Một buổi sinh hoạt chi bộ Trường tiểu học Ái Mộ B, Ðảng ủy phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. (Ảnh TRƯƠNG THỊ VÂN)
Trước khi trở thành đảng viên và cán bộ, mỗi chúng ta là “con người”. Đã là con người thì phải có tư cách “làm người”. Thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả. Theo Bác Hồ, đạo đức cách mạng là thước đo chất người, trình độ người. Thiếu đạo đức thì không thành người.
Khi trở thành cán bộ, đảng viên, chúng ta vẫn trên cái nền “làm người”, nhưng ít nhiều có trình độ, chức quyền, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc. Nếu thiếu lương tâm, không giữ được đạo đức thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, “dĩ công vi tư”. Đảng viên có chức to quyền lớn mà thiếu đạo đức sẽ làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Mà mất niềm tin là mất tất cả.
Với sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấu suốt những thói hư tật xấu, bệnh tật, tiêu cực của cán bộ, đảng viên khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Người bắt mạch đúng trọng bệnh của một bộ phận cán bộ, đảng viên khi có một chút quyền hành trong tay mà không có lương tâm là dễ phạm những lỗi rất nặng nề như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, đè đầu dân, vác mặt làm quan cách mạng, quan liêu, mệnh lệnh, khinh thường dân.
Khi nêu việc phải sửa đổi lối làm việc của cán bộ, Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh, vô thực”, kéo bè kéo cánh, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua, bệnh ba hoa...
Trong bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969), Hồ Chí Minh nói rõ chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Loại người đó đạo đức phẩm chất thấp kém, phạm nhiều sai lầm như ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, xa rời tập thể, coi khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh.
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là sự gắn bó chặt chẽ, không tách rời giữa “nâng” và “quét”, tức là “xây” và “chống”, trong “xây” có “chống”, trong “chống” có “xây”, nhưng trước hết cần phải quét sạch rác rưởi, bẩn thỉu, nhơ nhớp để tạo “mặt bằng” sạch sẽ cho việc sắp đặt và nâng cao giá trị của cái mới, tức là nâng cao đạo đức cách mạng, để tăng sức đề kháng chống chủ nghĩa cá nhân.
Nâng cao, vun bồi đạo đức cách mạng mà cốt lõi là chí công vô tư là rất quan trọng, rất cần thiết. Bởi vì cán bộ, đảng viên giữ vững được phẩm chất đạo đức cách mạng, tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau, làm nên những thành tích rất vẻ vang thì đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xứng đáng với lời khen của nhân dân “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Đó cũng là một phương cách “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một cách làm hay trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Không phải là định mệnh mà là quy luật-ở đâu cán bộ đảng viên xa rời nguyên lý “tu thân chính tâm”, không thường xuyên tự soi tự sửa, tự điều chỉnh, hoàn thiện và vượt lên chính mình thì ở đó sớm hay muộn không tránh khỏi những sai phạm. Thực tế nhiều năm qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã không thực hành được bốn chữ “chí công vô tư”, không thật sự học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là những lời dạy của Người về “dĩ công vi thượng”, tu dưỡng đạo đức, chống chủ nghĩa cá nhân.
Hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng chúng ta cũng thật sự đau xót vì chưa bao giờ có nhiều cán bộ các cấp, cán bộ cấp cao có vi phạm, phải xử lý kỷ luật nhiều như những năm gần đây.
Nguyên nhân căn bản dẫn tới nhiều cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực là do thiếu tu dưỡng rèn luyện bản thân. Bác Hồ dạy người cách mạng phải “Ít lòng tham muốn về vật chất” nhưng hiện nay một bộ phận cán bộ quá tham, chạy theo danh lợi, bất chấp đạo lý. Họ quên mất trách nhiệm đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Họ đặt lợi ích của cá nhân lên trên, lên trước lợi ích cách mạng. Họ sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân.
Những hành vi, việc làm nhơ bẩn của những cán bộ đó không chỉ là khuyết điểm mà là tội ác với đồng bào, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Dù đau lòng cũng phải xử lý nghiêm cán bộ theo lời dạy của Bác “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” để cứu cả dân tộc, giữ vững chế độ. Nhiệm vụ hàng đầu, nhất quán, xuyên suốt là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục, giữ vững lập trường giai cấp công nhân. Trong Đảng phải thường xuyên và nghiêm chỉnh phê bình, tự phê bình và hoan nghênh, khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình không chỉ là vũ khí sắc bén, nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng mà chính là thang thuốc hay nhất để chữa các bệnh trong Đảng. Đây là công việc phải làm hằng ngày như chuyện rửa mặt của mỗi người. Chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc.
Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ, vì không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Đảng là một tổ chức nghiêm minh. Người vào Đảng không phải để làm quan phát tài mà tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng để phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Kiểm tra là để chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; để biết các nghị quyết của Đảng có được thi hành không, thi hành có đúng không, biết ai làm có trách nhiệm hay đại khái qua chuyện. Điều hết sức quan trọng và cần thiết là phải xây nền dân chủ, thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, rèn luyện cán bộ, sửa chữa tổ chức.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật; sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết.
Đảng ta khẳng định trong các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đó tỏ rõ Đảng kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.
PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG
Theo https://nhandan.vn