“Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam tại Phủ Chủ tịch, năm 1968. Ảnh tư liệu

Thanh niên Việt Nam có vị trí, vai trò trong cách mạng của dân tộc

Năm 1920, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam là chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Một vấn đề cơ bản là ai làm cuộc cách mạng này, Hồ Chí Minh đã giải đáp là toàn dân Việt Nam đoàn kết thành một khối có liên minh công nông làm gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng của giai cấp vô sản Việt Nam. Hồ Chí Minh nhận rõ, trong lực lượng khối đoàn kết toàn dân tộc có lực lượng nòng cốt là thanh niên. Khẳng định truyền thống dân tộc và tin tưởng vào lực lượng thanh niên, Người chỉ rõ: “Tre già, măng mọc”, “Con hơn cha, nhà có phúc”. “Thiếu niên như Đổng Thiên Vương chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi. Trần Quốc Toản mới 15, 16 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên” (1).

Hồ Chí Minh cho rằng, “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(2), sức trẻ có thể “đào núi và lấp biển”. Khi đất nước Việt Nam còn chìm trong đêm trường nô lệ của bọn thực dân đế quốc, Hồ Chí Minh chủ trương thức tỉnh dân tộc và giải phóng dân tộc phải bắt đầu từ thanh niên. Đầu những năm 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh sống ở Pháp chứng kiến những thanh niên Việt Nam sang Pháp học, nhưng lười biếng, chơi bời, Người đã viết bài “Gửi thanh niên An Nam”. Người cho biết: “chúng ta có những sinh viên được học bổng và những sinh viên thường, nhờ ơn nhà nước hay tiền của cha mẹ (hại thay, hai cái nguồn ấy lại không bao giờ cạn cả) mà đang dành một nửa thì giờ vào cái việc... chơi bia, một nửa của nửa thì giờ còn lại để đến các chốn ăn chơi; số thì giờ còn lại, mà ít khi còn lắm, thì để vào trường đại học hoặc trường trung học”(3).

Và người viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”(4). Vì theo Người “thanh niên là bộ phận quan trọng của dân tộc, là lực lượng quyết định vận mệnh của dân tộc và tương lai đất nước” mà sớm già cỗi lao vào ăn chơi hưởng lạc, sa đọa, mất hết tính tiền phong, hăng hái, cống hiến thì chắc chắn nguy hại đến dân tộc. Muốn dân tộc được giải phóng, theo Hồ Chí Minh phải thức tỉnh cả dân tộc, trước hết là thức tỉnh thanh niên. Tuy chính sách đầu độc và thống trị của thực dân Pháp hết sức tàn bạo nhưng Hồ Chí Minh lại tin tưởng “Không: Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi”. Và được thức tỉnh “Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm”(5).

Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn luôn có niềm tin vững chắc vào vai trò, vị trí to lớn của thanh niên, không chỉ trong cách mạng mà cả trong kháng chiến và xây dựng nước nhà. Người khẳng định: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”(6). Trong kiến thiết nước nhà, Hồ Chí Minh đặt niềm tin to lớn vào thế hệ trẻ. Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(7).

Như vậy, Hồ Chí Minh đã tin tưởng thanh niên có vai trò, vị trí to lớn xuyên suốt cách mạng Việt Nam. Hơn thế Người còn đề xuất và thực hành những quan điểm phát huy sức mạnh của thanh niên Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của dân tộc thông qua tổ chức Đoàn thanh niên.

Quan điểm Hồ Chí Minh về tổ chức thanh niên

Một là, thanh niên Việt Nam cần có tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản.

Từ rất sớm, ngay đầu thế kỷ XX, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp Hồ Chí Minh nhận thấy: “Ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn... Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức!”(8). Bởi vậy, vừa từ nước Anh trở lại nước Pháp, đầu năm 1918 Hồ Chí Minh đã tích cực củng cố lại tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp và đưa nó vào hoạt động nề nếp. Trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh càng có cái nhìn khách quan, khoa học về vai trò, vị trí và khả năng cách mạng to lớn của thanh niên trong lịch sử và cách mạng của dân tộc, người thấu hiểu những khát vọng cao đẹp và tha thiết của họ.Trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Người xác định với bạn bè khi rời nước Pháp (6/1923): “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(9).

