Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai. (Ảnh tư liệu của Công ty CP Than Đèo Nai)
Khi Vùng mỏ được giải phóng, những người thợ mỏ Đèo Nai đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, mở ra nhiều phong trào thi đua mới. Chính bởi vị thế đặc biệt ấy mà Đèo Nai là đơn vị duy nhất trong ngành than vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào ngày 30/3/1959. Trên tầng than Đèo Nai, Bác đã khen ngợi những thành tích giữ gìn máy móc, thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, Bác cũng căn dặn cán bộ, công nhân Đèo Nai thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện lời kêu gọi của Người, hàng vạn công nhân và con em công nhân mỏ đã cầm súng vào chiến trường để trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Năm 1967, ngành than là đơn vị kinh tế duy nhất tổ chức được một lực lượng quân đội chính quy gồm khoảng 2.000 thợ mỏ lấy tên là Binh đoàn Than lên đường vào Nam đánh Mỹ. Tại Vùng mỏ, thợ mỏ ở trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy; thi đua "Một người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt", đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Một số nhân chứng kể lại câu chuyện Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai. (Ảnh: Phạm Học)
Tính riêng ở mỏ Đèo Nai, các công trình “Băng tầng thanh niên”, “cỗ máy thanh niên” ra đời; các chiến dịch vận chuyển than, bốc xúc đất đá mang tên Đắc Tô - Tân Cảnh, Điện Biên, Him Lam được phát động. Từ đó, có câu “Đồi cao, đá rắn có thể làm mòn sắt thép, nhưng không thể làm mòn ý chí quyết thắng của thợ mỏ Đèo Nai”. Ông Hoàng Bách, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy mỏ Đèo Nai, nhớ lại: "Thợ mỏ còn xây dựng hàng chục trận địa phòng không, đánh trên 200 trận, bắn rơi 1 máy bay A7 góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển Cẩm Phả, cử gần 1.000 thanh niên tòng quân vào Nam đánh Mỹ. Trong 8 năm đánh trả máy bay Mỹ leo thang, Đèo Nai đã có 21 chiến sĩ tự vệ hy sinh anh dũng ngay trên trận địa pháo".
Sau khi thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ đổi mới, với hành trang mang theo là lời căn dặn của Bác Hồ, đội ngũ thợ mỏ đã ra sức thi đua tăng sản lượng, quy mô khai thác, phát huy tinh thần lao động sáng tạo để đưa ngành than trở thành một ngành kinh tế kiểu mẫu, một trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thực hiện lời dạy của Bác: "Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc", mỗi năm TKV khai thác được từ 40 đến 45 triệu tấn than sạch. Nếu như năm 1995, năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV), sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn thì đến năm 2018 sản xuất than nguyên khai đạt 36,95 triệu tấn, tiêu thụ đạt 40,5 triệu tấn, tăng 4,5 triệu tấn so với kế hoạch, tăng 5,5 triệu tấn so với thực hiện 2017.
TKV khen thưởng cán bộ, công nhân tiêu biểu trong việc
học tập và làm theo lời Bác. (Ảnh tư liệu của TKV)
Khắc ghi lời Bác dạy, đội ngũ thợ mỏ ngành than đã tích cực, tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các phong trào thi đua lao động sản xuất đạt năng suất cao, năng suất kỷ lục. Ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, cho biết: TKV đã đẩy mạnh thực hiện học tập tấm gương Bác Hồ trong xây dựng phong cách, tác phong của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên và người lao động đã gương mẫu trong lãnh đạo, quản lý, trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt, công tác, lôi cuốn đồng nghiệp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và toàn Tập đoàn. Những năm qua, cán bộ, đảng viên, người lao động Tập đoàn đã luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, tích cực đổi mới phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng; tăng cường các giải pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất; đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của cán bộ, công nhân lao động.
Từ những phong trào ấy, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, nhiều sáng kiến có giá trị kinh tế cao, tích cực giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề đã được các cấp vinh danh, khen thưởng, là những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa để các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động học tập, phấn đấu noi theo. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất, công nhân, cán bộ ngành Than đã vinh dự được trao tặng Huân chương Sao Vàng năm 1996, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005. Toàn ngành đã có trên 570 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương các hạng; 34 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND. Cuối năm 2018, có 50 công nhân, cán bộ tiêu biểu là những điển hình tiên tiến trong ngành than được khen thưởng trong việc học tập và làm theo lời Bác.
Lãnh đạo TP Cẩm Phả và Công ty CP Than Đèo Nai đón nhận bằng công nhận
Di tích lịch sử quốc gia đối với địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm
Mỏ Than Đèo Nai. (Ảnh: Quỳnh Trang - CTV)
Tính riêng ở Đèo Nai, trong 60 năm làm theo lời dạy của Bác Hồ, đã xuất hiện hàng loạt điển hình trong lao động sản xuất, các “cây” sáng kiến và nhiều kiện tướng ngành than. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1998 Mỏ Than Đèo Nai được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; năm 2000 được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Công ty vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2010, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015. Giám đốc Đặng Văn Bình, người đã có những quyết sách táo bạo để Công ty trụ vững và phát triển đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2011.
Trong dòng chảy phát triển chung của TKV, Than Đèo Nai đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Ông Phạm Duy Thanh, Giám đốc Công ty, cho biết: “Trong những năm tới, Công ty sẽ xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, phấn đấu xây dựng Công ty thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức lao động gọn nhẹ, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững”.
Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai
trở thành nơi giáo dục truyền thống cho công nhân mỏ. (Ảnh: Phạm Học)
Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho công nhân mỏ, một điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Và trên hành trình phát triển mới của TKV nói chung, hình ảnh Bác Hồ với ánh mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu, phong thái gần gũi trên tầng than Đèo Nai đầy nắng gió 60 năm trước vẫn sẽ luôn là động lực để thợ mỏ thi đua lao động sản xuất, nâng cao sản lượng khai thác than. Ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, khẳng định: "Những lời dạy quý báu của Người còn vẹn nguyên giá trị với lớp lớp các thế hệ thợ mỏ. Đáp lại sự quan tâm của Người, cán bộ và công nhân ngành Than - Khoáng sản Việt Nam luôn khắc cốt ghi tâm và thực hiện tốt lời dạy của Bác, luôn nỗ lực phấn đấu và đã giành được nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Huỳnh Đăng
Theo http://www.baoquangninh.com.vn