Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng báo chí và thực hiện tôn chỉ dùng ngòi bút “là vũ khí sắc bén”, mỗi bài báo “là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đấu tranh...". Người sử dụng báo chí như một thứ vũ khí tinh thần sắc bén, hiệu quả để đấu tranh chống lại kẻ thù, phục vụ cho lý tưởng cao cả: hòa bình cho đất nước, độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Cũng vì đó, trong suốt hành trình cứu nước, Người đã viết rất nhiều cũng như sáng lập ra một số tờ báo, tạp chí làm phương tiện tuyên truyền, vận động người dân đấu tranh. Tờ báo đầu tiên mà Người sáng lập là tờ Người cùng khổ (Le Paria) ngày 1/4/1922, với danh nghĩa "Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa", vừa để phổ biến ở Pháp, vừa để gửi về Việt Nam nhằm vận động tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường cách mạng vô sản. Báo được in bằng 3 ngôn ngữ, lời nói đầu tiên được tuyên bố rõ ràng: “Tờ báo này là vũ khí chiến đấu. Sứ mạng của nó là giải phóng con người”. Người đã chỉ ra mục đích, tôn chỉ của tờ báo hết sức rõ ràng là nhằm tập hợp "Những người cùng khổ" bị chế độ thực dân áp bức, bóc lột, không phân biệt màu da hãy đoàn kết lại, giúp nhau đấu tranh đòi quyền bình đẳng, tự do cho dân tộc mình. Sự ra đời của tờ báo thực sự là “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”. Mặc dù chỉ tồn tại trong 4 năm với 38 số, song Người cùng khổ đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Tờ báo trở thành công cụ hữu hiệu, kêu gọi, tập hợp đông đảo nhân dân lao động chống lại thực dân xâm lược, đồng thời cũng tạo nên bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp báo chí của Nguyễn Ái Quốc.
Ngày 21/6/1925, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đã sáng lập ra tờ "Thanh niên" - tờ báo đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến năm 1941, Người sáng lập và trực tiếp tổ chức nội dung trình bày và phát hành thêm 6 tờ báo nữa là Công Nông, Lính Kách Mệnh, Thân Ái (đổi tên từ tờ Đồng Thanh), Đỏ, Việt Nam Độc Lập, Cứu Quốc. Những tờ báo này đều chứa đựng một chủ đề lớn: Truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin ở Việt Nam, chuẩn bị cơ sở lý luận, thực tiễn thành lập một đảng kiểu mới đủ bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh, phá tan ách thống trị của thực dân Pháp. Đây là những cẩm nang chỉ đường cho nhân dân ta giành độc lập tự do cho nước nhà. Sau đó, Người đã trực tiếp đặt tên cho nhiều tờ báo khác như Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Hà Nội Mới...
Cùng với sáng lập các tờ báo, tạp chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam. Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, Người cho mở nhiều lớp bồi dưỡng báo chí và trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí. Người căn dặn cán bộ báo chí mỗi khi cầm bút: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”…; Người cũng hướng dẫn cách viết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc, chính xác, cân đối, phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng. Yêu cầu của Người đặt ra đối với mỗi cán bộ báo chí là: “Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị đi liền với rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, đó là trách nhiệm của các nhà báo cách mạng Việt Nam”. Để hoàn thành nhiệm vụ là người chiến sĩ cách mạng vẻ vang đó, Người yêu cầu “các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hòa mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ”. “...Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”(1). Người khuyên các nhà báo: "Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công".
Một số tờ báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người cùng khổ, Thân ái, Thanh niên. (Ảnh tư liệu)
Hồ Chí Minh luôn coi trọng nền báo chí cách mạng. Người hiểu rất rõ vai trò và tầm quan trọng của báo chí trong cuộc đấu tranh cách mạng và trong đời sống xã hội. Đối với Người, làm báo để làm chính trị. Người nhấn mạnh: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...” và Người đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén để cổ vũ và động viên phong trào cách mạng của nhân dân. Mỗi bài báo của Người đều nhằm một mục đích là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với Hồ Chí Minh, báo chí là phương tiện vận động, tập hợp lực lượng cách mạng và tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách hiệu quả nhất. Chính vì đó, hàng nghìn bài báo của Người đều thể hiện tư tưởng cách mạng, tình yêu nước thương dân và đạo đức cao cả. Với cách sử dụng ngôn ngữ giản dị, bình dân, cách viết sắc sảo, độc đáo, hình thức và phong cách đa dạng và hấp dẫn, các bài báo của Người đã có sức lay động trái tim và khối óc, có sức truyền cảm sâu sắc tới bạn đọc.
Sâu sát thực tế, gần gũi với quần chúng, nói lên sự thật, đó là phong cách làm báo của nhà báo Hồ Chí Minh. Nét tiêu biểu trong các các tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh là tùy theo từng đối tượng mà có văn phong, cách viết khác nhau. Đối với kẻ thù thì thái độ dứt khoát. Đối với nhân dân thì lời văn ngắn gọn, mộc mạc dễ hiểu, nhưng có sức thuyết phục rất lớn. Phê bình thì nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý, sâu sắc, người bị phê bình thấy thoải mái, quyết tâm khắc phục, sửa chữa.
Đặc biệt, các bài viết của Bác đều có tính định hướng cụ thể. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời kỳ Cách mạng, Bác đều định hướng cho quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên phải làm gì, hành động như thế nào, đấu tranh với ai, phương pháp đấu tranh như thế nào? Tên các tác phẩm đi thẳng vào vấn đề, dễ hiểu, dễ đọc, dễ nhớ, để những người có trình độ thấp cũng hiểu được như: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giặc hạn và giặc lụt (11/7/1967); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (3/2/1969); Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng 01/6/1969; Phải chăng thế này là thực hành tiết kiệm? (22/12/1966); Mỹ hoạt động hòa bình giả để mở rộng chiến tranh thật (8/1/1966); Tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi (21/1/1965)...
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (8/9/1962). (Ảnh tư liệu)
Không chỉ cống hiến cho dân tộc với tư cách là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà báo xuất sắc, người sáng lập, xây dựng, hình thành và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Các quan điểm lý luận và thực tiễn lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng soi đường, chỉ lối và định hướng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam suốt gần 100 năm qua. Chính nhờ đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đứng lên giành độc lập, tự do cho đất nước; tiếp tục đồng hành cùng dân tộc để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ngày nay, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng, báo chí tiếp tục phải là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Từ tấm gương làm báo của Bác, từ tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh, có thể thấy, những di sản tư tưởng của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho các cơ quan báo chí và những người làm báo hiện đại. Những người làm báo cần phải hiểu sâu sắc hơn nữa, rằng báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng, có tinh thần cách mạng, tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân. Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng./.
Thương Huyền