Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ và người có công với nước

 

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh, liệt sĩ” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị Trung ương, có một số đại biểu ở liên khu và tỉnh tham dự đã khai mạc tại xã Phú Ninh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày thương binh liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947. Trừ những ngày kỷ niệm quốc tế và ngày Quốc khánh, “Ngày thương binh, liệt sĩ” là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Ngày 03/10/1947, Bác ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân Bộ LĐ-TB&XH ngày nay) để chuyên trách chăm lo công việc trọng đại này.

Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với nước là sự kế thừa tư tưởng nhân đạo, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, được Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Về phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước, Người đề nghị phải xuất phát từ tình cảm chân thành, sự tự nguyện tự giác, làm vừa sức, phù hợp với tính tình cụ thể của mỗi người, không nên hăng hái thái quá: “Các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, bộ đội, công an trên các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu thì không nên nhịn, còn tất cả mọi người khác đều nhịn ăn một bữa một cách tự động tuyệt đối không cưỡng bức, làm sao cho mọi người hăng hái tham gia”  [2]   “đền ơn đáp nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gương mẫu thực hiện việc giúp đỡ thương binh, liệt sĩ. Người viết trong thư gửi Ban tổ chức Trung ương ngày thương binh, tử sĩ: “Ngày 27 tháng 7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình liệt sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.... Người nói: “Năm nay Chính phủ không mở cuộc lạc quyên cho ngày ấy. Nhưng tôi mong rằng các đoàn thể văn hoá, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thăm, ai sẵn quà thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến. Nhân dịp này tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”  [3]  . Trong những Ngày Thương binh được tổ chức vào nhiều năm tiếp theo, Bác Hồ thường xuyên gửi một tháng tiền lương và nhiều quà tặng.

Tình cảm của Bác Hồ với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện trong đường lối, chính sách, mà còn được thể hiện trong các hành động cụ thể của Người. Người đã dành nhiều thời gian thăm hỏi thương binh, bệnh binh ở bệnh viện. Những cuộc thăm viếng của Người làm cho thương binh, bệnh binh, các bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ vô cùng phấn khởi, cảm động và là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc chữa trị thương binh, bệnh binh chóng lành bệnh. Cảm động nhất là những phút Bác Hồ đến đặt vòng hoa, mặc niệm ở Nghĩa trang liệt sĩ, Đài liệt sĩ trên mọi miền của Tổ quốc.

Ngày 31/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng và Nhà nước tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài liệt sĩ Hà Nội vào trước ngày nhân dân Thủ đô đón Chính phủ và Người trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Trong Diễn từ buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chí khí dũng cảm các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ. Máu đỏ của các liệt sĩ đã nhuốm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm các liệt sĩ muôn đời lưu truyền với sử xanh  [4]  .

Trong thư gửi anh em thương binh và bệnh binh tháng 7/1948, Người nhắc nhở, các thương binh, bệnh binh: Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí. Người cũng nhắc nhở các thương binh, bệnh binh nên sửa chữa các sai lầm, như: công thần, ỷ lại, kém kỷ luật, kém tin tưởng, yêu cầu nhân dân quá đáng, không tích cực công tác. Làm được như vậy, thương binh xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ là  “Thương binh tàn nhưng không phế  ”  [5]  . Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thương binh đã lập thành tích trên mặt trận chiến đấu mới, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, huy hiệu Bác Hồ. Tấm lòng và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập.

Trong Di chúc của mình, Bác đã không quên căn dặn: ‘Đảng, Chính phủ và đồng bào:  Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”  [6]  . Bác nhắc nhở Đảng và Chính phủ ta:  Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”  [7]  .    Người cũng chu đáo, quan tâm đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét  [8]  . Những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân ta phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn và chu đáo hơn.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách xã hội đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng cần có những giải pháp thiết thực, cơ bản sau:

Trước hết,  tiếp tục đổi mới, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội, chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với nước.   Chú trọng  xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý của các cấp. Thể chế các nội dung quy định ở Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc xác nhận người có công, thực hiện các chế độ ưu đãi mới, đặc biệt chú trọng đến chế độ ưu đãi về trợ cấp, ưu đãi về y tế, giáo dục, đào tạo, nhà ở, đất ở... các văn bản quy phạm pháp luật về công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho người có công….

Thứ hai,    tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước;   đảm bảo các khoản phụ cấp, trợ cấp được trao “tận tay, đúng kỳ, đúng số” cho các đối tượng. Theo đó, các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất hợp lý trong công tác chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Thứ ba,     tiếp tục giải quyết các tồn đọng chính sách trong chiến tranh theo quy định hiện hành . Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chặt chẽ, chu đáo các chế độ đối với người bị thương, bị bệnh, thân nhân các liệt sĩ; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và trên các nước bạn (Lào, Campuchia,..). Các cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, địa phương cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ; mặt khác,  cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, vận động phong trào “cung cấp thông tin mộ liệt sĩ” trên phạm vi cả nước, của những đồng đội liệt sĩ đang sống và đồng bào đang làm ăn sinh sống ở trong và ngoài nước,…

Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đã thiết thực hỗ trợ người có công với cách mạng ổn định đời sống, nỗ lực vươn lên trong cơ chế mới.  Nghị Quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”  [9]  .  Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về: “Học tập và làm việc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, về thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./. 

 

[1]  Hồ Chí Minh  Toàn tập.  Nxb CTQG. ST, Hà Nội 2000, Tập 12, tr, 503.

[2]  Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nxb CAND. Hà Nội 2002. Tr , 1425-1426.

[3]  Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nxb CAND. Hà Nội 2002. Tr, 1425-1426.

[4]  Sách những lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, Tập 1, Nxb Sự thật. Hà Nội 1958, tr. 266.

[5]  Thư gửi anh em thương binh và gia đình liệt sĩ ngày 27/7/1958. 

[6]  Hồ Chí Minh  Toàn tập,  Nxb CTQG, Hà Nội, 2013, tập 15, trang 616-617.

[7]  Hồ Chí Minh  Toàn tập,  Nxb CTQG, Hà Nội, 2013, tập 15, trang 616-617.

[8]  Hồ Chí Minh  Toàn tập , Nxb CTQG, Hà Nội, 2013, tập 15, trang 616-617.

[9]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H. 2016, tr, 31.

 

Trung tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng,

Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website