Người đến Quảng Châu những năm 1923 - 1927 là thủ phủ của Chính phủ cách mạng Tôn Dật Tiên, một trung tâm của cách mạng dân chủ mới ở Trung Quốc, là nơi mà nhiều nhà cách mạng trên thế giới lui tới hoạt động. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia một số hoạt động: sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (1924), mở các lớp huấn luyện chính trị. Đặc biệt, Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925), nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước Việt Nam có xu hưóng cộng sản chủ nghĩa, chuẩn bị thành lập Đảng mà hạt nhân của Hội là Cộng sản đoàn, cơ quan tuyên truyền của Hội là tuần báo Thanh niên. Đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là nhịp cầu bền vững để truyền tải chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đồng thời đây là một bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về mặt tổ chức, là nơi đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước.

Ở đây, Người mở nhiều lớp giáo dục, đào tạo những thanh niên Việt Nam yêu nước. Những bài giảng của Hồ Chí Minh đến năm 1927 được tập hợp thành cuốn Đường Kách mệnh, trong đó Người dành riêng một chương viết về Cộng sản thanh niên quốc tế. Trong chương này, Người có nói rõ lịch sử Cộng sản thanh niên quốc tế, cách tổ chức, mục đích, cách làm việc và mối quan hệ giữa cộng sản thanh niên với Đảng Cộng sản; Người nói về phong trào hoạt động của Cộng sản thanh niên ở các nước trên thế giới và kết luận: “Ngày nay nước nào cũng có thanh niên Cộng sản. Chỉ An Nam là chưa có!”(10). Như vậy, thông qua hoạt động lý luận và thực tiễn, đến giữa những năm 1920, Hồ Chí Minh đã hình thành quan điểm của mình về sự cần thiết phải xây dựng một tổ chức của thanh niên Việt Nam - Tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản. Chính vì vậy, vào mùa xuân năm 1930, khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Điều lệ của Đảng, ở mục “Lệ vào Đảng”. Người viết: “Người dưới 21 tuổi phải vào thanh niên cộng sản Đoàn”(11) và đủ tiêu chuẩn mới được kết nạp vào Đảng. Vậy là, Hồ Chí Minh đã chỉ ra sau khi thành lập Đảng phải tổ chức ra Đoàn Thanh niên Cộng sản, là tổ chức tập hợp và rèn luyện thanh niên, là đội hậu bị giới thiệu những thanh niên ưu tú làm thành viên của Đảng.

Theo tinh thần tư tưởng của Hồ Chí Minh, Án nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động của T.Ư toàn thể hội nghị, Đảng đã nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên; phải lãnh đạo cho quần chúng thanh niên lao động thành phố, nhà quê tranh đấu hằng ngày và phải kéo họ ra khỏi ảnh hưởng quốc gia phong kiến, đế quốc. Muốn được như vậy thì chỉ có tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên mới được”(12). Đồng thời, Đảng ta cũng chỉ rõ:“Cộng sản Thanh niên Đoàn là một đoàn thể thiệt rộng rãi của thanh niên. Nó là một cái cơ quan để huấn luyện cộng sản; vậy cho nên nó phải bao khoát thanh niên lao động cho thiệt đông, chứ không phải như Đảng lấy đảng viên đâu. Đảng là đội tiên phong và lãnh tụ cho toàn thể vô sản giai cấp và dân cày; còn Cộng sản Thanh niên Đoàn không có cái chức trách ấy. Đó là một đoàn thể chánh trị tranh đấu, một đoàn thể phụ thuộc vào Đảng và nhiệm vụ của nó là huấn luyện quần chúng thanh niên theo chủ nghĩa Lênin và xây dựng nên một cái đoàn thể để huấn luyện họ”(13).

Cuối tháng 3/1931, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng lại nhấn mạnh: “Tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết”(14). Hội nghị cũng nghiêm khắc kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ “cần kíp” này và cho rằng: “Tuy nhiên, hiện đến nay không ở đâu tiến lên được bước nào”(15). Ngay sau đó, tháng 4/1931, Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung ương Đảng và nêu rõ: “Trước tiên, phải thống nhất tổ chức Thanh niên và Công hội và những tổ chức đó phải có sinh hoạt độc lập của mình”(16). Từ đây, việc tổ chức Cộng sản thanh niên Đoàn các cấp được Đảng xúc tiến mạnh mẽ, chính thức đánh dấu sự ra đời Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam (26/03/1931).

