|
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: hochiminh.vn) |
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành văn bản số 102-HD/BTGTW hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).
Qua đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công tác thi đua, khen thưởng là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Đồng thời, nhằm khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước qua từng giai đoạn cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong các phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo Hướng dẫn, việc tuyên truyền xoay quanh các nội dung về mục đích, ý nghĩa to lớn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc, khẳng định Lời kêu gọi thi đua ái quốc là nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự sáng tạo trong phương thức lãnh đạo của Đảng ta, nhằm khơi dậy sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên truyền nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh giá trị và sức lan tỏa của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay; khẳng định và làm rõ sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở từng giai đoạn cách mạng của Đảng và Nhân dân ta 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước.
Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng, về kết quả tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng ở các cấp, các ngành, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, quyết định về công tác thi đua - khen thưởng.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội ngày 23/5/1957. (Ảnh: TTXVN) |
Tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" trong đó, tập trung nhấn mạnh 5 nội dung quan trọng là: thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong các phong trào thi đua, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Về các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng 75 tập thể, cá nhân “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước toàn quốc; tổ chức Cuộc thi viết, phóng sự hoặc video clip cấp quốc gia về điển hình tiên tiến, mô hình mới, gương “người tốt, việc tốt”; tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền; tin bài, phóng sự trên các báo, đài, tạp chí, trên intemet và mạng xã hội; sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; trong đó, coi trọng công tác nghiên cứu lý luận tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đánh giá kết quả tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Người trong từng giai đoạn cách mạng; biểu dương, tôn vinh, gặp mặt, giao lưu các điển hình, anh hùng, chiến sĩ thi đua qua các thời kỳ; tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân./.
Xem toàn văn Hướng dẫn số 102-HD/BTGTW tại đây