Nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận
Theo các nhà nghiên cứu, sân khấu hiện nay đã có hàng chục vở diễn về Bác Hồ. Có thể coi vở “Người công dân số một” do Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng theo kịch bản của hai tác giả Hà Văn Cầu và Vũ Đình Phòng, nghệ sĩ Dương Ngọc Đức đạo diễn là vở diễn hoàn chỉnh đầu tiên về hình tượng Bác Hồ. Ở vở diễn này, NSƯT Hà Quang Văn, con trai của NSND Ái Liên được giao trọng trách thể hiện Bác Hồ thời trẻ. NSND Sỹ Hùng được đảm nhiệm diễn xuất hình ảnh Bác Hồ những năm tháng gian khổ mà hào hùng ở Việt Bắc. Vở diễn đã đoạt giải cao tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm đó và gây tiếng vang lớn trong dư luận. Thành công của vở diễn là sự động viên, khích lệ giới sân khấu mạnh dạn và tự tin hơn trong sáng tạo hình tượng Bác Hồ trên sân khấu.
Sau Cải lương là nghệ thuật Tuồng truyền thống với vở “Không còn con đường nào khác” của Nhà hát Tuồng Trung ương. Tiếp đó là tác phẩm “Sáng mãi niềm tin” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Cả hai vở diễn này, tuy không mô tả một cách cụ thể quãng đời hoạt động của Bác; nhưng đã mang lại những cảm xúc tươi mới cho nghệ thuật Tuồng truyền thống với đề tài hiện đại.
Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều vở diễn về Bác Hồ với đổi mới về nội dung và hình thức. Có thể kể đến “Những vần thơ chép” của Nhà hát chèo Việt Nam; “Cái chết chẳng dễ dàng gì” của Nhà hát kịch Quân đội; “Người ra đi từ câu hò ví dặm” và “Lời Người, lời của nước non” của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca ví dặm Nghệ An, “Đêm trăng huyền thoại” của đoàn Chèo Thái Nguyên; “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ” của Nhà hát Ca kịch Huế...
Gần đây nhất, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà hát Kịch Việt Nam đã công diễn vở kịch nói “Đêm trắng” về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đêm trắng” do tác giả Lưu Quang Hà viết kịch bản, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang cố vấn nghệ thuật. Ðây là vở diễn từng hai lần được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.
Cảnh trong vở kịch nói “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)
Dựa trên một câu chuyện có thật trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cách đây đã hơn 70 năm, nhưng vở "Ðêm trắng" vẫn mang đậm tính thời sự, thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng và cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, lãng phí. Vở diễn đã khắc họa thành công hình ảnh vị lãnh tụ bình dị, gần gũi, thân quen, quyết liệt với cái xấu, cái tiêu cực, nhưng cũng đầy tính nhân văn và một tầm nhìn xa mang tính toàn cục trong công tác cán bộ.
“Đêm trắng” từng được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng với các loại hình khác nhau. Bản dựng lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam có lối kể chuyện và diễn xuất hiện đại, cùng tư duy sân khấu mới mẻ, mang hơi thở thời đại. “Đêm trắng” đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải thưởng Vở diễn sân khấu xuất sắc nhất năm 2020.
Có thể nói, hầu hết các vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh dù là kịch nói, tuồng, chèo hay ca kịch đều tập trung làm nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh, những phẩm chất cao đẹp và tấm gương đạo đức trong sáng, đặc biệt toát lên hình ảnh một con người rất đỗi giản dị, gần gũi, thân thương.
Theo NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các thế hệ văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm sân khấu đã khắc họa thành công hình tượng Bác Hồ, làm lay động trái tim công chúng và truyền đi những giá trị nhân văn.
Thách thức không nhỏ
Việc đưa hình ảnh Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất lên sân khấu là một thách thức lớn với những người làm nghệ thuật. Bởi dù khắc họa hình tượng Bác Hồ ở loại hình sân khấu nào, giai đoạn nào thì vẫn phải làm nổi bật hình ảnh một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng rất đỗi giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân.
Trên thực tế, đã có rất nhiều tác phẩm sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được dàn dựng và biểu diễn. Mỗi vở diễn là một câu chuyện có ý nghĩa trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, gắn liền với những giai đoạn, những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, cho đến nay, công chúng vẫn chưa tìm thấy một tác phẩm sân khấu nào lột tả trọn vẹn công lao và tầm vóc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách xây dựng hình tượng nhân vật trên sân khấu vẫn có cái gì đó gượng ép, chưa sát với đời thực của Bác. Ngoài ra, nhiều kịch bản đơn thuần kể những chuyện đời thường, các chi tiết rời rạc, chưa tạo ra các tình tiết, xung đột kịch hấp dẫn…
Cùng với đó, việc hóa trang và tìm diễn viên thể hiện hình tượng Bác Hồ cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người làm nghệ thuật; hóa trang thế nào, diễn xuất ra sao để lột tả được phong cách, thần thái và tầm vóc vĩ đại nhưng bình dị của Người?
Với hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch, phim truyện nhựa, phim truyền hình, không kể hàng trăm lần trong các chương trình, sự kiện, NSƯT Tiến Hợi cho biết: Vào vai Bác thì phần hóa trang, hoàn chỉnh hình ảnh là mất nhiều thời gian nhất. Còn giọng nói của Bác lại là cả quá trình tìm tư liệu, nghe, nghe và luyện tập miệt mài. “Để vào vai Bác Hồ thời gian đầu tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều thước phim tư liệu về Bác, đồng thời lắng nghe kỹ giọng nói của Người. Mỗi một lần diễn xuất về Bác tôi thường phải ôn lại, thông qua kịch bản, nhẩm đi nhẩm lại để làm sao thể hiện được giọng nói chuẩn nhất, phù hợp nhất, đúng với “chất giọng” của Bác ngày xưa. Tuy có thể chưa đạt được đến những điều mong muốn thế nhưng khán giả nghe, xem và họ cảm nhận được đó đúng là Bác” - NSƯT Tiến Hợi chia sẻ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm xúc vô tận của các văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước với niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn, bằng cảm xúc chân thành từ trái tim, xuyên suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam. Mỗi tác phẩm sáng tác về Người không chỉ là thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật mà còn làm nổi bật giá trị, ý nghĩa to lớn, thiết thực của việc học và làm theo Bác, từ đó khẳng định giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy Bác đã ra đi xa, nhưng những hình ảnh, câu chuyện, bài học quý giá, lời căn dặn của Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới sân khấu. Chắc chắn rằng, những sáng tác sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được lan tỏa và dày lên theo năm tháng, giúp thế hệ ngày nay hiểu hơn về cuộc đời bình dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, từ đó không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
H.Thanh