|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: dangcongsan.vn)
|
Chủ nghĩa cá nhân là nguy cơ của Đảng cầm quyền
Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng và Nhân dân, nên không chỉ coi chủ nghĩa cá nhân là “trái ngược với đạo đức cách mạng”, mà còn khẳng định đó là kẻ thù của cách mạng; là nguồn gốc của những căn bệnh/những biểu hiện suy thoái làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm tha hóa Đảng. Vì thế, khi nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[1], Người cũng đồng thời khẳng định “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”[2]. Luôn chú trọng việc phòng, chống, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu, mong mỏi “mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”[3], mà còn gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh.
Theo Người, chủ nghĩa cá nhân hay cá nhân chủ nghĩa chính là những biểu hiện tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân; là coi thường lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, xã hội; là sẵn sàng đặt lợi ích riêng của cá nhân, gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của quốc gia - dân tộc và đó cũng chính là những căn bệnh cận thị, hẹp hòi, quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, coi khinh quần chúng, tự cao, tự đại, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu, a dua, xu nịnh,v.v.. Những biểu hiện, căn bệnh đó đều nguy hiểm khôn lường; đều dẫn đến nguy cơ làm xói mòn lòng tin của quần chúng Nhân dân vào Đảng cầm quyền và chế độ.
Vì có nhiều biểu hiện đa dạng, biến hóa khôn lường, lại “ẩn nấp” trong mỗi con người, nên chủ nghĩa cá nhân/kẻ địch “nội xâm” như Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tên là thứ virus độc hại, tồn tại trong suy nghĩ và hành động của mỗi con người trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự nguy hại của nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, tổ chức và quản lý; đến việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng; đến sự ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng Nhân dân. Chính “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của Nhân dân”[4] như Người đã nhấn mạnh trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (đăng trên Tạp chí Học tập tháng 12/1958). Vì thế, nó ngăn trở sự tu dưỡng, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; thúc đẩy sự tự do toan tính, tính thiếu tổ chức, thiếu kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ cũng như thúc đẩy sự suy thoái về đạo đức, lối sống, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi người, mỗi tổ chức, nên không chỉ làm giảm sức chiến đấu, mà còn chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Chủ nghĩa cá nhân hay “cá nhân chủ nghĩa” là: “Ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của Nhân dân, mà thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị. Có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ” nên đã sinh ra các bệnh tự do chủ nghĩa, quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí, lười biếng. Những người sa vào chủ nghĩa cá nhân thường “tự cho mình là đúng, hành động theo ý riêng, phát biểu theo ý riêng”, nên trở thành người “thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm mà đâm ra hư hỏng, ăn cắp của công… làm hại đến việc phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống của nhân dân”[5] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong bài “Đoàn kết tiến lên giành thắng lợi mới” (đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3/2/1963). Và do “mang nặng chủ nghĩa cá nhân”, nên “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”[6], dẫn đến “không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân” như Người đã nhấn mạnh trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969)…
Những người, những tập thể mang trong mình những biểu hiện, căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân là đã rơi vào sự “thoái bộ”, mất dần tính cách mạng, tiền phong. Bởi rằng, không phải mỗi cán bộ, đảng viên cứ viết hai chữ “cộng sản” trên trán của mình là được Nhân dân yêu mến, tin tưởng, mà điều căn cốt chính là mỗi người đều phải thường xuyên tu dưỡng, thực hành đạo đức cách mạng để phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân/trừ bỏ kẻ địch hung ác luôn ẩn nấp trong mỗi con người. Bởi rằng, không phải “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[7], nên mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng không chỉ cần phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng, mà còn phải trong sạch về đạo đức, lối sống để góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, tiền phong.
