Kỳ 1: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm
Thấm nhuần quan điểm của Bác Hồ "việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh", thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đã đổi mới cách nghĩ, cách làm trong hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người dân.
Chăm lo đời sống hội viên
Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đắk Song, ông Nguyễn Đình Liên đã từng bước chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng hướng về cơ sở, phát huy nội lực hội viên để nâng cao hiệu quả các phong trào hoạt động và chăm lo đời sống hội viên.
Chủ tịch Hội CCB huyện Nguyễn Đình Liên (ngoài cùng bên phải) luôn về cơ sở để nắm bắt tâm tư, đời sống hội viên. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Điển hình như thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, ông Liên đã tham mưu xây dựng nghị quyết về xóa nhà cho hội viên khó khăn bằng việc phát huy nội lực của cựu chiến binh. Để phát huy dân chủ, đồng thuận, việc lấy ý kiến không chỉ giao cho hội cơ sở, mà cán bộ Hội CCB huyện trực tiếp xuống các chi hội dự sinh hoạt và giải đáp thắc mắc của hội viên. Để hội viên tin và làm theo, ông đề nghị cán bộ làm trước, hội viên làm sau và bản thân ông tự nguyện đóng góp trước 1 triệu đồng. Sau đó, cán bộ hội cơ sở thống nhất đóng góp 300.000 đồng/người/năm; cán bộ Hội CCB huyện 500.000 đồng/người/năm; hội viên đóng góp 50.000 đồng/người/năm.
Ông Liên cho biết: “Việc bình xét được thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy trình, cơ sở lựa chọn, các cấp trên duyệt cuối cùng, dựa trên tiêu chí hộ già cả, gia đình chính sách, hộ nghèo vì thiếu nhà ở, có khả năng thoát nghèo ưu tiên làm trước. Các hộ khác tùy tình hình điều kiện làm sau".
Với cách làm đó, năm 2018, mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/căn. Sang năm 2019, khi cây trồng mất mùa, mất giá, heo bị dịch bệnh, ông Liên đã triển khai cho các hội cơ sở họp, lấy ý kiến hội viên để tăng mức hỗ trợ 40 triệu đồng/căn.
Hay với phương châm hướng về cơ sở, hiện nay, ông Liên đã có nhiều thay đổi trong sinh hoạt hội so với trước, hàng tháng trực tiếp xuống cơ sở để giao ban. Bởi theo ông Liên, hội viên là người trực tiếp thực hiện các phần việc, hoạt động, nếu có chỗ nào triển khai chưa được thì có sự điểu chỉnh phù hợp.
Tại các cuộc họp, ông đều khuyến khích hội viên phát huy dân chủ, góp ý cho cán bộ, đồng chí mình xem vai trò lãnh đạo như vậy đã được chưa, tính gương mẫu thế nào. Khi giao ban tại đơn vị nào thì Hội CCB ở đó đều có trách nhiệm mời cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, hội viên thuộc chi hội được chọn cùng dự để có sự giao lưu, trao đổi và giải đáp ý kiến hội viên.
Trước đây, những ý kiến hội viên thắc mắc thường không đến được với mình, hoặc có đến được thì cũng chậm, nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại. Do đó, khi trực tiếp xuống cơ sở, chúng tôi kịp thời nắm bắt được tâm tư hội viên. Khi có vướng mắc, hội viên được đối thoại trực tiếp và giải quyết ngay từ khi phát sinh, không để âm ỉ, kéo dài
Ông Nguyễn Đình Liên
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đắk Song |
Trăn trở tìm tòi, sáng tạo
Nhiều năm gắn bó với công tác mặt trận, ông Nguyễn Tài Mệnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trường Xuân (Đắk Song) luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo những cái mới trên cơ sở những cách làm cũ để việc giúp đỡ người dân được thiết thực.
Điển hình, hưởng ứng phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, qua nghiên cứu, tìm hiểu, ông nhận thấy, việc kêu gọi tặng quà cho người nghèo là cần thiết, nhưng cách tặng, cách huy động như thế nào để bảo đảm được tính lâu dài, liên tục mới là điều quan trọng. Vì vậy, ông đã bàn bạc, tham mưu thành lập Tổ vận động thực hiện an sinh xã hội để huy động quà cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trường Xuân Nguyễn Tài Mệnh (bên trái) luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo để việc giúp đỡ người dân được thiết thực
Ông Mệnh trực tiếp đi đến từng hộ gia đình, thôn xóm, trường học khảo sát hoàn cảnh, làm clip đăng tải trên mạng xã hội… để kêu gọi. Các hoạt động quyên góp, trao tặng được công khai, minh bạch trên loa phát thanh, trang Facebook, Zalo, Youtube nên dần dần người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tin tưởng và ủng hộ ngày càng nhiều. Từ năm 2020 đến nay, Mặt trận các cấp xã Trường Xuân đã vận động được hàng ngàn suất quà tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số.
Ông Mệnh cho biết: “Mỗi việc tôi làm đều nhằm xây dựng mối đoàn kết, sẻ chia giữa người khá với người khó trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Do đó, khi làm việc gì, tôi cũng đều cố gắng chỉn chu, làm tốt nhất trong khả năng của mình và lấy nụ cười, niềm vui của người dân làm động lực cố gắng”.
Thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Mệnh không chỉ tham gia kêu gọi hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư y tế, kinh phí cho lực lượng tuyến đầu, người dân khó khăn trong xã mà còn hỗ trợ người dân từ các vùng dịch đi ngang qua địa bàn xã…
Sâu sát cơ sở, gương mẫu
Nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy xã Hưng Bình (Đắk R’lấp), bà Lê Thị Tứ luôn xác định, người làm cán bộ thì cần phải sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, hiểu dân, tin dân và linh hoạt, đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo thì mới tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong dân. Như trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, để khắc phục tình trạng cạn nguồn ở khu dân cư, bà Tứ đã triển khai các giải pháp sát với đặc thù của địa phương, thu hút học sinh, sinh viên tốt nghiệp về địa bàn sinh sống, sản xuất, tham gia công tác tại địa phương. Các cơ quan, đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích thanh niên ở lại địa phương phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp, tham gia các hoạt động đoàn thể… Các gia đình đảng viên động viên con em luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để tiếp nối truyền thống, trở thành những người đảng viên ưu tú của Đảng…
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Bình Lê Thị Tứ luôn sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, hiểu dân, tin dân. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Hay trong xây dựng nông thôn mới, bà Tứ đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, người dân cùng chung sức trên tinh thần phát huy dân chủ, dễ làm trước khó làm sau, trong đó cán bộ, đảng viên là những người tiên phong. Điển hình, khi làm đường giao thông nông thôn, mặc dù là tiêu chí khó, nhưng nhờ phát huy được tính dân chủ và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nên hầu hết người dân đều thuận tình hưởng ứng. Với việc người đứng đầu đổi mới phương thức lãnh đạo theo phương châm phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, quyền làm chủ của dân, đến nay, xã Hưng Bình cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, hàng tháng, Đảng ủy xã đều chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, trọng tâm là giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm, chưa làm được, không để dây dưa, kéo dài, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nhân dân.
Bà Tứ cho biết: “Tôi luôn phát huy cao nhất tính nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên để tạo sự thống nhất trong Đảng. Vì vậy, từ lời nói đến hành động, tôi đều nhất quán, nói đi đôi với làm, làm trước để đảng viên, người dân noi theo".
Bài, ảnh: Hoàng Hải
Nguồn http://baodaknong.org.vn