Hải Dương khắc ghi lời Bác dạy

 

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình ở Hải Dương đã tự lùi tường rào để mở rộng đường nông thôn ngày càng rộng rãi và sạch đẹp. (Ảnh: Hiền Hòa)

Hải Dương những ngày Bác Hồ về thăm…

Cách đây tròn 60 năm, ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và làm việc với tỉnh Hải Dương, giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà đang hăng hái thi đua lao động sản xuất, lập được nhiều thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng HTX nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, chăn nuôi tập thể, làm thủy lợi nội đồng; gấp rút các công việc chuẩn bị bầu cử HĐND các cấp... Đây là lần thứ ba, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương vinh dự được đón Bác về thăm và làm việc.

Tại trụ sở của Tỉnh ủy, Bác dành toàn bộ thời gian tập trung làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bác đã khen ngợi những thành tích của nhân dân và cán bộ Hải Dương, nhất là về sản xuất nông nghiệp và phong trào đổi công HTX. Bác căn dặn: Cần phải cố gắng đẩy mạnh việc tăng năng suất để đảm bảo hoàn thành và vượt mức kế hoạch; phải chú trọng chống hạn, đề phòng hạn có thể kéo dài, cần bón thêm phân cho lúa và hoa màu. Về công tác đê điều cần phải cố gắng hoàn thành cho tốt trước mùa mưa. Về đổi công hợp tác, phát triển và củng cố phải đi đôi, bảo đảm tốt về đường lối và chính sách của Đảng và Chính phủ. Người nhấn mạnh: “Phải quyết tâm và biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của quần chúng. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu trong mọi công việc. Cán bộ lãnh đạo phải đi sát thực tế, nắm vững trọng tâm và toàn diện, chú trọng áp dụng chỉ đạo riêng. Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chú trọng phát triển thêm đảng viên mới, tích cực giáo dục nâng cao ý thức xã hội chủ nghĩa cho đảng viên, đoàn viên và quần chúng”.

Xuân Kỷ Hợi 1959 khi Bác về thăm, phong trào thi đua làm thủy lợi trong toàn tỉnh do Tỉnh ủy Hải Dương phát động đang được đẩy mạnh. Các địa phương trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải, tổ chức đợt thi đua ngắn để hoàn thành kế hoạch sản xuất đông - xuân, tập trung lực lượng chống hạn. Hưởng ứng các phong trào do tỉnh phát động, với tinh thần “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, các tổ đổi công HTX đã tổ chức tát nước tập đoàn. Nhờ đó, đến giữa tháng 4/1959, tỉnh Hải Dương đã cứu được trên 14.800 mẫu ruộng bị hạn. Toàn tỉnh đã cấy được trên 95% diện tích lúa chiêm chính vụ, tăng hơn so với năm 1958 trên 2.600 mẫu; trồng được gần 7.400 mẫu hoa màu.

Thực hiện lời dặn của Bác, với quyết tâm cao trong công tác thủy lợi và chống hạn, đến hết năm 1960, toàn tỉnh Hải Dương đã đạt thành tích lớn nhất so với trước đó về khối lượng đào đắp các công trình thủy lợi với trên 19 triệu mét khối đất, huy động được trên 10 vạn người tham gia. Nhờ thủy lợi phát triển, toàn tỉnh đã khôi phục được gần 8.000 mẫu ruộng bỏ hoang nhiều năm do không có nước tưới; đưa trên 70% diện tích cấy lúa 1 vụ thành cấy 2 vụ; bảo đảm 95% diện tích mỗi vụ trong toàn tỉnh có nước tưới. Với những thành tích tiêu biểu về công tác thủy lợi, ngày 30/9/1960, tỉnh Hải Dương vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua luân lưu khá nhất. Năm 1961, Người tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tỉnh về thành tích thủy lợi.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về đưa sản xuất nông nghiệp phát triển lên một bước mới, các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt đi đôi với cải tiến nông cụ. Giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều tăng cao và vượt mức kế hoạch Nhà nước giao.

