“Vũ khí sắc bén” trong tác phẩm Đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh

 

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 12/1958.
Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 12/1958.

“Vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”

Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh quan tâm thường xuyên, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Từ những bài giảng đầu tiên cho lớp thanh niên yêu nước những năm 20 ở Quảng Châu (Trung Quốc), cho đến khi đi dần đến cõi vĩnh hằng, trong các bản Di chúc mà Người để lại, đều đề cập đến việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức.

Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là “gốc”, là “nền tảng” của người cán bộ, đảng viên, giúp vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Đạo đức cách mạng mang lại uy tín, là căn cứ để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, lôi cuốn quần chúng đi theo.

Đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, mà phải trải qua một quá trình tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mới có được: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(1), và đó như chân lý mà Người đã tổng kết bằng cả cuộc đời thực hành đạo đức cách mạng của mình: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(2).

Theo Hồ Chí Minh, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình hoạt động không phải thánh thần, ai cũng có thể phạm sai lầm, khuyết điểm, Người xác định: “đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa,...”(3). Phải thực hiện tự phê bình và phê bình để phát hiện cái sai, điểm yếu và sửa chữa, đó là một vũ khí vô cùng lợi hại của Đảng, đó là luật phát triển, là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(4).

Hồ Chí Minh định nghĩa: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”(5).

Trong “Đạo đức cách mạng”, sau khi định nghĩa về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đề cao vai trò, giá trị của tự phê bình và phê bình và Người xem đó là một trong những việc cần làm thường xuyên của người có đạo đức cách mạng để có thể tiến bộ: “Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(6). Hồ Chí Minh xem tự phê bình và phê bình như nếp sinh hoạt hằng ngày, Người ví tự phê bình và phê bình phải thường xuyên như rửa mặt hàng ngày; phải cụ thể, chính xác; phải có thái độ cầu thị, đoàn kết, giúp đỡ nhau sửa chữa, tiến bộ. Ngoài ra, để tự phê bình và phê bình thực hiện có hiệu quả, Người yêu cầu: Phải xuất phát từ tình đồng chí thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, có lý, có tình, không phải để soi mói, nói xấu nhau, đập cho tơi bời, phải phê bình việc, chứ không phải phê bình người..; Phải bảo đảm dân chủ, từ dưới lên và từ trên xuống; Phải nhằm đến mục tiêu đoàn kết hơn; Không chỉ đúng, mà còn phải khéo…

Tự phê bình và phê bình có mối quan hệ biện chứng với đạo đức cách mạng, thực hiện tự phê bình và phê bình là nghĩa vụ và quyền lợi, là đặc trưng phẩm chất cao quý của những người cách mạng chân chính; có sức mạnh to lớn, đưa cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao gian khó, tiến lên giành được những thắng lợi to lớn. Trong các chặng đường gập ghềnh, khó khăn đó, Hồ Chí Minh ví tự phê bình và phê bình như là một loại vũ khí sắc bén đã giúp Đảng, cán bộ đảng viên vượt qua được những giai đoạn cách mạng khó khăn, gian khổ, từ khi còn hoạt động bí mật, địch khủng bố gắt gao cho đến khi kháng chiến thắng lợi. Sự nghiệp đổi mới hiện nay, tiếp tục phát huy và sử dụng vũ khí đó như thế nào cho hiệu quả trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là giải pháp quan trọng để Đảng ta xứng đáng là Đảng đạo đức, là Đảng văn minh của dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

“Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình”

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân, chỉ rõ nếu quan hệ đó hướng thuận góp phần to lớn tạo ra sức mạnh cho Đảng, còn nếu cán bộ đảng viên không giữ được mối liên hệ mật thiết này thì dễ dẫn đến quan liêu, xa dân, kết quả là sự nghiệp đổi mới thất bại, thậm chí Đảng không giữ được vai trò lãnh đạo của mình. Người khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(7). Trong “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng ta là một đảng có tính chất quần chúng, đảng viên của Đảng được rèn luyện trong cách mạng và trong kháng chiến, nên đa số là tốt, trung thành với Đảng, với cách mạng “Các đồng chí ấy hiểu rằng: đảng viên phạm sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm, cho nên khi có sai lầm thì các đồng chí ấy sẵn sàng và kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to. Do đó, các đồng chí ấy biết thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ. Như thế là đúng với đạo đức cách mạng. Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi”(8). Do đó, bài học mang tính chân lý là phải thật tâm lắng nghe dân, tôn trọng nhân dân, chân thành tự phê bình và tiếp thu ý kiến nhân dân phê bình thì chắc chắn sẽ thuận lợi và thắng lợi trong mọi công việc.

Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn thừa nhận trong điều kiện Đảng trở thành Đảng cầm quyền, vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, đáng phê phán hơn: “Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Họ không biết rằng: có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm”(9).

Người khẳng định: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”(10). Người khẳng định, giữ mối quan hệ mật thiết với quần chúng là góp phần làm cho Đảng mạnh, phát huy được tối đa trí tuệ của toàn Đảng và đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bởi vì quần chúng không chỉ là những người góp ý vào văn kiện Đảng, mà còn tham gia vào công tác tổ chức và công tác cán bộ bằng những hình thức, biện pháp thích hợp: kiểm tra công tác, giám sát, góp ý phê bình cán bộ, đảng viên, giới thiệu những người ưu tú để Đảng kết nạp vào hàng ngũ, kiến nghị với Đảng, Nhà nước thi hành kỷ luật những phần tử thoái hóa, biến chất.

Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh rất chú trọng công tác nêu gương, vì Người cho rằng một tấm gương sống còn hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền, cho nên cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt (cán bộ cấp chiến lược - như cách dùng hiện nay của Đảng), phải nêu gương về đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Vì “đảng viên phạm sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm”, cho nên phải “sẵn sàng và kịp thời sửa chữa”(11)  những sai lầm đó.

Ý nghĩa về tự phê bình và phê bình trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng là di sản vô giá, quý báu mà Người đã để lại cho toàn Đảng và cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển, sự nghiệp đổi mới của đất nước đứng trước nhiều thử thách, trong đó một trong những thử thách vô cùng khắc nghiệt đối với vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền chính là tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(12). Tiếp đó, Nghị quyết của Trung ương lần thứ tư khóa XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận diện một hệ thống những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về các khía cạnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Cụ thể, biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị trong thực hiện tự phê bình và phê bình được Đảng thẳng thắn chỉ ra, đó là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”(13).

Thẳng thắn nhìn nhận những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên, đồng thời Đảng đã đề ra các nhóm giải pháp để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đề ra bốn nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp “về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên” được Trung ương Đảng xác định là nhóm giải pháp đầu tiên, cho thấy vai trò, ý nghĩa của nhóm giải pháp về thực hiện tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng. Sau đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII khái quát bốn nhóm giải pháp: về chính trị tư tưởng; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát trong Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, tự phê bình và phê bình là một nội dung quan trọng của nhóm giải pháp thứ nhất về công tác chính trị tư tưởng, Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” (14).

Trong thời gian tới, để công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải không ngừng học tập, trau dồi và nâng cao đạo đức cách mạng; chú trọng thực hành, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tự phê bình và phê bình như Người đã phân tích, chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” và thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, về phía tổ chức, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cần nhận thức đúng về tự phê bình và phê bình, là nguyên tắc sinh hoạt, quy luật phát triển của Đảng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình chính là giúp nhau cùng tiến bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng những hình thức cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Thứ hai, về phía cán bộ, đảng viên, đối với tự mình phải chủ động tự phê bình, không được giấu giếm khuyết điểm; khi có khuyết điểm, phải tự giác nhận kỷ luật và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm từ đó cố gắng vươn lên. Đối với đồng chí, đồng sự phải chủ động phê bình, giúp đỡ họ nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời khắc phục, mạnh dạn phê bình những đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị nếu có khuyết điểm, sai lầm. Thực hiện tự phê bình và phê bình cần thiết thực, hiệu quả, cụ thể gắn với các nội dung liên quan đến tư cách người đảng viên, với trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân, đơn vị, địa phương mình phụ trách, chỉ rõ những vấn đề làm được, chưa làm được, nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Nghiêm túc thực hiện nêu gương theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Thứ ba, thực hiện tốt Quyết định 218-QĐ/TW để nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng Đảng. Các ý kiến thể hiện sự giám sát của nhân dân được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, trân trọng và giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Cán bộ, đảng viên phải chăm lo thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối liên hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân để khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác.

60 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng, song, những điều tâm huyết, những chỉ dẫn của Người về việc thực hiện tự phê bình và phê bình, tu dưỡng đạo đức cách mạng vẫn còn mãi với thời gian và đặc biệt vẹn nguyên ý nghĩa thời sự đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió, thác ghềnh để đưa nhân dân Việt Nam đến bến bờ hạnh phúc.

----------------------

1.Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.11, tr.612

2.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.15, tr.672

3.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.5, tr.303

4.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.5, tr.301

5.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.5, tr.307

6.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.11, tr.603

7.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.5, tr.326

8.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.6, tr.608

9.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.6, tr.608

10.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.6, tr.609

11.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.6, tr.608

12.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Sđd, tr.22

13.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr.31

14.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd

TS Lê Thu Hồng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website