Hai là, tổ chức Đoàn phải đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên trong các tổ chức thích hợp.

Tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong sự nghiệp Hồ Chí Minh là:

“Đoàn kết, Đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác rất yêu quý thanh niên”. “Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng. Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(17). Như vậy, thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, Trong bài Nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), Người khẳng định: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”(18). Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Như vậy là thanh niên ta góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững mạnh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”(19). Để hoàn thành trách nhiệm lớn, Người đồng tình với việc thanh niên xác định nhiệm vụ của mình là phải “đoàn kết chặt chẽ, ra sức học tập, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch”(20). Nhưng Người nêu rõ, thanh niên phấn đấu thực hiện nhiệm vụ trên, tổ chức Đoàn phải tập hợp thật rộng rãi các tầng lớp thanh niên trong các tổ chức thích hợp, giáo dục rèn luyện họ, đoàn kết họ thành một khối để ai cũng có điều kiện cống hiến và trưởng thành.

Quan điểm trên là nội dung xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức Đoàn, tổ chức thanh niên. Bởi vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên do tổ chức Đoàn thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt, để tất cả mọi tầng lớp thanh niên có thể phục vụ nhiều nhất cho cuộc kháng chiến và kiến quốc khi đó. Đến giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, để thanh niên đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam và cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một cán bộ có uy tín cao của Đảng làm Chủ tịch Liên đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam cùng đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức thành lập Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương. Ngày 15/07/1950, đơn vị Thanh niên xung phong đầu tiên gồm 225 thanh niên ra đời, do đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Từ đây mở ra một hình thức tổ chức tập hợp đông đảo các tầng lớp, các lực lượng thanh niên cống hiến tích cực cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, tổ chức thanh niên xung phong nhằm phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm trường học lớn đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức Đoàn các cấp phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Người dạy: “Một điều quan trọng nữa là phải tăng cường đoàn kết. Không phải nói nhiều, các chú cũng biết đoàn kết là sức mạnh, cách mạng nhờ đoàn kết mà thắng lợi, kháng chiến nhờ đoàn kết mà thành công”(21). Các tổ chức Đoàn có nhiều hình thức, nhiều phương pháp tập hợp đoàn kết thanh niên phong phú nhất, rộng rãi nhất tức là đã tạo ra lực lượng lớn nhất, sức mạnh lớn nhất của thanh niên để góp phần thắng lợi lớn nhất trong cách mạng của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn các tổ chức Đoàn rằng, muốn đoàn kết tất cả cán bộ, đoàn viên phải gương mẫu: Giữ vững đạo đức cách mạng, xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng chứ không phải xa rời quần chúng.

Ba là, xây dựng tổ chức Đoàn phải đi liền với củng cố và nâng cao chất lượng đoàn viên, đào tạo đội ngũ cán bộ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng hệ thống tổ chức Đoàn là vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng hơn là các tổ chức Đoàn tồn tại, phát triển và phát huy được vai trò của mình trong quá trình thực tiễn cách mạng. Muốn vậy, Đoàn thanh niên phải củng cố và phát triển hơn nữa. Vấn đề là củng cố tổ chức Đoàn theo hướng nào? Bằng cách nào? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn củng cố và phát triển, tổ chức Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống, công tác, học tập của thanh niên. Và tất cả đoàn viên phải gương mẫu.

Củng cố tổ chức Đoàn tất nhiên phải chú ý tới công tác đoàn viên; thường xuyên kiện toàn bộ máy và đảm bảo chế độ sinh hoạt Đoàn... Nhưng quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bản chất, thuộc tính của một tổ chức quần chúng và nó là nguyên tắc phải thực hiện để củng cố, phát triển tổ chức quần chúng đó.

Một tổ chức quần chúng muốn được củng cố và phát triển phải nhằm vào đối tượng thành viên mà tác động. Nếu xao nhãng hoặc đánh mất mối quan hệ giữa tổ chức và thành viên tức là tổ chức tự triệt tiêu. Bởi vậy, muốn cũng cố, phát triển tổ chức Đoàn thì tổ chức Đoàn phải hiểu rõ thành viên của mình - tức các đoàn viên như thế nào, họ có mong muốn gì, họ đang sống, làm việc, học tập ra sao… để tổ chức Đoàn có nội dung cách thức tác động tích cực vào các thành viên, tức làm cho chất lượng được nâng cao và khi đó tổ chức Đoàn được củng cố và phát triển. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ Đoàn, “Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực”(22).

