|
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/01/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu)
|
Cả cuộc đời Bác "chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Vì vậy, Bác luôn mong cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, năm nào cũng vậy, trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ (1965), sau khi thăm các cơ quan, đoàn thể ở Hà Nội, Bác đến thăm công trường Việt Trì và phát biểu trước cán bộ, công nhân, chuyên gia các nước bạn với những lời đầy tình cảm: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ bạn bè giúp ta mà các đồng chí ấy xa nhà trong dịp Tết Nguyên Đán này, ta càng chú ý săn sóc”[1].
Dù công việc vô cùng bận rộn, song Bác luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Bác luôn thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn, vất vả của người dân. Còn nhớ, trong cuộc “vi hành” đêm 30 Tết Bính Tuất (1946), Bác đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô, Tết đến mà không có Tết ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang nằm đắp chiếu mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà và bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo lại cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.
Đêm Ba mươi tết Nhâm Dần (1962), Bác đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín ở Hà Nội. Chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi bốn con nhỏ. Chứng kiến cảnh gần giao thừa, trong thời tiết rét buốt chị vẫn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con, trong căn phòng tuềnh toàng, trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Bác tâm sự với các đồng chí phục vụ: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”[2].
Mỗi lần Tết đến, Xuân về Bác đều có những bài viết, những vần thơ chúc mừng năm mới, gửi tới mọi người dân. Tết Nhâm Ngọ (1942), Bác có bài thơ Chúc năm mới in trên báo Việt Nam độc lập số 114: “Chúc toàn quốc ta trong năm này, Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới! Năm này là năm rất vẻ vang. Cách mệnh thành công khắp thế giới”. Những năm sau đó, Xuân Bính Tuất (1946), Tết Đinh Hợi (1947), Tết Mậu Tý (1948), Tết Kỷ Sửu (1949), Tết Tân Mão (1951),… Bác đều có thơ chúc Tết gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Xuân Kỷ Dậu (1969) - mùa Xuân thứ 79 của Người, mặc dù sức khỏe yếu, linh cảm mình “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”, nhưng Bác vẫn làm thơ chúc Tết làm rung động trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Năm qua thắng lợi vẻ vang, Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn”. Những vần thơ mỗi dịp Tết đến, Xuân về chứa đựng tình thân ái bao la, là những lời ân cần của Bác dành cho mỗi người.
Bác luôn căn dặn đồng bào vui xuân, đón Tết trên tinh thần tưng bừng, vui vẻ nhưng phải hết sức tiết kiệm, lành mạnh, không lãng phí, để xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người căn dặn: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân” [3]. Ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu (1969), khi đi thăm nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ), Bác đã từ chối không ăn cơm với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã, vì đã chỉ đạo “thịt một con bò” để chiêu đãi Bác gây tốn kém tiền của cho Nhân dân.
Với tầm nhìn chiến lược về tương lai, “Tết trồng cây” được Bác phát động cho toàn dân ta từ Tết Canh Tý (1960), cho đến Tết cuối cùng trong cuộc đời Bác, năm nào Bác cũng có bài viết “Tết trồng cây”, nhằm động viên Nhân dân thi đua sản xuất, hăng hái trồng cây ngày tết để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Tết năm ấy (1960) Bác Hồ đi trồng cây tại Công viên Hồ Bảy mẫu (nay là Công viên Thống Nhất, Hà Nội). “Tết trồng cây” mà Bác kêu gọi và việc Bác làm tưởng như rất bình thường nhưng cùng với thời gian chúng ta càng thấy ở đó những ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc cũng như những ý tưởng đi trước thời đại trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Với lòng nhân ái bao la, mặc dù bận trăm công ngàn việc, vào những dịp Tết, Bác vẫn dành thời gian đi chúc Tết, không những ở các cơ quan, xí nghiệp mà còn đến thăm các gia đình lao động, làm ăn làm lũ. Bác luôn mong mỏi thăm hỏi Nhân dân trong những ngày Tết nhưng không do cơ quan sắp xếp, bố trí, mà chỉ có Bác, thư ký riêng và các đồng chí cận vệ của Bác biết. Cho nên, những cuộc thăm hỏi ngày tết của Bác không ồn ào, náo nhiệt, mà hoàn toàn bí mật, bất ngờ. Nhờ vậy, Bác hiểu được cái thật của dân và Bác đến với dân từ tấm lòng chân thật.
