Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tình hình đất nước đang thù trong giặc ngoài, và dù bận trăm công nghìn việc, tháng 3/1946, Bác vẫn dành thời gian viết thư gửi đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông, Bác viết: “Tôi luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du. Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau.Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt”[1].
Tháng 8/1949, Bắc Kạn được giải phóng, Bác thay mặt Chính phủ gửi thư khen ngợi chiến công của bộ đội và dân quân du kích cùng đồng bào Bắc Kạn. Bác căn dặn thêm: “Tuy vậy, tôi cần nhắc lại, quân và dân ta phải luôn luôn nhớ rằng: Càng thất bại thì giặc Pháp càng liều mạng, càng dã man. Ta càng gần thắng lợi to, thì càng phải đề phòng gặp khó khăn nhiều. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch, chớ sơ suất kiêu ngạo. Trái lại, càng thắng lợi, chúng ta càng phải cẩn thận, càng phải đề phòng và chuẩn bị, càng phải cố gắng về mọi mặt, để giải quyết những sự khó khăn mới và để tiến đến thắng lợi hoàn toàn, để tranh lấy thống nhất và độc lập hoàn toàn và thực sự”[2].
Ngày 28/3/1951, Bác đến dự cuộc mít tinh của hơn 600 cán bộ và Nhân dân tại Khuổi Cuồng (xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn). Tại đây, Bác đã giới thiệu Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam, chính sách thuế nông nghiệp của Chính phủ, Bác tuyên dương thành tích một số cán bộ, công nhân, nông dân đã lập được thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua... Sau cuộc nói chuyện trên, ngày 30/3/1951 Ban Chấp hành Tỉnh hội Liên Việt Bắc Kạn ra Thông báo kêu gọi: “Các cán bộ và đồng bào được Hồ Chủ tịch khen phải cố gắng thi đua hơn nữa, thi đua gương mẫu trong mọi công việc… Hồ Chủ tịch, Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương Liên Việt đang chờ đợi những thành tích đặc sắc về sửa chữa đường cầu, tăng gia sản xuất và mua công trái quốc gia của các cán bộ và Nhân dân Bắc Kạn để khen thưởng trong dịp toàn dân thi đua gây thành tích để chào mừng Đảng Lao động Việt Nam và việc thống nhất Việt Minh – Liên Việt toàn quốc”.
Bác Hồ làm việc với Tỉnh ủy Bắc Kạn tại Tổng Nẻng, Huyền Tụng năm 1951.
Trong giai đoạn này, Bác còn nhiều cuộc làm việc với các cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Bắc Kạn như ở Khuổi Lừa, Khuổi Rờm, Tổng Nẻng, Khuổi Cuồng… Ngoài chỉ đạo những công việc lớn, Bác cũng tranh thủ chấn chỉnh những thiếu sót của cán bộ, ví dụ như “bệnh dài dòng”. Theo lời kể của ông Dương Thiết Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, đầu thu năm 1950, vào buổi tối, Bác yêu cầu Tỉnh ủy triệu tập cán bộ, phụ trách ngành quân, dân, chính đến để Bác nói chuyện ở Khuổi Rờm (nay thuộc tổ 15, phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn). Các cán bộ đầu ngành lần lượt báo cáo với Bác. Nghe xong Bác hỏi: “Chưa cô chú nào nói về thi đua, vậy mục đích thi đua là gì? chú nào biết”. Đồng chí này đến đồng chí khác lần lượt nói nhận thức của mình về thi đua. Về cuối, Bác nói: “Các chú nói dài quá, Bác nghe không hiểu. Mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”.
Ngày 27/10/1951, huyện Bạch Thông tổ chức hội nghị sơ kết thuế nông nghiệp. Hội nghị có hơn 100 đại biểu đoàn thể, chính quyền, quân sự ở cấp tỉnh, huyện, các cán bộ thuế nông nghiệp, đại biểu các xã về dự. Hội nghị đang thảo luận thì Hồ Chủ tịch đến. Người nói về các vấn đề: Thành tích kháng chiến của cả nước và thành tích nổi bật của Bắc Kạn; cuộc kháng chiến của ta phải trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi; những công tác phục vụ kháng chiến, phục vụ chiến dịch. Về thuế nông nghiệp, Người nêu rõ ý nghĩa mục đích và bản chất của thuế nông nghiệp của ta. Người còn chỉ thị nhiều điểm cụ thể cho cán bộ và đồng bào Bạch Thông, Bắc Kạn.
Từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 16/9/1958, Hồ Chủ tịch về Bắc Kạn, Người đã thân mật nói chuyện với đông đảo cán bộ và đồng bào các dân tộc tại Hội trường chữ U trên Đồi Thông ở thị xã Bắc Kạn về vấn đề quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người uốn nắn những quan niệm sai lầm về chủ nghĩa xã hội, khuyến khích cán bộ và Nhân dân phải cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; Người còn giáo dục về kỷ luật lao động, về công tác xây dựng Đảng, Đoàn… Về đoàn kết dân tộc, Người nói rõ: bây giờ bước sang cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa càng có nhiều khó khăn, chúng ta phải đoàn kết và đoàn kết hơn nữa… học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong mọi công việc.
Theo lời kể của ông Hoàng Mỹ Đức, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Kạn trong bài “Được đón Bác lên thăm Bắc Kạn”[3], thì đây có thể là lần cuối cùng Bác đến Bắc Kạn. Theo đó, một ngày cuối năm 1961, khoảng bốn giờ chiều thì Bác đến. Cùng đi với Bác có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí Bộ trưởng: Trần Quốc Hoàn, Phạm Ngọc Thạch, Nghiêm Xuân Yêm. Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tối hôm đó, Bác hỏi: “Bắc Kạn có mười hai vạn dân, có gì khó khăn không? Có ai đói không? Tình hình hợp tác xã thế nào? Nơi nào tốt, nơi nào chưa tốt? Phong trào bổ túc văn hóa ra sao? Tỉnh đã làm gì để phát huy khả năng tiềm tàng về tài nguyên và sức lao động của Bắc Kạn?... Sau đó, Bác đã góp ý kiến về các mặt. Tiếp theo ý của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã tham gia một số ý kiến, Thủ tướng hết sức lưu ý Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh về vấn đề đón tiếp đồng bào miền xuôi lên khai hoang, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa miền núi...
Sáng hôm sau, Bác nói chuyện với Nhân dân Bắc Kạn. Bác khen ngợi và biểu dương những thành tích mà Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua, nhất là vấn đề đổi công, hợp tác hóa, vấn đề hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng. Đồng thời, Bác cũng bổ khuyết một số mặt tồn tại cần khắc phục. Lời Bác ngắn, gọn, nhưng rõ ràng, cặn kẽ, cụ thể, khiến ai nghe cũng hiểu. Cả hội trường im phăng phắc lắng nghe những lời dạy bảo của Bác, không một tiếng động mạnh. Nói chuyện với Nhân dân xong, Bác đi xuống phía dưới bắt tay một số bà con. Tất cả những người có mặt hôm ấy ùa cả lại, quấn quanh lấy Bác. Người đông quá, mà ai cũng muốn ở gần Bác, nên người nọ cố níu người kia, ngẩng cao đầu để được nhìn Bác rõ hơn.
Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng những lời dạy bảo, căn dặn của Người với Bắc Kạn cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, là động lực tinh thần cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, huy động sức mạnh tổng hợp để tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội./.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập (tập 4, trang 239)
(2) Hồ Chí Minh toàn tập (tập 6, trang 174,175)
(3) In trong cuốn “Bác Hồ ở Việt Bắc”, NXB Việt Bắc-1975