Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác dân vận

Đó là khẳng định của các đại biểu tham dự Tọa đàm “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức, sáng 15/5, tại Hà Nội.

Làm tốt công tác dân vận sẽ tập hợp được quần chúng nhân dân

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào làm tốt công tác dân vận thì sẽ tập hợp được quần chúng nhân dân hăng hái tham gia và đạt kết quả toàn diện, vững chắc. Ngược lại, nơi nào xem nhẹ công tác dân vận, cán bộ rời xa quần chúng nhân dân, quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, không lắng nghe, tôn trọng và không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân… thì nơi ấy, sẽ rất khó thực hiện đúng và đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

  Buổi Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.  (Ảnh: TH)

Các đại biểu cho rằng, có nhiều cách làm công tác dân vận, nhưng chỉ có “dân vận khéo” theo cách mà Hồ Chí Minh đã dạy mới đạt trình độ khoa học và nghệ thuật. Cách nói giản dị “dân vận khéo” nhằm phân biệt với cách làm công tác dân vận một cách hời hợt, đơn giản, hình thức… PGS. TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Để đạt tới trình độ khoa học và nghệ thuật, công tác dân vận phải thể hiện được lòng tin tuyệt đối ở vai trò và sức mạnh to lớn của lực lượng nhân dân và ở công tác dân vận. Chính sách phải đúng, hợp lòng dân và làm cho dân hiểu được chính sách đó, coi đó là quyền và nhiệm vụ của họ. Mặt khác, bàn bạc kỹ với dân để vạch kế hoạch thực hiện chính sách đã đề ra; động viên, tổ chức, giúp đỡ nhân dân thực hiện chính sách. Cùng với dân đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi thực hiện chính sách...

GS.TS Trần Văn Bính - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn hoạt động của Đảng hơn 85 năm qua đã chứng minh, khi Đảng làm tốt công tác xây dựng Đảng, giáo dục kiểm tra thường xuyên các hoạt động của cán bộ, đảng viên từ cấp cao nhất, thì cũng là lúc chúng ta làm tốt công tác dân vận. Và chừng nào chúng ta chưa làm tốt công tác dân vận thì chừng đó chưa thể nói Đảng ta vững mạnh, bởi như Bác thường nói: “Đảng mạnh hay yếu là ở dân”.

Các đại biểu khẳng định, làm tốt công tác dân vận sẽ tác động mạnh mẽ đến việc củng cố và nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể, của tổ chức cơ sở đảng nói chung; góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.

Theo các đại biểu, trong quá trình đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã và đang nảy sinh những vấn đề đặt ra cần giải quyết, những mâu thuẫn trước yêu cầu phát triển và nâng cao đời sống nhân dân. Muốn vậy, công tác dân vận phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phải biết kết hợp chính sách chung với hoàn cảnh cụ thể

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung tìm ra những giải pháp, kinh nghiệm để công tác dân vận góp phần động viên và phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các đại biểu tiếp tục khẳng định: Gắn bó với dân là một phẩm chất, một tư tưởng và là phương châm hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bác, một trong những sai lầm lớn nhất là xa dân và do đó, cũng làm suy yếu Đảng.

GS.TS Trần Văn Bính khẳng định: Trong hoàn cảnh hiện nay,  cần ghi nhớ lời dạy: Chúng ta phấn đấu hy sinh vì chúng ta muốn xây dựng xã hội vô cùng ấm no, sung sướng. Nhưng muốn cải thiện đời sống thì phải ra sức thi đua phát triển sản xuất, và trước hết phải nâng cao mức sống của nhân dân, rồi mới nâng cao mức sống cá nhân mình. Tức là “lo thì trước thiên hạ, mà hưởng thì sau thiên hạ” là hết sức cần thiết. Cả cuộc đời của Bác đã chứng minh cho chân lý đó. Các thế hệ cách mạng tiền bối, những người học trò gần gũi Bác, được Bác trực tiếp giáo dục và đào tạo, đều để lại những tấm gương sáng trong lối sống, trong phong cách sống giản dị, khiêm tốn, gần gũi và chan hòa với quần chúng. Phần thưởng to lớn mà họ nhận được là sự tin yêu, sự tôn trọng của quần chúng. Uy tín của Đảng, sức mạnh cảm hóa của Đảng, do đó được nâng cao.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên hàng ngày đều phải tự xem xét, xem cái gì đúng, cái gì sai, nguyên nhân vì đâu và suy nghĩ, tìm cách sửa chữa để làm việc tốt hơn, sống đẹp hơn. Người cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn, lắng nghe ý kiến phê bình của đồng chí, quần chúng, cấp dưới, từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác. Đây là vấn đề quan trọng đối với việc rèn luyện phong cách của người cán bộ cách mạng. Chính phong cách đó là cơ sở để người cán bộ làm việc ngày càng hiệu quả và là tấm gương đối với quần chúng nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

PGS. TS Trần Hậu lại nhấn mạnh đến yêu cầu cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo, trong đó đặc biệt chú ý: Phải biết kết hợp chính sách chung với hoàn cảnh cụ thể từng nơi, từng lúc và phải biết kết hợp lãnh đạo với quần chúng, không độc đoán chuyên quyền, biết lắng nghe ý kiến quần chúng, nhất là ý kiến trái chiều. “Làm được như vậy, công tác dân vận mới đạt tới trình độ nghệ thuật như Bác Hồ đã dạy: Dân vận là “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót người dân nào”, sẽ “góp thành lực lượng toàn dân”, tạo nên sức mạnh cấp số nhân để thực hành những việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho. Nếu thực hiện tốt điều đó thì dù việc có khó khăn, phức tạp đến mấy cũng đều được giải quyết - PGS.TS Trần Hậu nói.

Liên hệ trực tiếp công tác dân vận khi tiến hành xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến đời sống nhân dân trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ thành phố Hà Nội Đào Văn Bình nêu ý kiến: Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị ở địa phương, khu dân cư, đại biểu của dân, chủ hộ dân trực tiếp có liên quan để bàn bạc, trao đổi, có sự đồng thuận cao nhất của dân và địa phương rồi mới thi hành. Đây là vấn đề có tính thời sự nóng hổi ở địa phương. Nếu làm công tác dân vận không tốt, chính sách lại có nhiều kẽ hở, chưa phù hợp với thực tế dân sinh thì hậu quả để lại rất nặng nề, phải mất nhiều thời gian, tiền của và mất cả cán bộ mà khắc phục cũng không dễ dàng gì./.

Thu Hà


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website