ chốt xã và hợp tác xã được nâng lên. Quế Phong đã có 89 người tốt nghiệp cấp 2 hệ bổ túc văn hóa và 65 người tốt nghiệp cấp 2 hệ phổ thông.
Thời điểm bấy giờ, thống kê toàn tỉnh, người học cả 3 ngành học chiếm 37,4% dân số; trong khi đó, riêng huyện Quế Phong chiếm 40,4 % dân số.
|
Đến năm 1965, Quế Phong được công nhận hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất trước thời hạn 1 năm. Với thành tích này, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi cán bộ và nhân dân huyện nhà.
Nội dung bức thư viết: “Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện đã cố gắng và đã hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hóa trước thời hạn 1 năm. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập tiến bộ hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta. Bác thân ái gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng... Chào thân ái và quyết thắng”!
Ảnh chụp bức thư Bác Hồ gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc
trong toàn huyện Quế Phong vào 12/4/1966. Ảnh tư liệu
Bức thư ngắn gọn nhưng ấm áp sự quan tâm chí tình, chí nghĩa của Bác dành cho đồng bào các dân tộc huyện vùng biên xa xôi, đã neo vào tâm trí bao thế hệ người dân Quế Phong ấn tượng sâu sắc, niềm vinh dự, tự hào không kể xiết.
Ông Lương Sỹ Cường - Trưởng Phòng VHTT huyện Quế Phong chia sẻ: Trong suốt thời gian qua, bức thư được bảo quản cẩn trọng tại Phòng lưu trữ của huyện, tuy nhiên theo thời gian phần nào đã bị phai mờ, nét chữ không còn vẹn nguyên. Vì thế, Phòng VHTT đã có công văn gửi Sở VH&TT xin được phục chế bức thư.
Cùng với Thư viện tỉnh và Khu Di tích Kim Liên, huyện Quế Phong đã nghiên cứu tìm cách phục chế. Bút tích (bản nháp) của bức thư được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau đó được Khu Di tích Kim Liên liên hệ và đưa về để cùng với bức thư được lưu giữ tại Quế Phong gửi vào Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phục chế.
Nhà thờ Bác Hồ tại khuôn viên Đền thờ Chín gian được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, bày tỏ niềm kính trọng, nhớ thương vô bờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Quế Phong năm 1966 hiện được trưng bày tại 4 vị trí quan trọng của huyện. Một bức được tạc trên bia đá và dựng trong khuôn viên sân UBND huyện Quế phong; 3 nơi còn lại bức thư được đóng khung treo tại: bàn thờ Bác Hồ ở tầng 3 UBND huyện, nhà Truyền thống huyện và nhà thờ Bác trên đỉnh Pú Chũ Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, nằm cùng khuôn viên với Đền Chín Gian - nơi được xem là linh thiêng nhất của mảnh đất miền biên viễn này. Được biết, nhà thờ Bác Hồ được Đảng bộ và nhân dân Quế Phong chung tay xây dựng từ năm 2004, khánh thành cuối năm 2005.
Tấm bia đá tạc lại bức thư của Bác Hồ được đặt trong khuôn viên
UBND huyện Quế Phong. Ảnh: Diệp Phương
Hơn 5 thập kỷ qua, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong luôn xem bức thư của Bác Hồ là khẩu hiệu thi đua để phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động và sản xuất. Vượt qua không gian, thời gian, qua cả những nhạt phai tưởng như là tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bức thư ấy vẫn mãi mãi là niềm tự hào, là kim chỉ nam của người dân huyện Quế trong mỗi bước đi lên./.
Diệp Phương
Theo https://baonghean.vn