Cảm động khi đọc sổ cảm tưởng "Nhớ ơn Bác"

Ngày 2/9/1969, tin Bác Hồ kính yêu từ trần để lại nỗi đau thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nói chung; nhân dân, công nhân, các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Không về được thủ đô viếng Bác, cán bộ, công nhân Xí nghiệp Bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai- TKV) đã ghi cảm tưởng, biểu đạt tình cảm, lòng tiếc thương Bác vô hạn vào cuốn sổ “Nhớ ơn Bác” do Ban Tuyên giáo Bến Hòn Gai lập ra.

  Lời tựa cuốn sổ “Nhớ ơn Bác” của Ban Tuyên giáo Bến Hòn Gai.

Lời tựa cuốn sổ “Nhớ ơn Bác” của Ban Tuyên giáo Bến Hòn Gai.

50 năm sau ngày Bác đi xa nhưng mỗi lần đọc lại những dòng chữ trong cuốn sổ này khiến lòng chúng tôi - những cán bộ, nhân viên làm công tác lưu trữ của Bảo tàng vô cùng xúc động, rưng rưng nước mắt.

Cuốn sổ “Nhớ ơn Bác” ghi lại 37 nỗi niềm thương tiếc Bác Hồ của cán bộ, công nhân Xí nghiệp Bến Hòn Gai, đại diện cho các phân xưởng sàng, xếp đống, hoả xa, nhà máy than luyện, phòng kỹ thuật, phòng kiểm nghiệm, ngành đời sống và Công đoàn Bến Hòn Gai.

Dòng cảm xúc đầu tiên trong cuốn sổ đượccông nhân Trịnh Xuân Hùng, công nhân Nhà máy Luyện than luyện ghi ngày 6/9/1969: “Tin Bác Hồ từ trần, tim cháu như thắt lại, nước mắt ứa trào. Bác Hồ ơi, Bác không chết, Bác vẫn sống mãi trong tâm hồn cả nước, cả loài người...”.

Ngày 7/9/1969, công nhân Nguyễn Thị Đang cũng không nén được cảm xúc “Bác ơi, cháu nghe tin Bác đã từ trần mà lòng cháu đau như dao cắt ruột và cháu không bao giờ ngớt nước mắt. Bác ơi, từ nay cháu đã vĩnh biệt Bác!”.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, cán bộ, công nhân Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã xin hứa với Bác, nguyện biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện di chúc của Người, ra sức thi đua sản xuất thật nhiều than cho tổ quốc.

Trang ghi cảm xúc của anh Trịnh

Trang ghi cảm xúc của anh Trịnh Xuân Hùng, công nhân Nhà máy Luyện than.

“Bác ơi, đứng dưới chân dung Bác, cháu xin hứa trước hương hồn Bác, cháu nguyện suốt đời làm theo, đi theo con đường đấu tranh và lý tưởng cao cả của Bác, ra sức học tập để tiếp tục sự nghiệp của Bác, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ để góp phần nhỏ vào sự nghiệp cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và quyết tâm chiến đấu đến cùng cho đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam, cho Bắc Nam thống nhất nước nhà” – Chị Vũ Thị Hiệm, công nhân than luyện viết ngày 8/9/1969.

“Để tỏ lòng thương tiếc Bác, 47 đảng viên Chi bộ Hỏa xa chúng cháu nguyện quyết tâm vận chuyển thật nhiều than cho Tổ quốc, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam. Đó là thể hiện tiếp tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại và hoài bão ước mơ của Bác” – Anh Phạm Giáp, đảng viên Chi bộ Hoả xa viết ngày 9/9/1969.

“Toàn thể anh chị em chúng cháu ở tổ Tầng trên ca 2/c xin hứa trước vong linh Bác sẽ ra sức thi đua làm thật nhiều than cho Tổ quốc là hành động thiết thực nhất để thương nhớ Bác và đời đời biết ơn Bác” – Anh Vũ Đình Khương, công nhân phân xưởng sàng viết ngày 9/9/1969.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Đàm thăm trận địa pháo 37mm và tặng lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cho tự vệ Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai, xuân 1973.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Đàm thăm trận địa pháo 37mm và tặng lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cho tự vệ Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai, xuân 1973. Ảnh: Tư liệu

50 năm qua, thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời căn dặn của Người “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lớp lớp cán bộ, công nhân Xí nghiệp Bến Hòn Gai – Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai và nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai, thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã vượt qua khó khăn, phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, vận chuyển, sàng tuyển và bốc rót than xuống các phương tiện tỏa đi muôn nơi phục vụ nền công nghiệp của đất nước và xuất khẩu đi các châu lục, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cán bộ, công nhân Công ty đã chiến đấu kiên cường, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 huân chương Chiến công hạng nhì. Đại đội trưởng pháo cao xạ 37mm, liệt sĩ Đặng Bá Hát được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1973, Xí nghiệp Bến Hòn Gai được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trận địa pháo cao xạ 37mm của Xí nghiệp Bến Hòn Gai được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Đó là nguồn cổ vũ động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, công nhân Công ty Tuyển than Hòn Gai đi tiếp những chặng đường vẻ vang của ngành Than.

 

Phan Thị Thúy Vân (Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh)

Theo http://www.baoquangninh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website