"Huy hiệu Bác Hồ" biểu trưng văn hóa đặc biệt

 

Chuyện người được nhận “Huy hiệu Bác Hồ”

Cuối năm 1959, Bác Hồ đã đề nghị và được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để Người tặng thưởng Huy hiệu mang tên “Huy hiệu Bác Hồ” đối với những gương làm việc tốt mà Bác đọc được trên báo chí. “Huy hiệu Bác Hồ” được làm bằng kim loại, hình tròn, có viền màu vàng. Nổi bật ở giữa nền đỏ là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía dưới có dòng chữ “HUY HIỆU BÁC HỒ”.

Hồi ấy, trong khí thế của 10 năm hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác (11/6/1948 - 11/6/1958), khắp nơi trên đất nước ta dấy lên phong trào thi đua “Nhà nhà làm việc tốt, người người làm việc tốt” để được đón nhận “Huy hiệu Bác Hồ”. Mỗi khi thấy tấm gương “người tốt, việc tốt” trên báo chí, Bác đều đánh dấu lại, cử cán bộ xác minh rồi tặng “Huy hiệu Bác Hồ” cho người xứng đáng. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ nhiều bút tích của Bác trên các trang báo về việc này. Theo các tài liệu tổng kết phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, từ năm 1959 đến 1969 đã có khoảng 5.000 người tốt, việc tốt được Bác tặng thưởng Huy hiệu mang tên Người, gồm đủ các thành phần nam - phụ - lão - ấu, trong mọi lĩnh vực hoạt động cách mạng: Sản xuất, chiến đấu, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, trên khắp mọi miền đất nước. Đó là các cháu thiếu nhi nêu gương thật thà, dũng cảm, học giỏi, giúp bạn vượt khó để học tốt; các cụ già vẫn hăng hái góp một phần sức lực còn lại của mình cho xã hội; các chiến sỹ dũng cảm trong chiến đấu; các thầy giáo, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Đó còn là những phụ nữ dũng cảm, đảm đang; những đoàn viên, thanh niên xung kích trong công việc; những trí thức gương mẫu... và cả những kiều bào trở về Tổ quốc chung sức xây dựng nước nhà.

Cụ Phạm Văn Mẫn (thứ tư, từ trái sang) và cụ Phạm Văn Tiệc (thứ năm, từ trái sang) trong buổi
Cụ Phạm Văn Mẫn (thứ tư, từ trái sang) và cụ Phạm Văn Tiệc (thứ năm, từ trái sang) trong buổi Hội thảo “Hồ Chí Minh với người cao tuổi’’ ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ, Hải Dương) ngày 29/9/2002. Ảnh tư liệu

Đối với mỗi người dân Việt Nam, sự kiện được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu là niềm vinh dự lớn lao đặc biệt, tác động rất tích cực, mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, khích lệ họ tu dưỡng đạo đức, bồi thụ năng lực làm việc, thi đua hành động cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin nêu một vài dẫn chứng:

Dịp kỷ niệm lần thứ 70 sinh nhật Bác (19/5/1960), ở thôn Nghĩa Dũng - miền quê nông nghiệp còn nghèo nàn thuộc xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có một sự kiện đặc biệt. Hai anh Phạm Văn Mẫn và Phạm Văn Tiệc (khi ấy đều mới ngoài 20 tuổi) cùng được nhận “Huy hiệu Bác Hồ”. Nguyên do là, lúc rạng đông một ngày tháng 9 trước đó, sương sớm giăng giăng trên cánh đồng lúa vừa qua kỳ đông sữa, hai anh Mẫn, Tiệc vác xiếc (dụng cụ bắt cá) ra sông “kiếm gạo” để trợ bữa ngày giáp hạt. Ra khỏi cổng làng, lên Quốc lộ 191 được khoảng 30m, các anh thấy hai kiện nón trắng mới tinh, gồm 4 cột, mỗi cột 50 cái nằm ở vệ đường. Nhận định đây là tài sản thất lạc, hai anh quyết định bỏ buổi đánh xiếc, đưa hết số nón ấy về bàn giao cho chính quyền xã nhà để trả lại cho người mất. Ngay chiều hôm đó, 200 chiếc nón nguyên đai nguyên kiện, có trị giá bằng hàng trăm ngày công mò cua bắt cá của hai anh cộng lại, đã trở về với chủ của chúng là Công ty Thương nghiệp huyện Tứ Kỳ, do đêm trước đó, xe chở nón gặp chỗ đường xóc đã để nón rơi. Sau đó không lâu, tại Trụ sở Ủy ban Hành chính xã Đại Đồng, đại diện chính quyền địa phương trao cho anh Mẫn và anh Tiệc, mỗi người một chiếc túi nhỏ màu đỏ rất đẹp, đựng phong bì có ghi: “Hồ Chủ tịch tặng”, trong đó là chiếc “Huy hiệu Bác Hồ”, kèm theo tấm thiếp Bác biểu dương và tỏ lòng mong mỏi các anh phát huy thành tích.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Huy hiệu và lời biểu dương của Bác đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của hai người nông dân ấy. Cụ Mẫn thời trước ít được học, vợ yếu, con đàn, gia cảnh túng bấn, song cụ không bao giờ bi quan. Cụ nỗ lực vươn lên xóa nghèo bằng chính bàn tay của mình. Cụ Tiệc ghi sâu lời Bác dạy để tu dưỡng, trở thành cán bộ chủ chốt, có bề dày thành tích xây dựng Đảng bộ xã Đại Đồng. Từ khi nghỉ hưu (năm 1990), cụ Tiệc tích cực tham gia các công việc xóm làng... Cả hai cụ thường nhắc lại để con cháu nghe câu chuyện các cụ được Bác Hồ tặng Huy hiệu, mong các thế hệ nối tiếp giữ gìn danh dự ấy mãi mãi. Con cháu của hai cụ đã kết tâm thực hiện lời dặn dò đó.

