|
Bác Hồ đến thăm trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
Ngày 10-3-1946, báo Cứu quốc đăng thư của Bác Hồ gửi đồng bào Nam Bộ, trong thư Người viết: “Tôi kính cẩn cúi chào các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Tiếp sau đó, trong thư gửi đồng bào Việt Nam, Bác nhấn mạnh: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sỹ và đồng bào Việt Nam vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.
Chiều 7-11-1946, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, trong buổi quyên góp ủng hộ quần áo, giày mũ cho chiến sỹ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sỹ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sỹ.
Trong thư gửi Ban thường trực Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc (ngày 27 tháng 7 năm 1947), Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”.
Trong Lời kêu gọi, nhân ngày 27 tháng 7 năm 1948, Người phân tích: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta.
Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào.
Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào.
Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống.
Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta.Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...”.
Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phương châm thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ thật rõ ràng, phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc và hoàn cảnh của đất nước: “đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được.”
Thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, ngày 16 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Người cũng đồng ý chọn ngày 27 tháng 7 làm Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Người còn thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, các đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Tháng 11-1946, trong thư gửi các địa phương, Người viết:
“Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến.
Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi...”
Tháng 2-1948, Người gửi thư dặn dò các cháu nhi đồng phát động công tác Trần Quốc Toản, với những tình cảm thiết tha:
“... 2. Bác không phải mong các cháu tổ chức những “Đội Trần Quốc Toản” để đi đánh giặc và lập nhiều chiến công, nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến, bằng cách giúp đỡ đồng bào.
3. Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào.
Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, các thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ...
Đội này thi đua với đội khác. Mỗi tháng một lần, các đội báo cáo cho Bác biết. Đội nào giỏi hơn, Bác sẽ gửi giấy khen”.
Tháng 7-1951, Người phát động phong trào “Đón thương binh về làng” với nội dung cụ thể: “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tuỳ theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian”. Tiếp đó, Người gợi ý những biện pháp giúp đỡ như “Mỗi xã trích một phần ruộng công…”,”Chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy…”.Người khuyên: “ Anh em thương binh sẽ tuỳ sức mà làm những công việc nhẹ, như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng....”
Trong dịp Đảng, Chính phủ về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, Người đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ. Trong diễn từ tại buổi lễ , Người viết:
“Hỡi các liệt sĩ.
Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.
Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ.
( ...)
Một nén hương thanh.
Vài lời an ủi”.
Cảm động biết bao khi một vị Chủ tịch nước, hàng năm cứ đến Ngày Thương binh liệt sĩ lại gửi thư cùng một tháng lương của mình, kèm đó, khi thì một bữa ăn, khi thì một món quà để tặng anh em thương binh.
Với quan điểm khoa học và đầy tinh thần lạc quan “tàn nhưng không phế”, Bác khuyên anh em thương binh: “Khi đã khôi phục sức khoẻ phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân kiểu mẫu. Bác chúc các gia đinh liệt sĩ trở thành những “gia đình cách mạng gương mẫu”.
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ là chủ nghĩa nhân văn mà cốt lõi là lòng thương người. Ở Hồ Chí Minh, lòng thương người phát triển với mức độ cao; nó đồng nghĩa với việc thực hiện các quyền cơ bản về sự phát triển toàn diện của con người.
Lòng thương người của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự đồng cảm với những người thân trong gia đình bị mất con, em vì hy sinh cho Tổ quốc, song rất đỗi tự hào vì được “Tổ quốc ghi công”. Thật vô cùng xúc động và cảm kích khi đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Phạm Đình Tụng, khi được tin con trai ông hy sinh: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót và tự hào, mà còn gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người hy sinh, những người cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước, cách mạng và gia đình thương binh, liệt sĩ. Ở Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy rằng, Người đã làm cho sự hy sinh, mất mát của liệt sĩ, thương binh, gia đình, dân tộc càng thêm cao đẹp hơn bằng cách gắn sự tổn thất này vào ý thức của những người còn sống về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với những người đã hy sinh, những mất mát của những người đã chiến đấu và gia đình họ. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã làm cho những điều vinh quang càng vinh quang, đáng tự hào hơn, trách nhiệm của những người còn sống, gia đình và nhân dân càng nặng nề hơn.
Trong gần 70 năm qua, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng phấn đấu làm được nhiều việc tốt trong việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Những việc làm đó không chỉ có ý nghĩa về đạo lý, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn tạo động lực to lớn để thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta./.
Tấn Vũ