"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…"

Một tác phẩm tranh cổ động đề tài "Thi đua là yêu nước. (Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở)

Quan điểm phương pháp luận có tính nguyên tắc trong học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước là học tinh thần xử trí mọi việc; học lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc; nắm vững tư duy, phương pháp biện chứng; học gắn với hành, trong học có hành, trong hành có học, vừa kiên định vừa đổi mới, sáng tạo.

Thứ nhất, những người thi đua là những người yêu nước nhất. Đại hội XIII nhấn mạnh khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc. Có nhiều cách để khơi dậy tinh thần yêu nước nhưng hàng đầu, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt vẫn phải bằng thi đua yêu nước.

Thi đua yêu nước cần được hiểu thi đua về lòng yêu nước và thi đua là yêu nước. Thi đua về lòng yêu nước tức là không phải nói về lòng yêu nước mà phải hành động để tỏ rõ lòng yêu nước. Phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hằng ngày, suốt đời, việc lớn việc nhỏ. Mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, bộ đội, công an nhân dân, thế hệ trẻ, người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ tự khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước qua việc làm cụ thể của mình. Với tinh thần cống hiến, trách nhiệm, làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả để biến “mười ngón tay vót chông” thành “mười ngón tay lướt nhanh trên bàn phím” như một cách nói hình ảnh để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là yêu nước, là thi đua. Đó là hình ảnh sống động của một đất nước thi đua trong tình hình mới.

Nói yêu nước mà “trùm chăn” không làm gì, làm hời hợt, qua loa, đại khái, làm cho có chuyện, cầm chừng, phòng thủ, che chắn, sợ trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…, thì dù có nói bao nhiêu, sâu sắc đến mấy cũng không thể gọi là người yêu nước. Nếu là cán bộ thì họ là những người có tội với Tổ quốc và nhân dân. Vì cán bộ là công bộc của dân, có trách nhiệm phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Không làm việc thì không xứng đáng là đày tớ trung thành của dân. Người yêu nước thì phải làm việc với tinh thần thi đua. Trong công việc và quá trình làm việc chính là vun bồi lòng yêu nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc chính là thước đo lòng yêu nước, và yêu nước chính là làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao hơn, tốt hơn, chất lượng hơn.

Thứ hai, thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ vẹn nguyên giá trị trong tình hình hiện nay. Nói đến thi đua là để có nhiều sản phẩm, càng nhiều càng tốt. Nhiều mà lâu thì không ổn, mà phải nhanh. Muốn nhanh thì phải sáng tạo, đổi mới tư duy kịp xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chống bảo thủ, trì trệ. Nhiều, nhanh mà chất lượng kém thì không có ý nghĩa gì. Chất lượng luôn là tiêu chí hàng đầu, cơ bản, lâu dài, chứa đựng giá trị đạo đức trong lao động sản xuất. Nhiều, nhanh, tốt đi liền với rẻ. Muốn vậy phải tăng năng suất, chú trọng khoa học công nghệ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, chống bệnh thành tích. Với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm chủ của nhân dân, chúng ta tin tưởng phong trào thi đua nhiều, nhanh, tốt, rẻ thực hiện được và phải thực hiện được. Nếu một trong bốn điều đó chưa đạt được, đồng nghĩa với phong trào thi đua chưa thật vẻ vang, chưa mang lại ích nước, lợi dân.

