Chuyện về người thợ rèn tạc chân dung Bác Hồ

 

Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được anh thợ rèn Nguyễn Công Phi gò

Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được anh thợ rèn Nguyễn Công Phi

gò trên mảnh nhôm vào năm 1969.

Trong một lần ghé thăm Bảo tàng Nghệ An, chúng tôi tình cờ bắt gặp một bức chân dung Bác Hồ được gò trên một tấm nhôm đặt ngay ngắn trên kệ của kho lưu trữ. Theo cán bộ Bảo tàng thì đây là bức chân dung Bác Hồ được một người thợ rèn của Nhà máy Cơ khí Vinh thực hiện.

Bức chân dung Bác Hồ được gò nổi trên tấm nhôm, toát lên thần thái của Người, cương nghị nhưng trìu mến, thân thương. Phía dưới bức chân dung là dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” cũng được gò nổi. Tên Nhà máy Cơ khí Vinh và tên người thực hiện, anh thợ rèn Nguyễn Công Phi được khắc chìm. Chắc hẳn mỗi đường nét để bật lên thần thái của Bác Hồ được người thợ rèn nâng niu, dồn cả tâm sức và trí tuệ của mình vào đấy? Những băn khoăn đó thôi thúc chúng tôi đi tìm người thợ rèn Nguyễn Công Phi.

Tìm đến Công ty CP cơ khí Vinh (Nhà máy cơ khí Vinh ngày trước), chúng tôi nhận được thông tin “ông Nguyễn Công Phi đã mất từ lâu”. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Công ty Cơ khí Vinh và một số công nhân nhà máy đã nghỉ hưu, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Toàn (SN 1946, trú tại khối Tân Tiến, phường Hưng Dũng, Tp Vinh) – vợ ông Nguyễn Công Phi. Người phụ nữ khuôn mặt tròn trịa phúc hậu ứa nước mắt khi nhắc đến người chồng quá cố.

Bà Nguyễn Thị Toàn kể về quãng thời gian ông Nguyễn Công Phi
Bà Nguyễn Thị Toàn kể về quãng thời gian ông Nguyễn Công Phi gò bức chân dung Hồ Chủ tịch.

Nguyễn Công Phi (SN 1947) là công nhân kèm cặp (thợ vừa học, vừa làm) thuộc tổ rèn của Nhà máy Cơ khí Vinh. Bức chân dung Bác Hồ được ông Phi thực hiện khi Nhà máy Cơ khí Vinh sơ tán về Thanh Chương để tránh chiến tranh phá hoại vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong thời gian này, Công ty thương nghiệp của bà Toàn cũng chuyển về sơ tán ở Dùng.

“Hồi đó chúng tôi chưa cưới đâu, đang trong giai đoạn tìm hiểu. Ngày 2/9/1969, Bác Hồ qua đời. Nhiều cuộc thi đua được phát động để biến đau thương thành hành động cách mạng, sớm giành độc lập dân tộc như Bác Hồ hằng mong mỏi. Một hôm, đâu như giữa cuối tháng 9/2069, tôi đến thăm thấy anh Phi gầy rộc đi.

Anh ấy tâm sự “Anh phải làm cái gì đó để tỏ lòng kính yêu đối với Hồ Chủ tịch. Anh sẽ khắc chân dung Bác Hồ lên tấm nhôm…”. Tôi bảo khó lắm, có làm được không? Anh Phi quả quyết “Anh đã nói là làm, đã làm là làm bằng được”. Thế là anh ấy bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, “quên” luôn cả người yêu nhưng tôi không trách, không buồn. Đối với mỗi người Việt Nam lúc bấy giờ, tình yêu, sự tôn kính đối với Bác Hồ lớn hơn tất thảy những thứ tình cảm khác”, đôi mắt bà Toàn như lấp lánh khi kể về người chồng thân yêu.

Sau những giờ sản xuất ở xưởng, Nguyễn Công Phi lại bắt tay vào thực hiện tâm nguyện của mình. Vẽ hay tạc tượng Bác Hồ thì nhiều người đã làm nhưng gò lên nhôm thì chưa mấy ai thực hiện được, nhất là đối với người chưa từng được gặp Bác Hồ như anh thợ rèn Nguyễn Công Phi. Ngắm thật kỹ bức ảnh chân dung Hồ Chủ tịch, Nguyễn Công Phi khắc từng đường nét vào trí não, đo đạc, phân chia tỷ lệ trên tấm nhôm để tác phẩm giống bức ảnh gốc nhiều nhất có thể.

