Lời Bác như ngọn đuốc soi đường
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, lời thư mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu, song chứa đựng vô vàn tình yêu thương, tình đoàn kết dân tộc, là ngọn đuốc soi đường làm nên sức mạnh lòng dân trong suốt bảy mươi lăm năm qua.
Quảng trường Đại đoàn kết mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai.
Ngay sau Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu nhanh chóng trở về các buôn, làng vận động quần chúng, bày tỏ niềm tin tuyệt đối, thủy chung, son sắt của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; quyết tâm thực hiện đoàn kết các dân tộc, đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng, sát cánh cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, kề vai, sát cánh, anh dũng cầm súng chiến đấu chống giặc, đem hết sức mình xây dựng, bảo vệ căn cứ cách mạng, lập nên những chiến công vang dội.
Trải qua hơn ba mươi năm chiến đấu lâu dài, gian khổ và anh dũng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, xả thân vì Tổ quốc và vun đắp cho mối tình đoàn kết, keo sơn giữa các dân tộc. Tiêu biểu như các anh hùng: Đinh Núp, dân tộc Ba Na; Kpă Klơng, Kpă Ó, dân tộc JRai; Y Buông, A Tranh, dân tộc Xơ Đăng; A Mét, dân tộc Giẻ Triêng; N’Trang Lơng, dân tộc M’Nông hoặc các vị cách mạng tiêu biểu như: Y Ngông Niê Kđăm; Y Bih Alêô, dân tộc Ê Đê; Nay Đer, dân tộc JRai; Bi Năng Tắc, dân tộc Raglai; Điểu Ong, dân tộc Xtiêng… Cùng với đó, hàng vạn đồng bào, chiến sỹ trên mọi miền đất nước đã ngã xuống trên mảnh đất Tây Nguyên để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong điện gửi đồng bào, chiến sĩ Tây Nguyên, ngày 30/11/1968, Bác khen ngợi: “Quân và dân Tây Nguyên, già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Người căn dặn: “Ðồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến” (2).
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong mọi giai đoạn của cách mạng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn phấn đấu kiên cường, bền bỉ, kề vai sát cánh, đấu tranh cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, làm nên những kỳ tích anh hùng, làm cho Tây Nguyên có cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Điều đó được khẳng định trong phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại cuộc mít tinh lớn ở Tây Nguyên, ngày 11/4/1978: “Khi còn sống, Bác Hồ vô cùng nhớ Tây Nguyên. Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân cả nước đánh giá cao sự hy sinh vô bờ bến và lòng dũng cảm tuyệt vời của đồng bào Tây Nguyên. Tổ quốc ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn các liệt sỹ từ mọi miền đất nước đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên, mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cùng cả nước viết nên những trang sử chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam” (3).
Đi lên cùng cả nước
Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng và Nhà nước đã có sự đầu tư lớn cả về sức người, sức của; sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của đồng bào cả nước, tập trung khai thác vùng đất giàu truyền thống cách mạng; giàu tiềm năng, thế mạnh, đầu tư xây dựng để Tây Nguyên phát triển, vững bước đi lên cùng cả nước.
Thành phố Pleiku đang chuyển mình, trở thành đô thị loại I.
Mặc dù các thế lực thù địch liên tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, gây ra 2 cuộc biểu tình, bạo loạn (tháng 2/2001 và tháng 4/2004), hòng làm cho Tây Nguyên khó khăn, bất ổn nhưng được sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi có Nghị quyết 10/NQ-TW, ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị, "Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên”, tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục phát triển. Cuộc sống của đồng bào chuyển biến tích cực, không còn tình trạng thiếu đói như trước, từng bước hạn chế du canh, du cư, ốm đau bệnh tật không có thuốc chữa. Hàng nghìn buôn, làng đã “thay da đổi thịt”; đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa ngày càng phong phú, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Thực hiện công cuộc đổi mới, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Nguyên đều tăng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng bình quân của vùng Tây Nguyên đạt 6,55%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ. Tỉ trọng các ngành nông nghiệp; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; thuế trợ cấp sản phẩm năm 2020 tương ứng là: 33,51%, 21%, 40,83% và 14,66% ”(4).
Nhà nước huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển mạng lưới giao thông trong khu vực. Hiện nay, đường bộ toàn vùng có độ dài gần 40.000 km đã kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước trong khu vực. Trong đó, các quốc lộ qua Tây Nguyên có tổng chiều dài 2.517 km; đường liên tỉnh gần 2.035 km và hệ thống giao thông liên cửa khẩu đã nối liền Tây Nguyên với các nước như Campuchia và Lào, qua các cửa khẩu quốc tế: Đắk Ruê (Đắk Lắk), Lệ Thanh (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum). Hàng không phát triển nhanh với ba sân bay: Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Đường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các tỉnh vùng Tây Nguyên để vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được kết nối thuận tiện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Hệ thống chính trị các cấp ở Tây Nguyên tập trung giải quyết những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách mang tính đột phá, nhất là giải quyết về đất đai, nhà ở, việc làm, nước sinh hoạt, xóa đói nghèo cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là những chủ trương, giải pháp đột phá, có ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao không ngừng phát triển, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được duy trì và phát huy.
Tròn bảy mươi lăm năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cùng nhau chung sức, chung lòng, bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ thành quả cách mạng trên quê hương của mình. Trong thời đại mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở Tây Nguyên là không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết dân tộc, làm cho khối đoàn kết này trở thành sức mạnh không thể lay chuyển, tạo cơ sở nền tảng để ổn định và phát triển Tây Nguyên bền vững./.
--------------
(1) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t. 1, tr. 85 - 86
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t. 12, tr. 414 – 415
(3) Tây Nguyên trên đường phát triển bền vững, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 30
(4) Dự kiến kế hoạch năm 2021, 2021 - 2025 và những kết quả vùng Tây Nguyên - Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch Đầu tư, ngày 27/8/2020
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Chiến