Củng cố và phát triển tổ chức Đoàn, vấn đề mang tính bản chất là nâng cao chất lượng đoàn viên. Số lượng đoàn viên trong một tổ chức Đoàn là quan trọng, nhưng quyết định sức mạnh của tổ chức Đoàn lại được quyết định bởi chất lượng của đội ngũ đoàn viên. Vì vậy, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Cần phát triển Đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng. Nói tóm lại, luôn luôn làm đúng những lời dạy bảo của Đảng”(23). Nâng cao chất lượng đoàn viên đòi hỏi tổ chức Đoàn phải quán triệt và tổ chức cho đoàn viên thực hiện tốt 5 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy thanh niên. Và đoàn viên “phải luôn luôn cố gắng hơn nữa, vượt mọi khó khăn, để giành lấy thành tích nhiều hơn và to lớn hơn”(24).

 Đoàn Thanh niên cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia

chương trình "Caravan - Hành trình nhân ái" năm 2019 báo công dâng Bác

Xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà

Tóm lại, Hồ Chí Minh khẳng định: “Ai cũng nhận rằng thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà và Đoàn Thanh niên Lao động là cánh tay đắc lực của Đảng”(25). Vì vậy, cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu, phương hướng và những nội dung giải pháp quan trọng của Đảng được đề ra trong Nghị quyết số 25-NQTW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, là cơ sở để hoàn thành các chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng thời, thiết thực thực hiện lời căn dặn của Người: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Trải qua 88 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khẳng định bản lĩnh cách mạng, lòng trung thành với Đảng, với dân tộc, là lực lượng xung kích cách mạng, là tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam, đội hậu bị tin cậy của Đảng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam. Qua các phong trào, các cuộc vận động do Đoàn phát động, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã không ngại khó khăn, gian khổ, vượt lên mọi thử thách, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh; tích cực, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất; xung kích, tình nguyện bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Khẳng định, việc giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn được các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên xem là nghĩa vụ, trách nhiệm và là mệnh lệnh đặc biệt của trái tim và khối óc.

Đoàn THCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm trở thành những người đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, phát triển. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, bảo đảm cho phong trào thanh thiếu nhi phát triển đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho tuổi trẻ; lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, việc làm cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, phù hợp với tâm lý, nhu cầu của thanh niên; đáp ứng mong mỏi của mỗi gia đình, xã hội, từ đó tạo ảnh hưởng, lan tỏa tích cực trong giới trẻ, khẳng định mạnh mẽ hơn lòng trung thành tuyệt đối, niềm tin của tổ chức Đoàn, thế hệ trẻ hôm nay vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi và phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tham gia thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương, đơn vị và là cơ hội để triển khai, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn và tổ chức cơ sở Đoàn gắn với thực hiện kết luận về các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn; kết luận về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư; qua đó, tạo đà thực hiện thắng lợi chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019…

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và tổ chức Đoàn thanh niên hiện nay, mọi đoàn viên, thanh niên và các cấp bộ đoàn cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” với nội dung phong phú, sinh động, hình thức đa dạng, lôi cuốn, tập hợp được đông đảo thanh niên tham gia và thu được kết quả to lớn để rèn đức, rèn sức, luyện tài, trau dồi lý tưởng, thực sự là “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(26) như lời dạy của Người trong Di chúc./.

------------------------------

(1) (11) (16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.255; tr.5; tr.90

(2) (7) Sđd, tập 4, tr.194;tr.35

(3) (4) (8) (10)  Sđd, tập 2, tr.142; tr.144; tr.143; tr.323

(5) Sđd, tập 1, tr.40

(6) Sđd, tập 5, tr.216

(9) Sđd, tập 1, tr.209

(12) (13)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc giá, Hà Nội, 2002, tr.169; tr.169

(14) (15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc giá, Hà Nội, 1999, tr.91; tr.91

(17)(19) (20) (22) (25) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.298; tr.299; tr.299; tr.91; tr.293

(18) Sđd, tập 9, tr.178

(21) Sđd, tập 11, tr.367

(23) (24) (26) Sđd, tập 15, tr.78; tr.78; tr.622.

Nguyễn Bảo Minh

 

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website