Không thể đặt tấm nhôm xuống đất rồi “đục” thành đường nét, như thế là bất kính với Người, Nguyễn Công Phi dựng tấm nhôm lên, đứng phía sau, cứ một tay búa, một tay đục, cần mẫn “gò” từng nét cho đến khi bức chân dung hoàn thành. Trước sự quyết tâm và tình cảm của Nguyễn Công Phi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Nhà máy và tổ thợ rèn cũng hết sức tạo điều kiện, phân công những công việc đơn giản, thậm chí có hôm cho nghỉ hẳn việc để anh dồn tâm sức cho nhiệm vụ đặc biệt này.

Ông Trịnh Văn Thành: "Khi bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên hoàn thành,
Ông Trịnh Văn Thành: "Khi bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên hoàn thành, chúng tôi thực sự kinh ngạc vì giống Bác Hồ quá".

“Khi bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên hoàn thành, chúng tôi thực sự kinh ngạc vì giống Bác Hồ quá. Không thể ngờ rằng đây là tác phẩm của một người thợ rèn kèm cặp mà cứ tưởng của một nhà điêu khắc tài hoa nào đó”, ông Trịnh Văn Thành – cựu công nhân Nhà máy cơ khí Vinh nhớ lại.

Sau nhiều tháng, 3 bức chân dung Bác Hồ được gò trên những mảnh nhôm đã được hoàn thành. “Hôm đó anh Phi lên thăm tôi, phấn khởi khoe “Anh hoàn thành được tâm nguyện rồi, mọi người khen giống Bác Hồ lắm” và bàn chuyện cưới xin. Năm 1970 chúng tôi nên vợ nên chồng, cũng trong năm đó thằng Sơn ra đời. Cuộc sống thời điểm đó còn nhiều khó khăn nhưng khi được lãnh đạo nhà máy thưởng 800 đồng khi hoàn thành 3 bức chân dung Bác Hồ, anh ấy xin góp để xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân của nhà máy”, bà Toàn kể tiếp.

Theo anh Nguyễn Công Sơn – con trai cả của ông Nguyễn Công Phi thì 3 bức chân dung Hồ Chủ tịch được cha anh thực hiện có 1 bức được tặng cho nước Cu – ba anh em, một bức được tặng cho Liên Xô, chỉ còn duy nhất một bức hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An.

Sau 3 bức chân dung Bác Hồ, anh thợ rèn Nguyễn Công Phi tiếp tục thực hiện bức tượng công – nông – binh được đặt ở trước cầu Bến Thủy (hiện nay đã được thay thế bằng cụm tượng khác). “Ông ấy tài lắm, không qua trường lớp đào tạo nào nhưng gì cũng biết, từ rèn đến tiện, bào, cơ khí…, không những biết mà cái gì cũng giỏi. Chính ông ấy cũng là người có sáng kiến cải tiến lồng quay của máy cày góp phần giảm thời gian, công sức, tăng năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp”, ông Trịnh Văn Thành nhớ về người đồng nghiệp cũ.

Cuối năm 1979, ông Nguyễn Công Phi được điều về Viện quy hoạch xây dựng Nghệ An. Vừa ở vị trí công tác mới được 6 tháng thì ông ngã bệnh rồi qua đời khi mới 33 tuổi, để lại người vợ trẻ và 3 đứa con thơ dại, khi đó người con gái út mới 1 tuổi rưỡi. “Sự ra đi đột ngột của anh ấy khiến mẹ con tôi chới với, hụt hẫng một thời gian dài. Anh ấy chu toàn việc cơ quan, về nhà chăm vợ, thương con hết mực nhưng trời không thương anh ấy, để anh ấy đi sớm quá”, người phụ nữ gần 40 năm góa bụa, một mình nuôi con bật khóc…

 

Hoàng Lam

Theo Báo Dân trí


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website