“Tôi chỉ biết nói "Vâng" khi lần đầu được gặp Bác Hồ”

 

Trong căn nhà nhỏ nằm tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh một ngày giữa tháng 5/2018, họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết đã xúc động kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về việc gặp Bác Hồ và xuất xứ những bức tranh vẽ về Bác đầy sống động, ấn tượng.

Kỷ niệm gặp Bác và sự kỳ công để có những bức tranh đẹp

Họa sĩ cho biết, đó là lần đầu tiên trong đời ông được gặp Bác. Chàng trai 20 tuổi khi ấy đã rất run khi đứng trước Người nên dù có rất nhiều điều muốn bày tỏ vẫn không thể bật thốt thành lời. “Đó là một vinh dự”, ông nói.

“Cho đến giờ phút này, ở tuổi 76 với hơn 60 năm sáng tác tranh và nghệ thuật, tôi vẫn nhớ hoài cái cảm giác đó. Bác Hồ thật giản dị và gần gũi khiến mình kính phục. Sự kính phục ở đây còn mang cả ý nghĩa tâm linh bởi Bác dễ gần và đáng kính như một người cha”.

Đó là vào năm 1958, khi Bác Hồ về thăm thôn Cố Đô, xã Tân Lập, huyện Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay đổi thành Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội). Khi đó, chàng trai trẻ Nguyễn Sĩ Thiết đã nung nấu ý định vẽ về Bác Hồ nhưng phải đến 6 năm sau, tức vào năm 1964, Nguyễn Sĩ Thiết mới hoàn tất được bức vẽ, đặt tên là “Bác Hồ đi thăm đê kè Cố Đô”. Bức tranh này sau đó đã được Bác Hồ xem và Người tỏ vẻ hài lòng, khen Nguyễn Sĩ Thiết vẽ tranh ấn tượng, sống động.

Họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết bên bức tranh “Bác Hồ với các dân tộc”.
Họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết bên bức tranh “Bác Hồ với các dân tộc”.

Nhưng trong cuộc đời sự nghiệp hơn 60 năm vẽ tranh và sáng tác của họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết, tác phẩm về Bác ấn tượng nhất là bức “Bác Hồ với các dân tộc” được mang ra triển lãm Mỹ thuật toàn quốc vào năm 1980. Bức tranh này đã tạo tiếng vang và được nhiều tờ báo đưa tin, trong đó có Báo Nhân Dân đưa lên trang nhất.

Họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết nhớ lại: “Tôi được gặp Bác Hồ lần hai. Lần sau tôi đã lớn, trưởng thành và cũng tự tin hơn, không còn run khi đứng trước Người nữa. Bác hỏi tôi có biết gì về nghệ thuật tranh của Trung Quốc không và tác giả, họa sĩ nào của Trung Quốc mà tôi cảm thấy thích. Tôi nói với Bác, tôi thích Tề Bạch Thạch. Bác nói với tôi thế là đúng đấy. Tề Bạch Thạch có rất nhiều tranh vẽ một màu nhưng rất sinh động và vô cùng nổi tiếng.

Ngay từ lúc đó tôi bắt đầu ấp ủ vẽ tranh về Bác, nhưng chỉ vẽ một màu thôi. Sở dĩ tôi mạnh dạn chọn vẽ tranh một màu vì trong lúc trò chuyện với Bác, Bác có nói nhiều họa sĩ vẽ về Bác rồi. Có họa sĩ đánh môi son má phấn cho Bác nên Bác cảm thấy nó không thật vì Bác thích cái gì đó đơn giản hơn. Mà cũng dễ hiểu thôi bởi ai cũng muốn dùng màu để lột tả cho Bác thật đẹp khi lên tranh, tất cả đều xuất phát từ lòng thương và kính trọng”.

Mặc dù đã có ý tưởng rõ ràng nhưng để hoàn thành bức tranh trắng đen “Bác Hồ với các dân tộc” tạo thành hiện tượng khi mang ra triển lãm Mỹ thuật năm 1980, họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết đã phải mất hơn 6 năm để đi lấy tư liệu cho sáng tác.

