Chuyện về bức ảnh Bác Hồ, Bác Tôn hơn nửa thế kỷ của “nữ tướng” Công đoàn

Cô Nguyễn Thị Châu bên bức ảnh Bác Hồ được bài trí trên bàn thờ giữa nhà

Gặp Bác giữa bưng biền Tháp Mười

“Kết thúc khóa Tư Huyến, nhờ học tốt, cô được thầy giáo tặng ảnh Bác Hồ”- đã hơn nửa thế kỷ đi qua, nhưng cô Nguyễn Thị Châu - nguyên Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Tháp vẫn giữ nguyên cảm giác hạnh phúc khi nhắc đến thời khắc lần đầu “mắt thấy, tay sờ” ảnh Bác Hồ ngay giữa bưng biền Tháp Mười. Trong ngôi nhà nhỏ nằm bên bờ rạch Xẻo Sình (ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh), cô Châu đã hút hồn tôi với câu chuyện ly kỳ về bức ảnh Bác Hồ có “niên đại” hơn nửa thế kỷ. Đó là bức ảnh màu thể loại ảnh chân dung bán thân của Bác có kích thước nho nhỏ được cô bày trí trên bàn thờ giữa nhà – vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà Nam bộ. “Đây là kỷ niệm đẹp nhất đời hoạt động cách mạng của cô” – cô Châu làm chúng tôi thêm tò mò. Đó là năm 1968. Theo lời cô Châu, sau sự kiện Tết Mậu Thân, phong trào cách mạng ở Đồng Tháp tạm lắng xuống, nên còn gọi là giai đoạn điều lắng. Nhiều địa phương tận dụng thời gian này để mở khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao lý luận cách mạng. Để đảm bảo an toàn các khóa học, Ban tổ chức đã “mã hóa” nhiều thuật ngữ, trong đó có tên khóa học như: Tư Huyến nói trên là nói láy theo cách phát âm của miền Nam của từ Tuyên Huấn... Khi được thầy giáo ở miền Bắc vào dạy, rút từ tập tài liệu ra ảnh Bác Hồ rồi tận tay trao, cô như vỡ òa cảm xúc. Bởi đây là lần đầu tiên được chạm vào “thần tượng cách mạng” mà trước đó, có mơ cô cũng không dám nghĩ đến. “Lúc đó hình ảnh Bác rất hiếm, vậy mà cô được tặng đến 2 bức” - cô Châu bồi hồi – “Khi liếc nhanh theo tay thầy, thấy trong hồ sơ còn tấm ảnh Bác Hồ và Bác Tôn in đen trắng, cô chớp lấy thời cơ ngay”. Không thể từ chối trước chân tình của cô học trò thành tâm, người thầy giáo đã lấy tấm ảnh cuối cùng ra tặng. Đêm đầu tiên đón nhận 2 bức ảnh quý, cô vui đến không ngủ được. “Sau khi dùng giấy báo gói cẩn thận rồi cho vào đáy thùng đạn chiến lợi phẩm, cài nắp cẩn thận rồi treo lên mái nhà, vậy mà vừa định chợp mắt, lại lo... nên bật dậy mở ra kiểm tra. Xong đậy lại, cứ thế cho đến sáng. Và cũng từ thời điểm đó, cô Châu bảo quản 2 bức ảnh hơn cả mạng sống của mình. Suốt 7 năm trường kỳ kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước, đơn vị cô nhiều lần bị bom cày, đạn pháo đến cháy hết cả nhà, sập hết cả công sự và bản thân cô nhiều lần đứng bên lằn ranh sự sống - cái chết... nhưng cô vẫn giữ vẹn nguyên 2 tấm ảnh bằng tất cả sự sáng tạo của mình. “Không chỉ dùng bọc ni long bao nhiều lớp bên ngoài, cô Châu chọn thùng đạn của Mỹ còn nguyên vẹn, sau đó dùng vỏ tràm đã phơi thật khô làm “ron” cho bộ phận nắp đóng mở để bảo vệ ảnh Bác”- cô nhớ lại.

