Lời Bác dặn vang vọng mãi ngàn năm

Càng đọc càng thấm thía

Nghiên cứu, học tập, thực hiện Di chúc của Bác Hồ đã trở thành việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta qua từng giai đoạn lịch sử. Năm 1965, khi 75 tuổi, Bác khởi thảo lần đầu tiên và sửa lần cuối vào tháng 5-1969, khi Người 79 tuổi. Bốn tháng sau, Bác vĩnh biệt nhân dân về cõi vĩnh hằng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành bảo vật quốc gia để lại muôn đời sau.

 

 Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho ông Lê Văn Thành, thương binh 1/4 tại phường An Thạnh, TX.Thuận An. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Ông Nguyễn Thanh Tâm, cán bộ hưu trí ở TP.Thủ Dầu Một, cho rằng: “Trong Di chúc, Bác chỉ gọi khiêm tốn là “mấy lời để lại” cho toàn Đảng, toàn dân, nhưng càng đọc càng thấy thấm thía bởi sự sâu sắc về tư tưởng và đạo đức, phong cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người đã dành cả cuộc đời vì dân, vì nước”. Trong Di chúc của mình, Bác viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Những lời căn dặn và niềm tin vào chiến thắng của Người đối với cuộc kháng chiến đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc vượt qua mưa bom, bão đạn, khó khăn, gian khổ để giành thắng lợi hoàn toàn. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thanh Tâm kể lại những ngày ông “vạch lá, bẻ cò” mở đường từ Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên - khai thông con đường Trường Sơn trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc. Ông và các thành viên trong đoàn chỉ biết dựa theo ven sông Đồng Nai Thượng, cắt rừng đi rất vất vả, hết leo trèo đồi núi đến lội qua suối, bị gai cào, vắt cắn. Có lúc phải càn lướt qua trảng lau sậy bạt ngàn, có lúc gặp rừng tre chắn ngang dày đặc, có lúc phải lội qua lại sông Đồng Nai nhiều lần… Nhưng tất cả đều có chung niềm tin vào ngày toàn thắng, nên đã vượt qua tất cả để làm nên kỳ tích.

Một nội dung đặc biệt quan trọng trong Di chúc mà Bác Hồ quan tâm, căn dặn là vấn đề về xây dựng Đảng, mà trước hết là sự đoàn kết, thống nhất. Bác căn dặn phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình. Bác nhấn mạnh: “Phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Trong bản viết bổ sung tháng 5-1968 Người căn dặn, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi thì việc cần phải làm trước tiên là nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ông Nguyễn Thanh Tâm cho rằng lời căn dặn của Bác về xây dựng Đảng là rất quan trọng. Trải qua nửa thế kỷ quyết tâm thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vững vàng lãnh đạo đất nước ta đến những thành công to lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo; xác định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; lấy xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu, lâu dài; dựa vào dân để xây dựng Đảng. Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TW để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Và, thời gian gần đây, cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thoái hóa đã được Đảng ta thực hiện quyết liệt, qua đó đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Thi đua làm theo Bác

50 năm qua đi, trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc ta thì Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn không chỉ cho giai đoạn cách mạng đã qua mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam. 5 vấn đề lớn thể hiện trong Di chúc của Bác về cả việc chung và việc riêng, việc trong nước và quốc tế, việc trong Đảng và nhân dân đều là những thông điệp có tính chất thời đại, mãi mãi trường tồn.

Tại Bình Dương, trong nhiều năm qua các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Điển hình là mô hình “Gần dân, sát dân” của một số cấp ủy địa phương; khối cơ quan hành chính có mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”; trong khối doanh nghiệp có mô hình “Vì người lao động”, “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công nhân”, trong khối lực lượng vũ trang có mô hình “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Phát huy trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện công tác chính sách”, “Cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”...

Chăm lo cho nhân dân

Nhớ lời Bác dặn, Bình Dương cũng luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho nhân dân, chăm lo xây dựng đội ngũ cách mạng kế thừa cho đời sau. Các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với tình cảm và ý thức trách nhiệm cao. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 51.721 đối tượng chính sách. Việc chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt. Bên cạnh việc chi trả trợ cấp thường xuyên, những dịp lễ, tết trong năm, ngoài quà của Trung ương, tỉnh đã trích từ ngân sách tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng…

Bên cạnh sự quan tâm từ chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã có những hoạt động thiết thực và ý nghĩa như phụng dưỡng hàng tháng cho mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng thương binh, xây dựng nhà tình nghĩa.… Qua đó, góp phần hỗ trợ, động viên họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ðến nay, tỉnh Bình Dương là một trong 10 địa phương của cả nước không còn hộ gia đình chính sách, người có công thuộc diện nghèo...

Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện Di chúc của Người, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân, dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể lực lượng lao động trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, chung tay phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp sức xây dựng Bình Dương thay đổi toàn diện và ngày càng tươi đẹp hơn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phấn đấu góp phần thực hiện có hiệu quả những điều Người đã căn dặn trong Di chúc; nỗ lực xứng đáng với ý nguyện suốt đời: Vì độc lập, vì tự do, vì hạnh phúc nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu...

Tại Bình Dương, trong nhiều năm qua các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng...

Thu Thảo

Theo http://baobinhduong.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website