Cuộc sống mới nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lập căn cứ cách mạng

Nơi đây, Nguyễn Ái Quốc đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng trong lòng nhân dân, để rồi ngọn lửa ấy bùng cháy lên thành phong trào cách mạng lan rộng khắp cả nước, đánh tan quân xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Ngày nay, núi rừng Pác Bó vẫn in sâu hình bóng người cha già, mắt sáng, chòm râu bạc và nụ cười phúc hậu năm xưa - người đã mang độc lập, tự do, hạnh phúc về cho nước Việt Nam.

 

 Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc thân yêu

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, chọn Cao Bằng làm nơi nhen nhóm, gây dựng phong trào cách mạng. Đó là một sự tính toán chiến lược liên quan tới triển vọng của phong trào cách mạng cả nước. Với tầm nhìn xa trông rộng, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, chỉ đạo công tác vận động xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng, công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, công tác tuyên truyền, xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở đảng, xây dựng quan hệ quốc tế… Dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Ái Quốc, cùng với tinh thần quật khởi, ý chí cách mạng kiên trung của đồng bào các dân tộc Cao Bằng, phong trào cách mạng nhanh chóng lớn mạnh, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ lan tỏa rộng khắp, thúc đẩy nhân dân vùng lên giải phóng đất nước.

Tự hào là căn cứ địa đầu tiên, “đại bản doanh” của cả nước, là “cội nguồn cách mạng”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, là quê hương thứ hai của Bác Hồ, 80 mùa xuân qua, các tầng lớp nhân dân luôn đoàn kết xây dựng Cao Bằng giàu đẹp, xứng đáng là bức “phên giậu” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin mà Bác đã dành cho Cao Bằng: “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc...”.

Công trình vườn hoa và tượng đàn tính tại khu vực ngã ba lán Khuổi Nặm,
xã Trường Hà (Hà Quảng). (Nguồn: Báo Cao Bằng).

Xứng đáng với niềm tin của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Quảng luôn đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng ấm no giàu mạnh, đạt nhiều kết quả đáng mừng. Kinh tế liên tục phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện đi lên. Về Hà Quảng hôm nay, những con đường thênh thang rộng mở, những bản làng xa xôi nay đã có đường ô tô đến tận nơi, những căn nhà ngói xanh ngói đỏ khang trang như minh chứng cho cuộc sống yên vui đủ đầy của người dân nơi đây.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Hà Quảng đã đạt những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,46%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,22% mỗi năm. Huyện có 4 xã: Trường Hà, Sóc Hà, Đào Ngạn, Ngọc Đào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trên 90% xóm có đường ô tô, xe máy đến nơi; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách xã hội được triển khai kịp thời, an sinh xã hội bảo đảm, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường.

Theo Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ huyện luôn quan tâm, chú trọng công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; mặt khác luôn cố gắng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại mô hình tổ chức Đảng, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ...

 Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website