Ông nói: “Tôi phải dành rất nhiều thời gian để đi thực tế tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tây Bắc, Sơn La…, để tìm hiểu về các đặc điểm của người Tày, người Nùng, người Thái, người Mèo, người Dao, người Mường… cũng như những trang phục đặc trưng nếp sống của họ. Nhờ vậy mà khi xem tranh, rất nhiều người dân tộc họ đã thốt lên là rất sống động và rất giống”.

Họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết cũng cho biết, bức tranh hoàn thành và được mang ra triển lãm đầu tiên vào năm 1970 nhưng phải đến năm 1980 thì mới gây được chú ý. Khi đó, nhiều tờ báo lớn đã chọn bức tranh này để in trang trọng ngay trang đầu. Bức tranh này đáng tiếc Bác Hồ đã không được xem vì người đã ra đi mãi mãi vào năm 1969.

Khi họa sĩ bán tranh và nỗi niềm người sáng tác

Mới đây, một họa sĩ người Ý chuyên sưu tập tranh đã tìm sang Việt Nam gặp họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết đề nghị mua lại bức tranh này với giá 9.000 USD cùng với một số bức tranh khác. Vì nghĩ do con cái không chuyên tâm theo nghiệp của cha và sau này tranh không có ai quản lý nên họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết đã quyết định bán bức “Bác Hồ với các dân tộc”, “Má thương nhiều anh giải phóng quân” và “Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn”, “Mùa Xuân trên núi Mẫu Sơn” cùng với khoảng 40 bức tranh cổ động.

Họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết với món quà của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mà ông luôn trân trọng
Họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết với món quà của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mà ông luôn trân trọng

Họa sĩ tâm sự: “Lúc bán đi rồi tôi tiếc lắm, cả đêm không ngủ được vì mỗi bức tranh sáng tác ra như máu thịt của mình, nhớ lắm chứ, nhất là phải mất khoảng 60 năm tôi mới xây dựng được thương hiệu của mình. Thực sự thì người mua tranh họ cũng rất trân quý sự sáng tạo, mình nói giá bao nhiêu thì họ lấy bấy nhiêu chứ không hề có sự mặc cả bởi tranh là vô giá”.

Việc bán tranh của người họa sĩ, nhất là những bức tranh đẹp và rất đặc biệt tuy để lại ít nhiều cảm xúc nhưng có thể nói, đó cũng là sự ghi nhận ở góc độ nào đó về sự thành công, thành tựu mà một người họa sĩ đã tạo lập được. Bức tranh được bán đi, vào tay người hữu duyên và lưu truyền trong nhân gian đôi khi lại là một điều tốt và là phúc.

Chỉ có điều, vì những bức tranh quý mang đậm dấu ấn Sĩ Thiết đã được bán đi phương xa nên mới đây, dự tính triển lãm cá nhân vào tháng 6 của họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết đã không thể thành sự thật vì không thể chuẩn bị kịp.

Họa sĩ cho biết: “Từ trước tới giờ tranh của tôi được triển lãm ở nhiều nơi như Nga, Đức, Tiệp Khắc, Trung Quốc và Liên hiệp quốc nhưng bản thân tôi cũng chưa bao giờ đứng ra tổ chức triển lãm cá nhân cả. Do đó, trong suy nghĩ của tôi là rất có thể tôi sẽ làm triển lãm vào dịp 19/8 kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công. Ở những năm cuối đời thực sư tôi chỉ muốn mình làm cái gì đó thật chỉnh chu, chất lượng chứ không muốn làm triển lãm tranh đại loại, qua loa”.

Một số bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết

Họa sĩ Sĩ Thiết, sinh năm 1943, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật 8 năm tại Trường Mỹ Thuật Việt Nam - Hà Nội. Ông từng làm giảng viên trường Sư phạm nhạc họa Trung ương, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, giảng viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Hiện tại, dù đã 76 tuổi nhưng họa sĩ Nguyễn Sĩ Thiết vẫn tiếp tục sáng tác tranh. Ông đang ấp ủ đề tài tranh lớn về Đường Trường Sơn và bên cạnh đó, ông còn sáng tác thơ Tâm linh trong hồn Việt./.

Trương Quốc Phong

Theo Báo Công an nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website