Thực hiện lời Bác dạy về củng cố, phát triển tổ đổi công, phong trào hợp tác hóa ở Hải Dương diễn ra mạnh mẽ. Đầu năm 1958, toàn tỉnh mới có 5 HTX nông nghiệp điểm, đến cuối năm 1959 đã có 50% tổng số hộ trong tỉnh vào HTX. Năm 1960, phong trào hợp tác hóa phát triển với tốc độ nhanh, toàn tỉnh Hải Dương căn bản hoàn thành HTX bậc thấp với tổng số 1.814 HTX nông nghiệp quy mô thôn, thu hút gần 92% tổng số hộ nông dân tham gia. Tình hình trên đã củng cố thêm lòng tin của nông dân đối với Đảng, Chính phủ, đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, giáo dục, giác ngộ và thu hút nông dân vào con đường làm ăn tập thể, tạo nền tảng vững chắc là hậu phương lớn cho tiền tuyến chiến đấu.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đọc diễn văn kỷ niệm 60 năm
ngày Bác Hồ về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hải Dương. (Ảnh: Thành Chung)

Thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị

Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã luôn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đề ra. Trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, nhất là kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các tầng lớp nhân dân Hải Dương đã nối tiếp nhau quật cường đứng lên. “Tiếng sấm đường 5” của du kích Hải Dương đánh mìn, lật đổ xe lửa của thực dân Pháp, hay chuyện “Cô du kích nhỏ xóm Lai Vu” dũng cảm bắn máy bay Mỹ, đã vang vọng khắp các chiến trường.

Những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; thời kỳ sáp nhập rồi chia tách tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, đến những chặng đường phát triển và hội nhập hiện nay… Hải Dương đều thực hiện theo lời kêu gọi của Bác, dốc sức người, sức của trên mọi mặt trận. Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, nhất là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng bình quân trong cả thời kỳ 1997 - 2018 đạt 9,3%/năm, năm 2018 quy mô kinh tế gấp 21 lần năm 1997. Đặc biệt, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, đã có 12 trong số 15 chỉ tiêu hoàn thành, trong đó có 10 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội đề ra. Năm 2018, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng 9,1%; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 17.000 tỷ đồng; là một trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tự cân đối thu, chi và có đóng góp vào ngân sách Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, từ một tỉnh thuần nông nay tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 10,6% trong cơ cấu kinh tế. Toàn tỉnh hiện có trên 14.000 doanh nghiệp hoạt động, với số vốn đăng ký trên 100.000 tỷ đồng. Tỉnh đã có 10 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 70%; với 397 dự án FDI, với số vốn đăng ký 7,7 tỷ USD. Nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, bảo đảm chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 11, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 13 trong cả nước.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả nổi bật, đã hình thành nhiều khu sản xuất hàng hóa tập trung, với nhiều sản phẩm tiêu biểu tạo ra giá trị hàng hóa cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện và gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khắc ghi lời dạy của Bác về phong trào “vệ sinh yêu nước”, tỉnh Hải Dương phấn khởi và tự hào nhất là cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch đã về đến tận các xã, phường, thị trấn và các thôn, khu dân cư trong tỉnh, góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Thị xã Hải Dương từ một đô thị nhỏ trong những năm 90, nay đã trở thành đô thị loại 2; đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để được công nhận là đô thị loại 1. Chí Linh đã trở thành thành phố, huyện Kinh Môn đang nỗ lực trở thành thị xã thời gian tới.

Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; an ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, không một ai bị bỏ lại phía sau. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

60 năm kể từ ngày vinh dự được đón Bác về thăm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương luôn thực hiện tốt lời dạy của Người. Từ trong thực tiễn sinh động của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều cách làm hay trong học tập và làm theo Bác; đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành ngày càng thể hiện rõ vai trò nêu gương của mình. Hằng năm có hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu như ngàn bông hoa người tốt, việc tốt, không ngừng lao động hăng say, cống hiến hết mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh nhà biểu dương, ghi nhận. Nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương khen thưởng.

Với lòng thành kính và tự hào, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương nguyện ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Hải Dương anh hùng, không ngừng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và coi đó là điểm tựa vững chắc về mặt lý luận, là sức mạnh về tinh thần; quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên; nói đi đôi với làm, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh các ngành có lợi thế, có giá trị tăng cao; chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư. Phát triển kinh tế nhanh, đi đôi với phát triển văn hóa; giữ gìn và bảo vệ môi trường; cải thiện nâng cao đời sống nhân dân. Sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy..../.

Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website