Một tác phẩm tranh cổ động đề tài "Thi đua là yêu nước". (Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng di sản Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta là cả kho tàng di sản vô giá. Cả một đời vì nước vì dân, lời Bác cũng là lời của non nước, luôn thôi thúc, khơi dậy ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 75 năm đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948) chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc. Trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động đến mọi tầng lớp Nhân dân, có giá trị hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, nhất là trong bối cảnh cần giải quyết đồng thời những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Một tác phẩm tranh cổ động đề tài "Thi đua là yêu nước". (Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở)
Bác kêu gọi toàn thể đồng bào, dù ở cương vị nào, làm công việc gì, đều phải tích cực thi đua yêu nước: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau/ Làm cho tốt/ Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến/ Toàn diện kháng chiến. Cách làm là: dựa vào Lực lượng của dân/ Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[1].
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển khắp cả nước, có sức lan tỏa rộng rãi, nhiều sáng tạo mang lại khí thế sôi nổi trong các hoạt động thi đua:“Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” “Hũ gạo kháng chiến,” “Sóng Duyên Hải” “Gió Đại phong,” “Cờ Ba nhất”… đến các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng,” “Phụ nữ ba đảm đang,” “Tuổi nhỏ chí lớn,” “Dạy tốt, học tốt”… thu hút đồng bào và chiến sĩ cả nước tích cực lao động sản xuất, học tập, kiên cường, dũng cảm chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công) đạt danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III (1962). Ảnh: Tư liệu
Trong thời kỳ đất nước đổi mới, nhiều phong trào thi đua yêu nước vẫn tiếp tục tạo được sức lan tỏa rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Nhất là các hoạt động thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo Bác ngày càng nở rộ, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong các hoạt động thi đua yêu nước, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như phong trào:"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Trường Sa thân yêu", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.
Các phong trào thi đua yêu nước đã hun đúc tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc, kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, thử thách, lập nên những kỳ tích vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ được kiểm nghiệm từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, một lần nữa, phong trào thi đua yêu nước được hưởng ứng của đông đảo quần chúng Nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, vượt qua cuộc chiến giữa thời bình - cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cuộc chiến không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go và thách thức, hiểm nguy. Chưa bao giờ con người lại có cảm giác giữa sự sống và cái chết mong manh đến thế. Có đi qua những khó khăn, hiểm nguy mới thấu hiểu những giá trị của sự bình yên, giá trị của đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách… tất cả được khơi dậy từ lòng yêu nước, thương nòi!
Chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn từ những phong trào thi đua yêu nước, song giờ đây, trong bối cảnh thời đại mới, rất cần những phong trào thi đua yêu nước có sự sáng tạo đột phá để thực sự tạo ra động lực mới, tư duy mới, khơi dậy sự vươn lên mạnh mẽ, xây dựng đất nước giàu mạnh, hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường; xây dựng xã hội tích cực học tập, hăng say lao động, sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều của cải, vật chất, mang lại sự giàu có cho người dân và đất nước.
Muốn vậy, các hoạt động thi đua yêu nước phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên trong thực thi chức trách không được hời hợt, thờ ơ, vô cảm trước các nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, không đùn đẩy trách nhiệm, hoặc “mắc bệnh sợ trách nhiệm”… đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, những người làm việc trong bộ máy công quyền Nhà nước luôn phải ý thức được bổn phận trách nhiệm của mình là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, mang lại lợi ích cho xã hội, cho Nhân dân và cho đất nước; cần phải làm tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc hàng ngày cũng chính là thi đua yêu nước.
Nhất định phải phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò của Nhà nước đối với các phong trào thi đua yêu nước. Phải gắn các phong trào thi đua với các mục tiêu phát triển đất nước phù hợp với bối cảnh của thời đại. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện, cải cách và nâng cao chất lượng thể chế cũng như thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Đổi mới thể chế, trong đó, đổi mới tư duy về thể chế, tư duy quản lý nhà nước phải đi đầu… tức là phải đổi mới tư duy lãnh đạo và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là căn cốt có tính nền tảng cho các phong trào thi đua yêu nước. Và mọi đổi mới, cải cách cũng phải được bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo có khát vọng, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, quan trọng hơn là dám thay đổi và từ bỏ những thứ đã cũ và lạc hậu, xóa bỏ tư tưởng giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong cả tư duy và hành động.
Theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”[2]. Người khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, như vậy, muốn phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả thiết thực thì cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo, “Nói thì phải làm”, “Nói đi đôi với làm”. Theo Người: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho Nhân dân, dù khó khăn đến mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho dân, dù khó khăn mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ hết”[3] [3]. Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[4].
Suy cho cùng, phong trào thi đua yêu nước phải được bắt đầu từ những cán bộ, đảng viên… Cho dù ở góc độ vĩ mô, vi mô hay trong phạm vi quản trị nào đó, kể cả các hoạt động phong trào thi đua thì tư duy và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý Nhà nước luôn là một trong những nhân tố quyết định hàng đầu. Một dân tộc có trở nên thịnh vượng, hùng cường hay không, phần lớn ảnh hưởng bởi khát vọng, tư duy quản lý Nhà nước và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo. Quốc gia nào cũng cần đội ngũ cán bộ, lãnh đạo có năng lực tư duy: “Lo cho dân, nghĩ cho dân, làm lợi cho dân và làm việc vì dân…” Theo đó, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, cũng như khả năng truyền cảm hứng tới người dân cùng hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam cũng chính là thắng lợi của các hoạt động thi đua yêu nước - thắng lợi của những gian khổ, hy sinh. Chúng ta càng thấm thía ý nghĩa sâu sắc từng câu, từng chữ trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, với những ngôn từ hết sức dung dị, gần gũi nhưng vô cùng sâu sắc và thiết thực, thể hiện rõ biện chứng nhân - quả, không chỉ phù hợp với bối cảnh của lịch sử lúc bấy giờ. Đến nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam, nền tảng quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân ta nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lịch sử dần lùi xa theo năm tháng, song lời Bác vẫn vang vọng mãi với non sông, đất nước Việt Nam. Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với muôn vàn lời dạy của Người. Cả một đời vì nước vì dân, lời Bác cũng là lời của non nước, luôn thôi thúc, khơi dậy ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng di sản Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta là cả kho tàng di sản vô giá. Trong đó, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người vẫn là nguồn cảm hứng bất tận, có giá trị không chỉ trong quá khứ mà ngay cả với hiện tại và tương lai, là di sản vô giá mãi trường tồn với dân tộc Việt Nam!
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 556.
[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 169.
[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 487.
[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284
Khắc Trường