Tấm gương mẫu mực của người cách mạng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng “cuộc đời gương mẫu và nếp sống giản dị của Người đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Quyết tâm của Người được thể hiện qua những câu nói ngắn gọn, giản dị và trong sáng, chứa đựng lòng dũng cảm và ý chí quật cường của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những điều Chủ tịch nói với chúng tôi, và những điều Người nhấn mạnh nói lên quyết tâm của cả một dân tộc, làm chúng tôi hiểu rõ vì sao dân tộc này chiến thắng”[8] vẫn vẹn nguyên trong trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Vì thế, “những gì thuộc về Người, từ phẩm chất đến hành động, vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, Nhân dân các dân tộc yêu độc lập, tự do, hoà bình, công lý và những người tiến bộ trên trái đất. Tấm gương anh hùng và tấm gương đạo đức sống tràn đầy tình yêu Tổ quốc và nhân dân một cách tự nguyện đó đã được truyền lại cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay”[9]. Một Hồ Chí Minh - tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, xa lạ với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa nên cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là minh chứng sinh động nhất cho thấy “điều mà Người đã truyền bá, đó cũng là hình ảnh một con người mới, vì mọi người mà phục vụ; điều mà Người khắc sâu trong cả một dân tộc, đó là nền đạo đức trong sáng, một nền đạo đức cao quý mà không có nó thì mọi cuộc cách mạng đều sẽ không thành”[10] đúng như nhận định trong bài viết “Một nhà cách mạng triệt để” (đăng báo Annát, xuất bản ở miền Đông Angiêri, ngày 5/9/1969). Bởi thế, dù đã đi xa, song những trăn trở, tâm huyết và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về rèn luyện đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên, trong từng cấp ủy, từng tổ chức cơ sở Đảng; về phòng, chống và đấu tranh để quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong các bài viết/nhất là tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” cách đây tròn 55 mùa Xuân vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.
Thực tế, việc một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân/chọn lối sống thực dụng, suy nghĩ và hành động chỉ chú trọng lợi ích của cá nhân mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể; từng bước suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống/xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất đạo đức và nhân cách… hiện nay không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn ngày càng trở thành vấn nạn. Thực trạng này không chỉ gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, mà còn tạo cớ cho các thế lực thù địch thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như bôi nhọ, bẻ cong sự thật về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Vì thế, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trong phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quét sạch chủ nghĩa cá nhân chính là một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất “để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng”; để làm cho Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng cần phải chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý chí phòng, chống và đấu tranh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân từ xớm, từ xa cho cán bộ, đảng viên gắn liền với việc vừa tuyên truyền, giáo dục vừa tích cực đấu tranh, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, thái độ đến hành động trong từng tập thể, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân gắn liền với việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh... để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm của mỗi cán bộ, đảng viên - coi đó là vũ khí sắc bén, cần thiết để phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn, căn dặn và mẫu mực thực hiện.
Đồng thời, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ cần phải tiếp tục nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; những căn bệnh cá nhân chủ nghĩa/27 biểu hiện suy thoái đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; trong Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", mà còn phải gắn thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm… để phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân; để bản lĩnh vượt qua những cám dỗ của lối sống “vị tiền”, “lụy vật chất” đang dần trở thành vấn nạn đã khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức “sa vào”, “mắc lưới” dẫn đến vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng/“xây”, mà còn phải tự soi, tự sửa, tự mình phòng, chống và đấu tranh để trừ bỏ, quét sạch, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân/“chống”. Đó chính là một quá trình vừa “xây” vừa “chống”; trong “chống” có “xây”, trong “xây” có “chống”; gắn “xây” với “chống” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi người đều phải thấu triệt, thực hành để loại trừ những biểu hiện, căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân. Đó chính là một quá trình nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện để kiên định lý tưởng cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ, sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là suy nghĩ và hành động vì mọi người chứ không chỉ vì riêng cá nhân mình và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tập thể, của Tổ quốc, của Nhân dân để xứng đáng với niềm tin yêu, kính trọng và sự kỳ vọng của Nhân dân./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.295
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.609
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290- 291
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.611
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.29
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 547
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 672
[8] Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2006, tr. 235
[9]Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.49
[10] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.III, tr.90
TS. Văn Thị Thanh Mai