Bài 2: Thực hiện Chỉ thị 05 ở Thanh Sơn (Phú Thọ): “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

 

Với vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, ở Thanh Sơn, một số đảng viên
Với vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, ở Thanh Sơn, một số đảng viên đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“…Đảng viên phải đi trước để làng nước theo sau. Trên đại khái, dưới ắt qua loa…”… là câu nói đầu tiên của đồng chí Nguyễn Quang Sỹ – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Sơn với tôi khi chúng tôi trao đổi với anh về thực hiện nêu gương theo tinh thần Chỉ thị 05 ở địa phương. Cũng theo anh, để thực hiện Chỉ thị 05 có hiệu quả, cấp ủy và người chỉ huy từ huyện đến khu hành chính đều xây dựng kế hoạch cụ thể từng tháng để đưa vào sinh hoạt,  liên hệ với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm ở  cơ quan, đơn vị, tổ, đội, nhóm mình,  gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”... Đến nay, hầu hết cấp ủy các địa phương, đã lựa chọn những vấn đề nổi cộm có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, nhân dân trong địa phương mình để bàn bạc, đối thoại, chấn chỉnh. Trong đó, đặc biệt nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ chủ trì. Chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến, lấy đảng viên, người có uy tín thôn, bản làm nòng cốt.

Đã đi nhiều nơi, nhưng quả là chưa nơi nào cho tôi nhiều cảm xúc về sự tiên phong, gương mẫu, cách mạng triệt để như ở xã Địch Quả, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn.

Ông Đinh Quang Hải, Bí thư khu Lóng; đảng viên Nguyễn Văn Khải và Nguyễn Đình Ngư, người có uy tín thôn, bản là 3 đảng viên ở Địch Quả, dù có điều kiện khác nhau, tuổi tác khác nhau... nhưng 3 ông đều có điểm chung là khi địa phương xây dựng nông thôn mới, các ông đều đứng ra hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa và các công trình khác. Lúc đầu, nhiều người, có cả người thân trong gia đình khuyên ngăn, phản đối, vì gia đình đã khá giả gì đâu mà “sĩ diện”. Có người còn bảo họ bị “hâm” hay “tâm thần”. Tuy nhiên, khi các ông đặt lại câu hỏi, mình không làm thì ai sẽ làm, rồi mình làm việc ấy là cho ai ngoài chính bản thân, con cháu và dân làng... thế là người ta dần hiểu ra. Từ các ông, không chỉ việc hiến đất mà tất cả các việc khác ở khu Lóng, khi chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể phát động, mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong khu đều tự giác, tự nguyện làm hết mình.

Đảng viên ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn luôn quan tâm việc
Đảng viên ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn luôn quan tâm việc xây dựng trường lớp để đảm bảo cơ sở vật chất cho các em học tập.

Tại xã Cự Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Đinh Thị Phước cho biết, chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư được nâng cao và duy trì tốt; cán bộ, đảng viên đã làm tốt trách nhiệm “nêu gương”, nhất là trong phát triển kinh tế hộ.  Để rõ hơn lời nói của mình, chị đưa tôi xuống khu dân cư. Ở khu Xuân Thắng, chỉ với 7 đảng viên nhưng đã phát huy cao vai trò đầu tàu, gương mẫu của đảng viên, vận động, thuyết phục nhân dân (hầu hết là người dân tộc Dao) tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn tổng cộng hơn ba héc-ta, trong đó có hộ ông Lý Kim Thành, cựu chiến binh người Dao đã tự nguyện hiến hơn ba sào đất trồng keo. Còn ở khu dân cư 13 (xóm Chòi), nơi hơn 94% là đồng bào dân tộc Mường, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thành cho biết: Chi bộ khu có 21 đảng viên, 5 năm qua liên tục đạt trong sạch vững mạnh, trong đó ba năm đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Khu có nhiều điển hình phát triển kinh tế hộ, như gia trại của đảng viên Nguyễn Hưng Đạo, kết hợp chăn nuôi và trồng rừng (cây keo nguyên liệu giấy) với diện tích 20ha, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mấy chục hộ dân trong xóm tự nguyện hiến đất vườn để làm đường, nên khu đã có 1,5km đường nội bộ được bê-tông hóa...

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khải - đảng viên thuộc Chi bộ khu Lóng, xã Địch Quả, tôi càng thấy hết được vai trò quan trọng của việc noi gương. Ông Khải cho tôi biết, nếu thực hiện nêu gương tích cực, sẽ đưa đến phản ứng dây chuyền có điều kiện theo hướng tích cực. Như ngay tại địa phương của ông, chỉ việc nhỏ như bỏ thuốc lá thôi, khi đảng viên bỏ thuốc sẽ thuyết phục được con cháu và nhân dân về tác hại của việc hút thuốc và bỏ hút thuốc. Mà nói phải “củ cải cũng nghe” chứ chưa nói đến làm phải lại càng thuyết phục hơn, như việc hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Thế nên, trên gương mẫu, dưới ắt nghe theo. Đó cũng là những tâm sự của ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Chi bộ Khu 21, xã  Cự Thắng.

Mặc kệ trời nắng chang chang, ông Trần Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Địch Quả vẫn tỉ mỉ và tận tình hướng dẫn cho cán bộ, nhân dân về cách phòng bệnh cho gà. Tôi hỏi anh Tình  rằng, việc làm này có thường xuyên không?. Anh Tình cười tươi mà rằng: Ấy chết, sao phóng viên lại hỏi thế. Nếu phóng viên đến nhiều hơn sẽ thấy được, không chỉ cán bộ xã mà cán bộ huyện, tỉnh cũng thực hiện tác phong ấy. Chính tác phong công tác ấy là tấm gương để  chúng tôi học tập và cấp dưới tin, phục mà thực hiện cũng như bảo nhau cùng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mình được phân công. Tất cả vì nhiệm vụ chung, mục tiêu, lý tưởng chung.

Đưa tôi xem kế hoạch tự phấn đấu, rèn luyện của mình, ông Nguyễn Đình Ngư, người có uy tín khu Lóng, xã Địch Quả cho biết: Là đảng viên nên ngay từ đầu năm, chúng tôi đều đăng ký những nội dung, chỉ tiêu  phấn đấu cụ thể. Trong đó, những nội dung được cụ thể hóa theo Chỉ thị 05 là những nội dung quan trọng để chúng tôi thực hiện...

Kim Chi - Tiến Mạnh

Theo http://baophutho.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website