Tết đến, Xuân về, cùng với việc nghĩ đến dân, chăm lo Tết cho dân, bao giờ Bác cũng nghĩ đến Đảng. Bác nghĩ đến Đảng với lòng tự hào, nhưng cũng đầy lo âu, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, làm giảm sút uy tín của Đảng. Bác đã nghiêm khắc phê phán những cán bộ đảng viên có chức, có quyền mà thoái hóa biến chất, chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến đời sống của Nhân dân.
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về chăm lo Tết cho dân, hằng năm Đảng, Nhà nước ta đều có chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai nhiều nhiệm vụ để thực hiện tốt việc chăm lo Tết cho người dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo…; đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ vật chất chăm lo tết cho người nghèo thông qua các chương trình do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 8/11/2023 về tổ chức Tết Giáp Thìn 2024. Chỉ thị nêu rõ: Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc, chủ động, tích cực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân…, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Bảo đảm các hoạt động vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, tổng kết năm, gặp mặt đầu năm, Tết trồng cây… thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh…
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 Về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm…), để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết, không để ai không có Tết.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch số 376/KH-TLĐ ngày 08/11/2023 về tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, các hoạt động hướng tới chăm lo thiết thực về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đảm bảo tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, an toàn. Đối tượng chăm lo dịp Tết là tất cả đoàn viên, người lao động, trong đó ưu tiên đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm; đoàn viên, người lao động thuộc gia đình chính sách; đoàn viên, người lao động nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết.
Ngày 14/12/2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 830/KH-MTTW-BTT về việc phối hợp thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tổ chức Công đoàn Việt Nam phối hợp tổ chức “Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2024” với 3 chuyến bay tập trung miễn phí đưa hơn 670 đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tại các tỉnh, thành phố phía Bắc đón Tết. Cùng với đó là “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2024” với 30 đến 32 toa tàu tập trung miễn phí trên các chuyến tàu hỏa Bắc - Nam và ngược lại để đưa, đón khoảng 2.000 đoàn viên, người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam về quê đón Tết tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và quay trở lại đơn vị, doanh nghiệp làm việc sau Tết [4].
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kế hoạch tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” tại Thành phố Hà Nội; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; các Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức các gian hàng cung cấp các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với mức giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng và “gian hàng 0 đồng”; tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và tham gia hoạt động công đoàn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi cho đoàn viên, người lao động...
Việc chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 cho người lao động được các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo tổng hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có 62/63 tỉnh, thành phố với 47.374 doanh nghiệp có báo báo, tương ứng với 4,79 triệu lao động (chiếm 17,36% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) về tình hình tiền lương, thưởng Tết 2024. Trong đó, khoảng 56,21% doanh nghiệp (trong tổng số 47.374 doanh nghiệp báo cáo) thưởng Tết Dương lịch năm 2024 với mức thưởng bình quân là 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với thưởng dịp Tết Dương lịch năm 2023 (1,24 triệu đồng/người).
Tết đến, Xuân về là dịp để mỗi chúng ta thắp nén hương nhớ về cội nguồn tổ tiên; cầu mong cho “quốc thái dân an”. Tết cũng là dịp thảnh thơi, gặp nhau để cầu chúc năm mới, mọi người ai cũng dồi dào sức khỏe, đem hết trí lực góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhớ về Bác, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, các cấp, các ngành, mỗi người dân và toàn xã hội hãy cùng nhau gắng sức, để Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thực sự là “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ”./.
Chú thích:
[1] Từ chuyện Bác Hồ thăm tết, nghĩ về tấm lòng lãnh tụ, https://tuyengiao.vn, ngày 19-1-2023.
[2] Đặng Ngọc Mai, “Mùa Xuân về, nhớ Bác khôn nguôi ”, https://baohagiang.vn, ngày 21-1-2023.
[3] Bác Hồ sáng ngời một tấm gương tiết kiệm, https://tapchicongthuong.vn, ngày 30-1-2008.
[4] Thanh Hà, “Hành trình Tết Công đoàn-Xuân 2024” đưa đoàn viên, lao động về quê đón Tết, https://nhandan.vn, ngày 15-12-2023.
Nguyễn Nhâm