Tôi may mắn được gặp 2 chiến sỹ đã từng hơn 20 năm được phục vụ Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Đó là ông Bùi Văn Ngùng và Nguyễn Văn Thấy ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Đây cũng là địa phương nổi tiếng trong cả nước về truyền thống hiếu học và những di tích lịch sử Quốc gia.
Ông Bùi Văn Ngùng sinh năm 1929 ở thôn Yên Hòa. Trước sự tàn khốc của chiến tranh và chứng kiến những đau thương mất mát mà người dân phải gánh chịu, tháng 8 năm 1953 ông xung phong đi bộ đội. Tham gia chiến đấu 5 trận tại Vĩnh Yên, có những trận ông cùng đồng đội đánh xuống tận ngã ba Thổ Tang và bắt những tên đi theo địch. Đến ngày 10/10/1954, khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đơn vị của ông được giao bảo vệ cho Bác Hồ. Phân đội của ông được giao nhiệm vụ đón Bác từ Tân Trào về Hà Nội. Trên đường đi qua Đền Hùng Bác Hồ đã cho phép đoàn nghỉ chân tại Đền Hùng và Bác đã căn dặn tại Đền Giếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy của Bác đã được các chiến sỹ bảo vệ đi cùng nghe như nuốt trọn từng lời và cho đến bây giờ ông Ngùng vẫn còn như văng vẳng bên tai mình lời dạy của Bác. Về đến Hà Nội, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ cảnh vệ bảo vệ Bác hàng ngày.
|
Cụ Bùi Văn Ngùng kể chuyện phục vụ Bác Hồ. |
Ông nhớ, cứ sau mỗi giờ làm việc của buổi chiều Bác Hồ lại bảo: “Các chú sang đây chuyền bóng với Bác”. Có những hôm tập tạ, thể dục xung quanh bờ ao, khi ấy chiếc ao vẫn còn hoang sơ lắm, Bác Hồ bảo không được phép bỏ đất hoang, các chú phải làm thế nào để có cái ao cho Bác thả cá. Chính vì thế, ông Ngùng cùng các đồng chí đã dọn dẹp xung quanh ao và chỉ trong 7 ngày đã làm xong ao để Bác nuôi cá. Và đến ngày nay chiếc ao vẫn còn và được gọi là “Ao cá Bác Hồ”.
Ông Ngùng khi ấy là chiến sỹ duy nhất là thương binh trong đội cận vệ nên đã được Bác biếu 2 cây thuốc lá và 5 gói chè Hồng Đào. Không chỉ có vậy, vào những ngày Tết Bác bảo: “Bằng bất cứ giá nào tất cả mọi người đều phải sang ăn cơm với Bác hôm 30 Tết”. Đến sáng mùng 1 Bác đi thăm và chúc Tết mọi người. Bác tiết kiệm là vậy nhưng đến ngày Tết Bác cho kéo lưới đánh cá và đem biếu cho mỗi gia đình các đồng chí trong Bộ chính trị như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Văn Đồng… mỗi gia đình một con cá, và chọn những con cá to, ngon đem tặng bộ đội. Trong bữa cơm, Bác luôn hỏi thăm và động viên anh em, ai cũng thấy xúc động.
Ông Ngùng kể về thời gian Bác Hồ bị bệnh. Khi ốm, nhưng Bác vẫn yêu cầu được gặp các đồng chí trong Bộ chính trị để nghe báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam diễn ra như thế nào. Cứ như vậy cho đến lúc Bác mất. Khi đó, Ban tổ chức Trung ương đã cử 5 đồng chí vào đội tiêu binh ngày đêm túc trực quanh linh cữu Bác, ông Ngùng vinh dự là một trong 5 người được chọn vào đội tiêu binh, rồi ông cùng các đồng chí đưa tiễn Bác lên Đá Chông. Khi Lăng Bác được xây dựng xong ông lại cùng đoàn đưa Bác về Thủ đô Hà Nội. Ông Ngùng làm tiêu binh túc trực bên linh cữu Bác Hồ cho đến tháng 10 năm 1978 thì về nghỉ hưu.
