|
Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955. (Ảnh tư liệu)
|
“Muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh rằng “nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới”[1], mà còn khẳng định: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải phối hợp và liên hệ với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục”[2]. Vì thế, để giải quyết các vấn đề về đối ngoại một cách duy vật, biện chứng thì luôn phải chú trọng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó chính là kết hợp hài hoà giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo trong tấn công ngoại giao trên tinh thần hiểu rõ thực lực của ta; tình hình quốc tế, đối tác, đối tượng… trong từng giai đoạn, từng thời điểm cụ thể, để tạo dựng và nắm bắt cơ hội thực hiện, đảm bảo tốt nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc. Đó cũng chính là linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc để không chỉ đảm bảo được lợi ích của quốc gia - dân tộc, mà còn kết hợp được sức mạnh dân tộc và thời đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần đề cao các quyền dân tộc cơ bản (độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh…); tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Để tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại được xây dựng trên cơ sở xác định rõ yếu tố thời đại: “Thời đại chúng ta là thời đại vẻ vang, thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của độc lập dân tộc, của hòa bình và dân chủ; là thời đại suy yếu của chủ nghĩa đế quốc”[3], để các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành quyền độc lập, tự do của chính mình; xác định rõ bạn và thù, “thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho Nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và trong mình ta”[4], nhằm đề ra đường lối đối ngoại, ngoại giao phù hợp; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu của đối ngoại, ngoại giao chính là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết, trên hết. Đó phải là một đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước trên cơ sở “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chung sống hoà bình”[5]. Đó không phải là hợp tác quốc tế bằng mọi giá, mà phải dựa trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi. Theo Người, nước nào muốn hợp tác với Việt Nam, muốn đầu tư vào Việt Nam với mục đích cùng có lợi thì sẽ được Việt Nam hoan nghênh, đón nhận; ngược lại, bất kỳ nước nào muốn dùng tư bản “đầu tư” để ràng buộc, áp đặt, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam thì Việt Nam sẽ cương quyết từ chối, bởi độc lập, tự chủ, chủ quyền, bình đẳng là nền tảng của quan hệ hợp tác quốc tế.
Vì thế, có thể thấy tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” năm 1946: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc” trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[6] và việc Người khẳng định “chính sách đối ngoại của chúng tôi là lập quan hệ tốt với tất cả các nước muốn lập quan hệ ngoại giao với chúng tôi trên cơ sở có đi có lại, bình đẳng và tôn trọng năm nguyên tắc chung sống hòa bình”[7]… chính là minh chứng cho thấy mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển. Điều đó cũng có nghĩa là hòa bình, hợp tác, phát triển là quan trọng và cần thiết, song điều kiện là phải bảo đảm độc lập, tự chủ của Việt Nam - Đó là nguyên tắc không thay đổi, là sẽ không vì hợp tác và phát triển mà đánh mất độc lập, tự chủ, mà bỏ qua lợi ích quốc gia - dân tộc…
Xuất phát từ truyền thống nhân văn, hòa hiếu của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước và việc vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của tình hình thế giới và Việt Nam, tư tưởng đối ngoại, ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm đối ngoại là sự tiếp nối của chính sách đối nội. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, đối ngoại, ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt “5 biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến) để không chỉ xây dựng và củng cố thực lực, nắm bắt đúng tình hình trong nước và quốc tế, tạo dựng thời cơ, mà còn là chọn và chớp đúng thời cơ để hoàn thành nhiệm vụ. Trong tư tưởng của Người, đối ngoại, ngoại giao phải dựa trên cơ sở giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, tranh thủ hợp tác quốc tế, vừa hợp tác vừa đấu tranh, bảo đảm lợi ích chính đáng của quốc gia - dân tộc. Đó chính là dàn xếp sao cho “đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự”; là khi người ta “cương thì mình phải nhu”, phải khôn khéo “lấy nhu thắng cương”, phải “biết mình biết người” để đạt được mục đích cao nhất. Đó chính là tư tưởng đối ngoại, ngoại giao tâm công, hòa hiếu, hòa bình kết hợp giữa cương và nhu, giữa chính trị, quân sự và ngoại giao để không chỉ thu phục lòng người bằng chính nghĩa, lẽ phải, đạo lý, mà còn bằng tinh thần đoàn kết, tính độc lập, tự chủ, tự cường được thực hiện xuyên suốt, nhất quán từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước
Giương cao ngọn cờ hòa hiếu, thiện chí, không cực đoạn, dân tộc hẹp hòi, biệt lập và sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước với phương châm “thêm bạn, bớt thù”, những hoạt động đối ngoại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm kiếm đồng minh cho cách mạng Việt Nam; tận dụng mâu thuẫn trong quan hệ giữa Mỹ, Anh và Pháp về vấn đề thuộc địa ở Đông Dương để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với lực lượng Việt Minh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, giữa muôn vàn khó khăn, thử thách của “thù trong, giặc ngoài” và cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, một Hồ Chí Minh đầy bản lĩnh và khôn khéo đã thực hiện thành công chiến lược ngoại giao mềm dẻo, hòa bình. Đó chính là hòa với Tưởng Giới Thạch để chống quân Pháp, sau đó lại hòa với Pháp để “đuổi” quân Tưởng về nước. Đó cũng chính là tranh thủ thời gian hòa bình để xây dựng, củng cố thực lực, chuẩn bị cho cuộc trường chinh kháng chiến lâu dài, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp (6/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946)...
Tiếp đó, trong những năm cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước (1945-1975), dù phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, tự cường, đoàn kết với các nước dân chủ; với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em; với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đặc biệt, trên cơ sở nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, sẵn sàng mở rộng quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ khai thác triệt để mâu thuẫn giữa phái chủ chiến với phái chủ hòa trong giới cầm quyền Mỹ; giữa đế quốc Mỹ với các đồng minh của Mỹ, mà còn tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ ((Người nói: “Nhân dân Việt Nam coi nhân dân Mỹ là bạn của mình; chúng tôi chống là chống chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ”[8]; “Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp với nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng”[9]) và các lực lượng tiến bộ khác để xây dựng một mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược…
Có thể thấy, hòa bình, độc lập, tự chủ, tự cường trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao với các nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh không có nghĩa là tự cô lập, tách rời dân tộc với thế giới, mà chính là đoàn kết, hợp tác để tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Đặt cách mạng Việt Nam trong dòng chảy của tiến trình cách mạng thế giới, trong sự phát triển của nhân loại, đường lối đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở am hiểu thời thế, đối tác, đối tượng, bạn và thù, đồng minh và đối phương... Đối với các nước láng giềng cùng chung biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia; với các nước xã hội chủ nghĩa anh em hay với các nước lớn như Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Việt Nam luôn ứng xử thỏa đáng trong tổng thể các mối quan hệ của khu vực và toàn cầu, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, bảo đảm vì hòa bình của khu vực và thế giới, phù hợp xu thế phát triển của thời đại, quốc tế và những thay đổi của đất nước.
Sau khi cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, ngoại giao, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi bảo vệ và phát triển đất nước là mục tiêu xuyên suốt của mọi hoạt động đối ngoại; nỗ lực để đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất có thể (bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ sự nghiệp đổi mới; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc…).
Vì thế, có thể thấy, 3 sự kiện trong năm 2023: 1) Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10-11/9/2023. 2) Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản ngày 27-30/11/2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. 3) Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc “Tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình ngày 12 - 13/12/2023 chính là minh chứng sinh động nhất cho việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”[10]./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.265
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.555
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.15
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.264
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.114
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.256
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.382
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.314
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.148
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.101
TS. Văn Thị Thanh Mai