Bí thư chi bộ "nói đi đôi với làm"

Đang lúi húi trộn vỏ cà phê với bùn mía để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, thấy chúng tôi, ông Đỗ Đức Học dừng việc và giải thích rằng: “Những năm trước, giá phân bón thấp, tôi chỉ bón khoảng 5 m3 phân hữu cơ cho 1 ha cà phê. Năm nay, tôi mua thêm bùn mía của Nhà máy Đường An Khê về trộn, rồi ủ làm phân để giảm chi phí mua phân vô cơ”. Với tính cần cù, chịu khó, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình nên ông luôn được người dân trong thôn tín nhiệm, quý mến. Vợ chồng ông từng sở hữu 14 ha cà phê. Sau này, khi con cái trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng, ông chia bớt cho con, chỉ giữ lại 200 trụ hồ tiêu, 7 ha cà phê có trồng xen 100 cây sầu riêng.

 Hiện tại, ở tuổi 62 ông Đỗ Đức Học vẫn chăm sóc 7 ha cà phê. Ảnh: Anh Huy

Để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng và giảm chi phí đầu tư, ngoài tăng cường bón các loại phân hữu cơ thay thế phân vô cơ, ông còn tái canh vườn cà phê. “Diện tích cà phê của gia đình được trồng từ những năm 1995. Giống cà phê lúc đó cho quả nhỏ, dai, khó hái nên sau này khi khoán công thu hoạch nhiều người ngại nhận. Mỗi năm, tôi tái canh 10-20% diện tích. Đến nay, 6 ha đã cho thu hoạch ổn định, 1 ha còn lại đang trong giai đoạn chăm sóc”-ông Học cho hay. Nhờ chăm sóc tốt nên năng suất vườn cà phê đạt 4-4,5 tấn nhân/ha. Với giá bán hiện tại, ông thu về hơn 1 tỷ đồng.

Được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tây Hồ từ năm 2019 đến nay, ông Học luôn nhiệt tình, trách nhiệm và “nói đi đôi với làm”. Ông quan niệm: “Làm việc gì cũng cần kiên trì và đi đến cùng”. Vì vậy, ông luôn sắp xếp thời gian, công việc một cách hợp lý để tuyên truyền người dân trong thôn nắm, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động người dân tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao và tham gia các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ông luôn sâu sát, kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng-chống dịch đến cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn.

Anh Đỗ Đức Nguyên-Bí thư Chi Đoàn thôn Tây Hồ-cho hay: “Chi bộ có 18 đảng viên, phần đông là nông dân, ban ngày còn lo sản xuất, chỉ có thể tranh thủ họp vào buổi tối. Trong các buổi sinh hoạt, Bí thư Chi bộ gợi ý các vấn đề thảo luận cụ thể, rõ ràng. Do đó, đảng viên tham gia ý kiến rất sôi nổi”.

Nhận xét về Bí thư Chi bộ thôn Tây Hồ, ông Đoàn Văn Xuân-Bí thư Đảng ủy xã Bàu Cạn-nhấn mạnh: “Hơn 3 năm trên cương vị Bí thư Chi bộ, đồng chí Học luôn gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân và có trách nhiệm cao trong công việc. Đồng chí luôn đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của thôn và có nhiều đóng góp trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Ở tuổi 62, đồng chí còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế để mọi người học tập, làm theo”.

ANH HUY

Theo https://baogialai.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website