Thi đua tăng cường đoàn kết, đoàn kết đẩy mạnh thi đua đang soi sáng nhiệm vụ củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay. Lời dạy của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” chứa đựng nội hàm về chính trị, đạo đức, văn hóa; là một động lực đẩy mạnh thi đua. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua gắn với đoàn kết được hiểu thi đua tinh thần đoàn kết gắn với thi đua tăng cường đoàn kết và chính đoàn kết lại đẩy mạnh thi đua. Thi đua là hoạt động của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, công an, bộ đội, v.v.. Cả nước thi đua vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, nhân dân hạnh phúc. Mục tiêu cao cả đó chính là sợi dây bền chặt kết nối cả hệ thống chính trị. Đảng, Chính phủ, nhân dân, doanh nghiệp, các giai cấp, tầng lớp dựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, kết thành một khối mới thực hiện được khát vọng của Đảng và dân tộc. Phát huy, tăng cường đoàn kết chính là thi đua, là đẩy mạnh thi đua để thành công ngày càng lớn hơn.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua tỏ rõ khí thế cả nước làm việc, cả nước đoàn kết và thúc đẩy đoàn kết. Khơi dậy một tinh thần, khí thế thi đua làm việc mới để giành lấy danh hiệu lao động xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay là hoàn toàn có thể và rất cần thiết. Trong chống Mỹ, cứu nước, những ngọn cờ, phong trào Duyên hải, Đại phong, Ba nhất, Mỗi người làm việc bằng hai, để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt, Dạy tốt, học tốt, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang có ý nghĩa và tác dụng to lớn, thiết thực phải được hiện hữu một cách sống động trong tình hình hiện nay với những cách làm mới, sáng tạo khi đất nước đã đi chặng đường gần 40 năm đổi mới. Đoàn kết không phải ở lời nói mà phải thể hiện trong công việc, bằng công việc và chính thi đua làm việc lại thúc đẩy và tăng cường đoàn kết.

Thứ ba, thi đua cải tạo con người, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa, giá trị lớn, quyết định trong công tác xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới Đảng hiện nay, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thi đua rèn tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cách thức cải tạo con người tốt nhất. Con người không bao giờ hoàn thiện, luôn có tốt, xấu trong lòng. Cái xấu rất dễ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một trong những phương cách tốt nhất để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống tha hóa quyền lực là mỗi cán bộ, đảng viên tự suy xét bản thân, tự ý thức, tự biết mình, tự soi để trở thành một con người đặc biệt nhân bản, lý tính, có óc phê phán, dấn thân một cách đạo lý. Đó chính quá trình tự mình “thi đua”, tự sửa, vun bồi cái tốt, triệt tiêu cái xấu, vượt lên chính bản thân mình, tạo thành một công trình mới sáng tạo. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, đứng đầu muốn tận tâm, tận lực phục vụ nhân, Tổ quốc thì trước hết phải biết tận tụy làm người chân chính. Phải tự “thi đua” để xây cái thiện, chống cái ác, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Ý nghĩa của thi đua cải tạo con người còn ở chỗ mỗi đảng viên, cán bộ phải luôn luôn đem phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, phong cách để cống hiến cao nhất, hiệu quả nhất cho Tổ quốc và nhân dân. Đó là quá trình cán bộ, đảng viên phải tin dân, trọng dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, gần dân, bám sát thực tiễn, học và hành để tiến bộ kịp nhân dân. “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân mới làm được thầy học dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr432). Cán bộ, đảng viên là gốc của mọi công việc; công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ đều có nhiều hay ít, to hoặc nhỏ quyền hành. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, của Đảng. Có quyền mà không có đạo đức, thiếu lương tâm, không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, ăn của đút, “dĩ công vi tư”. Thi đua không phải vì danh, lợi, anh hùng cá nhân, mà để tỏ rõ mình là những người tiên phong trong lao động sản xuất, lãnh đạo, quản lý. Trở thành anh hùng, chiến sĩ thi đua đồng nghĩa với sự gương mẫu về đạo đức cách mạng, biết đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Chiến sĩ thi đua là người tận tâm tận lực phục vụ nhân dân, chỉ biết còn Đảng là còn mình, chú trọng lương tâm, coi danh dự là điều thiêng liêng, quý giá nhất; không dính líu gì tới vòng danh lợi. Anh hùng chiến sĩ thi đua là những người tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Họ là những người luôn suy nghĩ và hành động với tinh thần “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. Cán bộ, đảng viên phải là những người thi đua nhất vì họ là những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội nhất. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu thi đua là những người phải có “bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.187).

Tình hình thế giới và trong nước ngày ngày thay đổi. Vì vậy phải tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, học và làm theo những chỉ dẫn của Người là một trong những giải pháp tốt nhất để thúc đẩy công cuộc đổi mới tiến lên./.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website