Kỷ niệm những lần nghe Bác đọc thơ chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam

 

Trên cánh sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, hơn 20 bài thơ chúc Tết đã vang lên trong thời khắc giao thừa, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới quốc dân đồng bào. Tiếng của Người như tiếng của non sông, góp phần động viên nhân dân cả nước cùng vượt qua những khó khăn gian khổ, để hoàn thành cuộc kháng chiến, góp phần giải phóng miền Nam và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Háo hức chờ đợi, đó là tâm trạng của không ít thế hệ người Việt Nam trong đêm giao thừa khi lắng nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, mọi thứ ngàn cân treo sợi tóc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gửi tình cảm của mình trong những bài thơ Xuân, vừa như một món quà tinh thần đầu năm mới, vừa như thúc giục, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước. Hồi những năm 60, gia đình nhà thơ Trần Anh Thái được người thân tặng cho một chiếc đài Orionton.

Nhà thơ Trần Anh Thái.
Nhà thơ Trần Anh Thái.

Cứ đêm 30 Tết, mọi người trong gia đình ông lại quây quần bên nhau cùng nghe đài: "Hồi ấy trong sáng lắm! Có lẽ khi đó mình còn trẻ nên chưa vướng bận suy tư gì cho nên rất háo hức. Háo hức còn bởi để có đài, báo lúc bấy giờ là rất hiếm. Cả nhà có một cái đài, chương trình cũng không sinh động như bây giờ. Sau khi nghe Bác đọc thơ chúc Tết, rồi nghe ca nhạc, nghe một vài tùy bút rồi mới đi ngủ. Lúc đó tâm trạng xúc động, cảm thấy có gì đó rất ấm áp, lay động trái tim, tâm tư tình cảm của mọi người".

Nhiều người vẫn còn nhớ, những năm tháng chiến tranh gian khổ, mọi thông tin liên lạc đều hạn chế. Đêm 30 Tết, nhà nào cũng cố gắng chuẩn bị xong mâm cỗ cúng giao thừa để cùng ra đầu làng nghe thơ Bác qua loa truyền thanh. Quên đi cái lạnh của mùa Đông, dường như tình làng nghĩa xóm cũng được vun đắp, đau thương mất mát về những người con nơi tiền tuyến cũng phần nào nguôi ngoai khi lắng nghe tiếng nói Bác Hồ.

Bởi những vần thơ của Người giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày nên dễ đi vào lòng người, chẳng hạn như bài thơ chúc Tết năm Đinh Mùi 1967, Bác viết: "Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa!".

Cũng như bao người lớn lên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Minh Khiêm ở Thanh Hóa nhớ lại tâm trạng mỗi lần nghe thơ Bác trong đêm giao thừa: "Cả làng có một cái đài và cứ đến lúc giao thừa thì người dân ra đứng xung quanh cái loa để chờ nghe thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch. Tôi là người sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là một trong những người đã từng háo hức chờ đón thơ chúc Tết của Bác Hồ".

Cho đến bây giờ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và những chiến sĩ giải phóng quân không chỉ nhớ về những đêm giao thừa cùng gia đình và làng xóm nghe Bác đọc thơ mà còn nhớ cả tiếng Bác trong những đêm hành quân không mỏi. Khi nghe tiếng Bác, đồng bào và chiến sĩ biết được Bác còn mạnh khỏe nhưng ngay cả khi Bác đã đi xa thì âm vang của những vần thơ đầy sức mạnh ấy vẫn như kim chỉ nam, soi đường cho cả dân tộc cùng tiến lên đánh thắng giặc Mỹ.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

"Đến năm 1969 tôi đi bộ đội, bản nhạc phổ thơ chúc Tết của Bác Hồ vẫn vang lên dọc đường hành quân dọc Trường Sơn. Bài hát đó như thúc giục, như một định hướng cho cuộc chiến để thống nhất nước nhà. Hồi đó chúng tôi huấn luyện ở Thanh Hóa và trong dịp Tết đơn vị chúng tôi vẫn đang chuyển quân để đi về phía Nam. Chúng tôi dừng lại ăn Tết ở trong rừng. Dọc đường hành quân đó có chiếc đài Orionton của đồng chí chính trị viên và anh đã mở cho cả đại đội nghe. Người ta lại phát lại tiếng Bác trong những đêm giao thừa khác và bài hát "Tiến lên toàn thắng ắt về ta" lại vang lên dọc đường hành quân của chúng tôi" - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.

Không chỉ là những lời thơ chúc Tết đầu năm, hơn 20 bài thơ gửi đến quốc dân đồng bào cũng giống như đường lối cách mạng được Bác truyền đạt bằng thơ. Từng lời thơ đều sang sảng tinh thần lạc quan, rạng ngời niềm tin tất thắng của sự nghiệp cách mạng mà Bác và Trung ương Đảng dẫn dắt đồng bào, chiến sĩ đi theo. Để rồi cho đến bây giờ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người vẫn thầm mong "Bác về cùng với nhân dân/ Đọc thơ Tết ấy một lần, hãy đi" (Vũ Cao)./.

Theo http://vov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website