Đào luyện ra những lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”
Bác Hồ với các cháu học sinh trường Trưng Vương (Hà Nội), vào năm 1956. Ảnh: Tư liệu.

 

Từ người thầy giáo trẻ ở trường Dục Thanh, đến giảng viên Lý Thụy của trường Huấn luyện chính trị ở phố Văn Minh (Quảng Châu - Trung Quốc), Hồ Chí Minh đã trở thành nhà giáo dục, người thầy lớn của dân tộc Việt Nam. Theo Hồ Chủ tịch, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì, các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” thầy giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Trong bài “Sư hinh”, Người cắt nghĩa: “Sư hinh” nghĩa là đạo đức thơm tho của người thầy. Ngày xưa các cụ nhà nho ta hay dùng hai chữ ấy để khuyến khích những người làm nghề dạy học”(2).

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng, anh hùng tập thể”(3). Thầy giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại, cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Hồ Chủ tịch luôn luôn đánh giá đúng và đề cao vai trò của các nhà giáo đối với xã hội: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”(4). Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, xứng đáng với danh hiệu “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Muốn làm được điều đó, trước hết người thầy giáo phải cải tạo tư tưởng bản thân mình và phải “Dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(5). Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, với tinh thần cách mạng “tiên ưu hậu lạc”. Tháng 3 năm 1954, khi cả nước đang bước vào giai đoạn quyết định của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ngoài mặt trận, trong “Thư gửi Hội nghị nhà giáo”, Người khẳng định “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy dạy là: chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”(6).

Trên tinh thần nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, để xứng đáng là “người giáo viên nhân dân ”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình ; Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng đó là học tập chính trị, vì “ có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình” (7).

Trong giáo dục, Người nhắc nhở nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm đến phương pháp giáo dục. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến phương pháp nêu gương: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nhà giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Thầy giáo giảng dạy theo phương pháp nêu gương, tạo ra môi trường tốt, làm động lực thúc đẩy học sinh phấn khởi học tập, “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”. Phương pháp giáo dục như vậy mới tạo ra được những “con người vừa có văn hóa, vừa có kỷ luật, vừa giỏi lao động. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người .

Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân”(8) . Đồng thời, Người yêu cầu “Các cô, các chú đã thấy trách nhiệm to lớn của mình, đồng thời cũng thấy khả năng của mình cần được nâng cao thêm lên mãi mới làm tròn nhiệm vụ được. Vì thế, các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi, thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”(9). Và Người yêu cầu: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”(10).

Người còn nhắc nhở, giáo dục không phải là nhiệm vụ riêng của nhà trường, thầy giáo mà “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” phát huy mọi động lực tham gia vào sự nghiệp giáo dục; để thực hiện “dạy tốt học tốt”, phải động viên “những người biết chữ dạy cho những người chưa biết chữ”, đẩy mạnh phong trào “người tốt, việc tốt”, “phong trào bình dân học vụ”... phải coi là phong trào quần chúng, phải đi sát quần chúng, bàn bạc với quần chúng, áp dụng những hình thức và phương pháp thích hợp với sinh hoạt quần chúng, phải dựa vào quần chúng để phong trào lên” nhằm tạo ra môi trường xã hội rộng lớn và thuận lợi cho công tác giáo dục. Trong chế độ xã hội mới, Người định hướng: “Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau”(11), Người động viên: “từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập”(12).

Người yêu cầu, đội ngũ nhà giáo nói riêng, các nhà giáo dục nói chung phải nỗ lực, ra sức thi đua để đào luyện ra những lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “Các nhà giáo dục thi đua nhau tìm cách dạy dỗ cho mau, cho tốt, cho thiết thực với công việc kháng chiến và kiến quốc, để đào tạo ra nhiều cán bộ có tài, có đức cho nhà nước”(13).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của nhà giáo - người quyết định chất lượng đào tạo, mỗi nhà giáo thường xuyên rèn luyện đạo đức, năng lực tự học và sáng tạo theo gương nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh sẽ là bước đột phá, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong sạch và vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi năm 2018) tại Điều 65. Vị trí, vai trò của nhà giáo tại mục 2 quy định: Nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, đóng vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục. Đó chính là sự quán triệt và luật hóa chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, là sự tôn vinh của toàn xã hội đối với nhà giáo. Để tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhà giáo trong thời kỳ mới cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng, nhất là các nội dung sau:

Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tổ chức việc học tập, quán triệt tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động thực hiện Nghị quyết này. Lãnh đạo kiện toàn bộ máy tham mưu và bộ máy quản lý giáo dục và đào tạo thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đặc biệt là kiểm tra công tác chính trị, tư tưởng và việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trong các trường học, phát hiện và giải quyết dứt điểm các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục và đào tạo./.                                                                                                                                

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.626

(2) (4) (5), Sđd, tập 14, tr.134; tr. 402-403; tr. 185

(3) (8) (9) (10) (11) Sđd, tập 10, tr. 345 ; tr.185-186; tr.273-274; tr.290-291; tr.389

(6)  Sđd, tập 8, tr.448

(7) Sđd, tập 11, tr.611

(12) Sđd, tập 12, tr.648

(13) Sđd, tập 6, tr.93.

 

Nguyễn Bảo Minh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website