Cô Nguyễn Thị Châu kể lại câu chuyện làm đường từ tài sản đời người của mình

Soi gương Bác sống và làm việc

Nhưng, điều khiến cho lớp hậu sinh chúng tôi thêm tự hào ở người cán bộ Công đoàn lão thành này là đã nâng tầm văn hóa 2 bức ảnh lãnh tụ vĩ đại thành tấm gương để học tập và làm theo cả trong cuộc sống và làm việc. Một trong những biểu hiện sinh động nhất là việc cô đã tự nguyện chuyển công tác từ cán bộ quản lý thương nghiệp tỉnh về tổ chức Công đoàn Đồng Tháp. “Có sống trong những ngày tháng tem, phiếu của thời kỳ đầu thống nhất đất nước, mới hiểu hết nghị lực này”- ông Võ Hưng Thông, nguyên Chủ tịch LĐLĐ Đồng Tháp đã nhận xét về cộng sự của mình. Với tư cách là cán bộ Ban Kinh tài của tỉnh trong kháng chiến, sau ngày thống nhất, cô được phân công quán xuyến 42 cửa hàng thương nghiệp toàn tỉnh Đồng Tháp. Công việc được nhiều người mơ ước. Vậy mà đang lúc thuận buồm, thì đột nhiên cô xin chuyển công tác khiến không ít người ngỡ ngàng. Thậm chí có người còn chê bai, cô nghe hết, nhưng bỏ ngoài tai để dấn thân theo thần tượng đời mình. Nhớ lời giảng trong lớp Tư Huyến về lời kêu gọi cán bộ phải đầu tàu, neo gương Bác Hồ, cô viết đơn xin chuyển công tác. Còn việc chọn tổ chức Công đoàn là do ngưỡng mộ Bác Tôn – người con Nam bộ đã đặt nền móng cho tổ chức Công đoàn Việt Nam. Và tinh thần noi gương cống hiến của Bác còn được cô vận dụng vào tận trong công tác cán bộ. Khi được tổ chức mời đến tham khảo ý kiến để bố trí chức Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ Đồng Tháp, cô vui vẻ chấp hành và chỉ xin duy nhất một điều: được rút khỏi cơ cấu Ban Thường vụ. Lý do cô trình bày là gia cảnh khó khăn: cần có thời gian để chăm sóc mẹ già đã ngã bệnh, chăm 3 con nhỏ..., nhưng ẩn đàng sau đó là cô muốn trao cơ hội phát triển cho người trẻ. Hiểu được tấm lòng đó, lãnh đạo đã chấp nhận ngoại lệ. Và tinh thần vì mọi người ấy còn theo cô đến mãi sau khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, cô về xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh sống với nghề trồng trọt trên phần đất ông bà tạo dựng, nhưng lời dạy “vì dân” của Bác vẫn luôn thôi thúc nên cô Châu không chấp nhận “hết giờ”. Năm 2010, trong lần đi thăm đồng đội thời kháng chiến dịp trước Tết đang sống tại xã vùng sâu, tận mắt chứng kiến một số hộ gia đình gần đó thiếu trước hụt sau, cô nảy sinh ý tưởng giúp người khó khăn đón Tết. Tự nguyện đóng góp và vận động bạn thân sinh hoạt trong Chi hội “Người cao tuổi” xã, cô tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà. Không chỉ gắn bó với công việc này mãi đến nay, mà từ đó còn khai sinh ra nhiều mô hình nhân văn khác như: Hỗ trợ sửa nhà, tiền cho người nghèo lúc ốm đau, bệnh tật đột xuất... Đặc biệt, còn hướng hành động thiện nguyện đến những nơi ít nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm như: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi... “Một lần đến đây thăm người quen, thấy nhiều bệnh nhân tỏ ra rất buồn và đáng thương, hỏi ra, mới biết họ bị gia đình xa lánh, ít quan tâm... nên cô đã rủ bạn bè cùng tâm chí hùn tiền mua đồ đến chăm sóc họ”- cô thật lòng - “Toàn người cao tuổi nên đóng góp không nhiều, chủ yếu là chuyển tải tình thương”. Theo đó, mỗi khi đến kỳ lãnh lương hưu, cô cùng nhóm bạn bàn bạc nhau để chọn ra nhu cầu thiết yếu rồi tổ chức đi thăm... Khi thấy người tâm thần hay xé mùng dễ bị muỗi cắn, đoàn quyết định đến vá mùng cũ và tặng mùng mới, hoặc khi thấy bệnh nhân ngồi ăn chật chội thì quyết định mua bàn ghế để tặng...

