Thời gian đã lùi xa, nhưng trong ký ức của bà Nguyễn Thị Hà vẫn nhớ như in những ngày mùa Đông năm 1946, khi Bác Hồ, cùng đoàn công tác Trung ương về nhà mình (Vạn Phúc, Hà Đông) ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Bà Nguyễn Thị Hà là con gái cụ Nguyễn Văn Dương chủ ngôi nhà ở Vạn Phúc, Hà Đông, nơi Bác Hồ về làm việc vào tháng 12/1946 và cũng là nơi Bác viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Hai dãy nhà ngang của di tích lịch sử này được cụ Dương xây dựng năm 1935, còn nhà chính 2 tầng khởi công xây dựng năm 1941 và hoàn thành năm 1942, đến nay kiến trúc ngôi nhà hầu như còn nguyên vẹn 3 gian, 2 tầng.
“Thời gian đã lùi xa nhưng tôi vẫn còn nhớ vào mùa Đông năm 1946, ở làng Vạn Phúc chúng tôi như có điều gì đó rất quan trọng sắp xảy ra, bởi mọi người trong gia đình tôi ai cũng tất bật, bố mẹ thì dọn dẹp đồ đạc, anh trai tham gia tự vệ, thỉnh thoảng lại có đoàn quân đi qua”, bà Hà nhớ lại.
|
Bà Nguyễn Thị Hà nhớ lại những ngày Bác Hồ về nhà mình ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến |
Một hôm, cụ Nguyễn Văn Dương gọi các con lên báo tin gia đình sắp có khách - một đoàn ở Trung ương về ở và làm việc. Sau đó, cụ Dương yêu cầu các con dọn hết đồ đạc trên gác xuống và không bao giờ được lên trên gác chơi đùa nữa.
“Khi Bác Hồ cùng đoàn công tác đến Vạn Phúc, trời đã nhá nhem tối, lại không có điện, chúng tôi thấy cả đoàn lặng lẽ đi lên gác. Sau đó, cô Thanh (người nấu cơm cho đoàn công tác) xuống bảo mẹ tôi chuẩn bị cho bữa cơm chỉ cần rau dưa thôi là được, vì lúc đó cũng đã muộn”, bà Nguyễn Thị Hà hồi tưởng.
Theo bà Hà, cho đến thời điểm gần chuyển đi, Bác Hồ gọi cụ Nguyễn Văn Dương lên gác nói lời cảm ơn gia đình đã bố trí cho Bác và đoàn công tác rất chu đáo nơi ăn chốn ở. Cùng đó, Bác cũng giải thích trước đây phải giữ bí mật nên không nói cho gia đình biết mình là ai.
“Lúc đó bố tôi run lắm, vì không biết tại sao Cụ là Chủ tịch nước lại giản dị đến vậy. Bố tôi hỏi Cụ: “Pháp mạnh như thế, có cả máy bay, xe tăng, còn ta thì yếu. Thưa Cụ, liệu chúng ta có thắng được không?”. Lúc đó Bác Hồ trả lời: “Nhất định thắng. Thắng hay không là do mình, toàn dân đoàn kết một lòng ủng hộ kháng chiến thì kháng chiến sẽ thành công”, bà Nguyễn Thị Hà kể lại.
|
Ngôi nhà ở Vạn Phúc (Hà Đông) nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến |
Ngày Bác Hồ và đoàn công tác chuyển đi, cả gia đình bà Hà cùng đi tiễn chân. “Thời điểm đó, anh em chúng tôi vẫn chưa biết đó là Bác Hồ, nhưng trong lòng ai cũng bồi hồi, xúc động nhớ rõ những ngày đoàn công tác Trung ương làm việc ở nhà mình”, bà Hà chia sẻ.
Sau này, cụ Nguyễn Văn Dương mới cho các con biết, Bác Hồ và đoàn công tác ở Trung ương về ở và làm việc tại nhà mình. Cụ Nguyễn Văn Dương rất tự hào về công việc của mình trong những ngày đó. Tiếp lời căn dặn của Bác, cả gia đình cụ Dương đi theo kháng chiến, trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, 16 tháng sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương ương di chuyển ra khỏi nội thành về làng Vạn Phúc – một cơ sở cách mạng. Và trên tầng 2 một ngôi nhà ở làng này, Bác đã viết một văn kiện lịch sử đó là Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
“Trước khi tình hình căng thẳng, Ban Thường vụ Trung ương và Trung ương Đảng có chủ trương tổng di chuyển ra khỏi nội thành. Đến ngày toàn quốc kháng chiến các cơ quan Trung ương đã an toàn. Vì vậy, chúng ta mới thấy khi chưa toàn quốc kháng chiến, Ban Thường vụ Trung ương đã ra đến Vạn Phúc ở và làm việc ”, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà nói./.
Quang Phong
Theo Báo Dân trí