UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Gặp mặt - Đối thoại giữa chính quyền với|
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019. (Ảnh minh họa: Báo Vĩnh Phúc)
LỰA CHỌN KHÂU ĐỘT PHÁ
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong học và làm theo Bác. Thứ nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước. Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội nghị, cuộc họp của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thứ ba, tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhanh và kịp thời trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Năm 2018, toàn tỉnh triển khai 8 cuộc thanh tra đối với Giám đốc sở, ngành; chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) huyện và chủ tịch UBND cấp xã về trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Qua thanh tra, làm rõ và chấn chỉnh những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh của người dân; phát hiện, ngăn chặn, khắc phục và xử lý những sai phạm, khuyết điểm phát sinh trong các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đông người. UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ban hành 341 văn bản chỉ đạo tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và vụ việc khiếu kiện kéo dài. Sau khi giao các cơ quan kiểm tra, rà soát lại và tổ chức đối thoại không có tình tiết mới, UBND tỉnh ban hành quyết định, kết luận giải quyết hoặc có văn bản trả lời, thông báo theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Năm 2018, trong tổng số 2.394 lượt đơn thư đủ điều kiện xử lý, có 612 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; còn lại 1.743 lượt đơn thư trùng lặp và thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp, tổ chức chính trị xã hội. Tỉnh xem xét có quyết định, kết luận và văn bản giải quyết 558/612 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,2 %. |
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội nghị, cuộc họp của cơ quan Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh đã thực hiện giảm các cuộc họp, hội nghị chưa thật sự cần thiết; tăng cường trách nhiệm cá nhân trong xử lý, quyết định công việc, thường xuyên kiểm tra thực tế để chỉ đạo giải quyết các vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Tại các phiên họp UBND tỉnh, nội dung cuộc họp được cơ quan chủ trì gửi trước qua thư điện tử tới các đại biểu dự họp để nghiên cứu. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo hủy một số cuộc họp của một số cơ quan chuyên môn do không chuẩn bị chu đáo nội dung và yêu cầu nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
Để tăng cường vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
Tỉnh đã tổ chức 9 cuộc đối thoại trong năm 2018 về những nội dung phức tạp, cần lấy ý kiến, quan điểm xử lý của các ngành và xử lý dứt điểm như: Đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với 500 công nhân lao động đại diện gần 145.000 công nhân lao động toàn tỉnh; đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể với các cán bộ, đoàn viên, thanh niên... Các huyện, thành phố tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện nhân dân… |
Nhiều địa phương, đơn vị lựa chọn những khâu đột phá, xác định những giải pháp thiết thực, cụ thể, giải quyết triệt để nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện liên quan đến các lĩnh vực như: quản lý đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện chế độ chính sách, cải cách thủ tục hành chính... Thành ủy Vĩnh Yên lựa chọn nội dung xây dựng đoàn kết trước hết trong tập thể ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy; xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Huyện ủy Bình Xuyên chỉ đạo, giải quyết vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án: Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; cải tạo, nâng cấp đê Ba Hanh, xã Sơn Lôi; mở rộng khu công nghiệp Bá Thiện II tại thôn Đồng Nhạn, xã Thiện Kế; làng nghề thị trấn Thanh Lãng; đất dịch vụ thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn. Huyện ủy Sông Lô tăng cường công tác đối thoại với nhân dân, giải quyết các vấn đề trong quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, trật tự an toàn xã hội. Thành ủy Phúc Yên triển khai thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư; hoàn thành trả đất dịch vụ và trả nợ đất cho nhân dân; quản lý đất đai, xây dựng; bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề rác thải,...
Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) tiếp dân tạo được chuyển biến quan trọng, tích cực, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Từ tháng 4 đến tháng 8-2019, qua 5 kỳ tiếp dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tiếp trên 70 lượt công dân.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tình hình dư luận và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chú trọng đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính các cấp theo tinh thần vì nhân dân phục vụ.
100% các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã đều đã triển khai mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; 100% cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng...
XÁC ĐỊNH GIẢI PHÁP THIẾT THỰC, CỤ THỂ TRONG THỜI GIAN TỚI
Có thể khẳng định, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc 3 năm qua đã tạo được những điểm nhấn có tính đột phá, tác động tích cực đến sự phát triển chung của tỉnh và các địa phương. Đó là sự chuyển biến rõ rệt trong vai trò, tác phong của người đứng đầu các cấp, trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc của hệ thống các cơ quan chính quyền tỉnh, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có sức hấp dẫn lớn của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án lớn. Đó còn là sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân; chuyển biến trong việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng, triển khai những giải pháp thiết thực, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị 05 và các văn bản liên quan, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các phong trào thi đua và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, lựa chọn các vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc hạn chế, yếu kém ở địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung giải quyết theo phương châm “3 rõ” (rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành).
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Rà soát, bổ sung các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các ngành, cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; xác định trách nhiệm cụ thể của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc học tập và thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 theo hướng dẫn của Trung ương. Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Thứ tư, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng hình thức đa dạng, sinh động. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong học và làm theo gương Bác.
Thứ năm, duy trì nghiêm và nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn. Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống./.
Bảo Châu
Theo Tạp chí Tuyên giáo số 10/2019