Bức ảnh lịch sử Bác Hồ - Bác Tôn đã nhuốm màu thời gian,
nhưng luôn được cô Châu bày trí, gìn giữ như báu vật

Mang cả tài sản cuối cùng giúp đời

Nhưng xúc động nhất là việc cô vét toàn bộ số tiền tích cóp của mình để hiến làm đường nông thôn. Là xã vùng sâu, nhiều tuyến giao thông ở Nhị Mỹ chưa phát triển, việc đi lại rất khó khăn. Nhất là con đường ven rạch Xẻo Sình trước nhà cô nhỏ hẹp, trũng thấp... Chỉ cần một trận mưa là toàn tuyến bị lầy lội, trơn trợt... khiến nhiều người đi đường, nhất là mấy cháu học sinh thường xuyên trợt chân dơ hết quần áo, tập vở... Xót trong lòng, cuối năm 2016, cô quyết định gom hết tiền lương hưu, tiền dành dụm nhiều năm qua để phòng thân khi tuổi già, sức yếu... Sau khi kiểm đếm được 80 triệu đồng, cô mang đến xã nhờ đứng ra làm dùm con đường. “Biết cô thường xuyên làm từ thiện, nên thấy cô ngõ lời, chúng tôi rất mừng, nhưng khi biết số tiền quá lớn... lãnh đạo xã cử tôi trực tiếp đến nhà thăm dò thêm... Nhưng dường như đọc được điều này, vừa gặp mặt, cô nói ngay: “Cô là dân Công đoàn, lời nói như đinh đóng cột!”, biết chắc ăn như bắp, tôi về báo cáo lãnh đạo xã triển khai ngay”- ông Lê Cẩm Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ nhớ lại. Tuy nhiên, do tuyến đường dài đến 1,2km, nên chi phí lên đến 150 triệu đồng. Trong khi đó, phần lớn bà con ở đây sống bằng nghề nông nên khó kham được phần còn lại. Biết chuyện, cô lại ra xã gặp lãnh đạo bày tỏ: “Cho cô xin phép cùng Ban ấp vận động thêm”. Tại buổi họp Tổ Nhân dân tự quản 15 và 16, cô đứng lên nói: “Tôi mới kêu mấy đứa con đang làm việc ở Sài Gòn gởi tiền về tiếp sức thêm được 20 triệu đồng, như vậy tổng cộng được 100 triệu đồng rồi, nhưng để nhẹ gánh cho bà con, đường phía trước nhà tôi, tôi tự làm”. Thấy cô Châu tuổi cao mà đóng góp hết mình, bà con hưởng ứng ngay. Thế là con đường đau khổ bậc nhất ấp Hòa Dân đã lột xác, khoác lên mình chiếc áo khang trang. “Tôi thật sự xúc động và trân trọng trước nghĩa cử cao quý của người đảng viên, người cán bộ Công đoàn lão thành Nguyễn Thị Châu” – bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh tự hào chia sẻ về cô Châu - “Bởi không chỉ gom hết tài sản quý dành dụm cả đời để đóng góp thiết thực, góp phần cho sự phát triển của quê hương, xứ sở, cô thật sự là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách “vì dân phục vụ” của Bác Hồ, Bác Tôn”.

Thông qua những việc làm đầy nhân ái, đậm chất nhân văn của mình vì mọi người, không chỉ tô điểm, tôn vinh, cô Châu trở thành người học trò xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, Bác Tôn... mà còn khơi nguồn, lan tỏa phẩm chất cao đẹp để hâm nóng ngọn lửa nhiệt huyết đang rừng rực trong huyết quản của thế hệ hôm nay và mai sau học tập, làm theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp - Đất Sen hồng ngày càng rực rỡ và bền vững.

Lục Tùng

Theo http://baodongthap.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website