Học Bác, việc gì có lợi cho dân thì phải làm

HỌC BÁC TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ NHẤT

Với tâm niệm “đã nhận nhiệm vụ thì phải làm hết mình”, suốt 10 năm qua, đồng chí Phạm Văn Bé đã đem hết tâm huyết phục vụ công tác khuyến học, góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023, đồng chí Phạm Văn Bé đứng hàng thứ nhất thứ 6 từ phải qua.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Bé cho biết: Qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bản thân đồng chí đã tìm hiểu, nghiên cứu những tài liệu viết về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, những câu chuyện kể về Bác, nhất là tìm hiểu tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Qua đó, đã giúp cho đồng chí nâng cao ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Học tập và làm theo Bác không phải là làm những điều cao siêu, to lớn, mà cần bắt đầu từ những việc làm giản dị, từ lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách ứng xử trong xử lý và giải quyết công việc, cuộc sống hằng ngày. Dù công tác ở vị trí nào, trước hết chúng ta phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, từ việc nhỏ cho đến việc lớn, không ngại khó khăn, gian khổ; luôn rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng.

Huyện Gò Công Đông mặc dù kinh tế có bước phát triển, nhưng chưa đồng bộ, đời sống người dân vẫn còn khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa đủ đáp ứng với nhu cầu thực tế. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, không đủ nguồn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bản thân khi còn giữ vai trò là Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội (từ năm 2006 - 2014), ngoài việc giải quyết công việc hành chính hằng ngày, đồng chí luôn trăn trở, tìm hiểu, suy nghĩ và tìm ra các giải pháp để huy động nguồn lực xã hội hóa, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân.

Qua đó, đã tăng cường các mối quan hệ, tranh thủ vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện chung tay đóng góp thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Bằng tình thần, trách nhiệm, tấm lòng của mình, xuất phát từ mục đích duy nhất là phục vụ cho nhân dân, qua vận động, đã có rất nhiều mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học, cụ thể như: Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tư, THCS Võ Văn Chỉnh, THCS Võ Văn Kiết, THCS Lê Quốc Việt, THCS Nguyễn Trọng Dân, Trường Mẫu giáo Tân Đông…, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Đồng thời, vận động kinh phí hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo vào các dịp lễ, tết…

NẶNG LÒNG VỚI CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC

Suốt gần 10 năm gắn bó với công tác Hội, đồng chí Phạm Văn Bé luôn tận tụy với công tác Hội, hiểu rõ hoàn cảnh của từng hộ gia đình, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong huyện. Không cần sổ sách, cứ nhắc đến bất kỳ hộ gia đình khó khăn nào, nhất là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong huyện, đồng chí đều nhớ và đọc vanh vách từ họ, tên, gia đình ấy có bao nhiêu người con, học lớp mấy, cha mẹ làm nghề gì...

 Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Gò Công Đông Phạm Văn Bé, một điển hình về học tập và làm theo Bác.

Với dáng người mảnh khảnh, nước da hơi ngâm cùng nụ cười rạng rỡ, đồng chí trải lòng: “Sau khi về hưu được 6 tháng, Huyện ủy, UBND huyện đề nghị tôi đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Khuyến học huyện từ tháng 1-2015 đến nay. Bản thân tôi xuất thân từ nhà giáo, tôi luôn trăn trở và quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của huyện nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, tôi nhận thức được rằng, chăm lo cho giáo dục chính là chăm lo cho tương lai của quê hương, đất nước.

Thực tế, ngành Giáo dục huyện nhà còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn huyện vẫn còn cao, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Do đó, bản thân đã cùng với tập thể đề ra các giải pháp để thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, tăng cường vận động nguồn lực để có thể hỗ trợ cho nhiều học sinh; mục tiêu là không để học sinh phải bỏ học giữa chừng.

Làm công tác ở Hội Khuyến học, chủ yếu là vận động kinh phí, nhiều người cũng từng hỏi tôi là “đi xin có ngại không?”, tôi nghĩ rằng, việc đi xin kinh phí để cho học trò nghèo, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt sự khổ cực, thì đó là vinh dự, trách nhiệm của một người đảng viên, việc gì có lợi cho dân thì phải làm. Do đó, đi bất cứ nơi đâu, tôi không ngại chia sẻ, gợi mở về những khó khăn của các em học sinh, các hoàn cảnh khốn khó với các nhà hảo tâm, các đơn vị, cơ quan để tìm sự chia sẻ, giúp đỡ”.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội Khuyến học, đồng chí cùng Ban Thường vụ Hội xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sát với thực tiễn của địa phương, làm tốt công tác tham mưu, xây dựng các mô hình học tập tại cơ sở, xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh.

Trong năm 2023, toàn huyện hiện có 23 Ban Chấp hành Hội cơ sở; 140 Ban Khuyến học ấp, khu phố, trường học, cơ quan, đạt 26,25% so dân số toàn huyện Gò Công Đông. Bằng tấm lòng tận tâm với các em học sinh, các đối tượng khó khăn, đồng chí Phạm Văn Bé đã nhận được “quả ngọt” từ sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, số tiền của Quỹ Khuyến học tăng dần lên theo từng năm.

Vừa qua, đồng chí Phạm Văn Bé là người duy nhất của tỉnh Tiền Giang vinh dự được tuyên dương trong Chương trình “Hồ Chí Minh - hành trình khát vọng 2023” tôn vinh các điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Đồng chí Bé cho biết: Được gặp gỡ, giao lưu với các điển hình trên cả nước, tôi thấy những việc làm, sự đóng góp của mình trong thời gian qua còn rất khiêm tốn. Qua chương trình, tôi học được rất nhiều điều, là người đảng viên phải gương mẫu, làm công tác khuyến học phải có tâm trong sáng, có uy tín, có năng lực tập hợp và vận động, biết liên kết phối hợp mọi tổ chức và cá nhân để huy động sức mạnh tổng hợp, đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp trồng người”.

 

Tính từ năm 2015 đến nay, Hội Khuyến học huyện đã vận động được tiền và hiện vật với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng. Đặc biệt, tính từ tháng 5-2022 đến tháng 5-2023, Quỹ Khuyến học huyện Gò Công Đông đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài; vận động tiền và hiện vật quy thành tiền trên 1,4 tỷ đồng. Trong đó, hiện vật gồm 15.000 quyển vở, 40 xe đạp, 8 mái ấm khuyến học, 700 phần quà tết, 1 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, 30 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo…

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang Đồng Thị Bạch Tuyết đánh giá: “Đồng chí Phạm Văn Bé là một người kỳ cựu, am hiểu về hoạt động khuyến học, khuyến tài và nắm bắt được đặc thù ở địa phương. Tuy tuổi đã cao, đồng chí Bé luôn năng động, nhiệt tình trong các hoạt động, công tác của Hội Khuyến học huyện Gò Công Đông. Đồng thời, với uy tín, sự tin tưởng của các đơn vị, cơ quan và doanh nghiệp, đồng chí Bé có nhiều điều kiện thuận lợi để vận động các nguồn hỗ trợ nhằm giúp học sinh nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên, góp phần đưa công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website