Đôi mắt hoen ướt khi nói về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, ông Ngùng xúc động nhắc lại kỷ niệm sâu sắc nhất mà ông cũng như anh em đồng đội không thể nào quên được. Đó là vào một buổi chiều sau khi hết giờ làm việc, Bác Hồ đi thăm ao cá, vườn rau của anh em chiến sỹ, sau đó Bác đi vào bếp ăn của anh nuôi Nguyễn Văn Thỉu. Khi biết tên anh nuôi Bác Hồ suy nghĩ một lát rồi hỏi: Bây giờ Bác đổi tên cho chú, chú có đồng ý không? Đồng chí Thỉu chắp tay đồng ý và được Bác đổi tên là Nguyễn Văn Thảo.
Sau đó, Bác bảo với các đồng chí đi cùng về báo với đồng chí Vũ Kỳ mai mời đồng chí Thảo sang gặp Bác. Một kỷ niệm xúc động cho cả lớp thế hệ sau này, những người chỉ biết Bác qua những áng văn thơ, những câu chuyện kể, những dòng lịch sử tự hào của dân tộc Việt Nam. Ông Ngùng là một trong những người vinh dự khi được theo và phục vụ Bác 23 năm. Giờ đây khi trở về với cuộc sống đời thường, ông thường kể lại những câu chuyện ấy cho các thế hệ sau này, để chúng ta có quyền tự hào về đất nước ta, về vị lãnh tụ vĩ đại với trái tim mênh mông “ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Chia tay ông Ngùng với những câu chuyện đầy xúc động, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thấy ở thôn Nam Hải. Ông Thấy sinh năm 1933, đến năm 1950 đi bộ đội với bí danh Nguyễn Thanh và tham gia vào trận đánh Xuân Trạch lịch sử. Ông vừa học y, vừa học dược và được tham gia vào đội phẫu thuật tiền phương, sau đó làm dược chính phụ trách quân y Trung đoàn 148 rồi lại được điều lên Quân khu. Đến tháng 6-1960, khi ông đang theo học tại Cục Quân y thì được tuyển chọn sang phục vụ cho Đại hội Trung ương Đảng. Đây cũng là cơ duyên để ông được đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp tuyển dụng 1 trong 10 đồng chí, trong đó ông chuyển sang làm công việc kiểm nghiệm hóa chất (thuộc Cục cảnh vệ) trong bữa ăn của các đồng chí trong Bộ Chính trị lúc bấy giờ. Công việc kiểm tra thực phẩm, bảo vệ ăn uống cho các đồng chí trong Bộ Chính trị được coi là công việc cực kỳ quan trọng và cẩn thận. Hàng ngày các ông có nhiệm vụ lấy mẫu thức ăn và mang đi thử, công việc bắt buộc không được để cho sự cố xảy ra nên ai cũng cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Khi Bác Hồ mất, đồng chí Nguyễn Thanh cũng vinh dự được tham gia xây dựng Lăng Bác và đưa tiễn Bác về yên nghỉ tại Lăng. Ông tiếp tục công việc của mình tại Cục cảnh vệ cho đến lúc về hưu (năm 1981).
Cho đến bây giờ mỗi khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông Thanh như sáng rực lên. Ông kể: Cứ vào mỗi tối thứ Bảy, Bác Hồ lại tổ chức chiếu phim, khi đó Bác cho gọi tất cả mọi người kể cả bảo vệ và cảnh vệ vào xem cùng, Có khoảng hơn 100 người cùng xem với Bác. Trong mỗi buổi tối đó Bác đều “bắt” mọi người cùng hát, kể cả trẻ con, và phát kẹo cho từng cháu./.
Bài, ảnh: Nguyễn Loan
Theo http://quankhu2.vn