Đặc biệt hơn, có một tiểu đội du kích gồm 10 cô gái ở thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam (Vĩnh Linh, Quảng Trị), được Bác Hồ tặng Huy hiệu năm 1966. Đó là một tập thể nữ “Vững tay cày, hay tay súng”, vừa hăng say sản xuất, vừa dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương. Sử sách còn lưu: Mảnh đất Vĩnh Linh, bắt đầu từ lúc 14 giờ 30 phút ngày 08/02/1965 trở đi đã chứng kiến những ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn của Mỹ, ngụy. Nhiều khu dân cư, nhiều xí nghiệp, trường học ở thị trấn Hồ Xá, Doanh trại Sư đoàn 341 thuộc khu vực Vĩnh Linh trở thành mục tiêu của cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo bằng không quân và hải quân Mỹ (theo Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Nam). 10 cô gái Nam Phú ấy đã sát cánh cùng bộ đội, dân quân đánh trả máy bay địch. Ngày đêm bất chấp đạn bom ác liệt, các cô xông pha tải đạn, cứu thương, gùi lương thực, súng đạn, vũ khí tiếp tế cho bộ đội ở trận địa, rồi lại cõng, cáng bộ đội bị thương từ trận địa về các trạm xá, bệnh viện dã chiến để cứu chữa. Giặc tan rồi, các cô lại tay cày tay cấy, dệt thảm xanh trên tuyến lửa anh hùng.

Tiểu đội nữ du kích Nam Phú ngày ấy có những người hy sinh trong chiến đấu, có người đã quy tiên do tuổi cao sức yếu... Những người còn sống như các bà, các cụ: Nguyễn Thị Hiệt, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thị Xu... người có điều kiện phát triển làm cán bộ; người không may mắn, cuộc sống gian nan, hiu quạnh... Song tất cả đều có chung niềm tự hào được nhận “Huy hiệu Bác Hồ”. Noi gương các thế hệ đi trước, trong đó có 10 cô gái Nam Phú, lớp trẻ trên quê hương Vĩnh Nam anh hùng đã không ngừng cố gắng học tập, noi theo; nỗ lực làm những việc có ích nhất cho cộng đồng, cho xã hội. Nơi ấy đã dấy lên phong trào thi đua học tập tấm gương chị Đoàn Thị Nhung, Phó trạm Y tế xã Vĩnh Nam về công tác đền ơn đáp nghĩa. Chị Nhung là người thường xuyên chăm sóc bà Xu (tuổi già, không có chồng, không con cháu), yêu thương và coi bà Xu như mẹ của mình...

Giá trị sống mãi với thời gian

“Huy hiệu Bác Hồ” là nguồn cảm xúc thấm đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mọi lĩnh vực đời sống ở thời kỳ chống Mỹ và âm vang tới tận hôm nay. Nhiều bà con ta vẫn hồi tưởng tâm trạng lâng lâng khi cầm tờ lịch Tết - Xuân 1968, có hình Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế (thanh niên xung phong, quê Tuyên Hóa, Quảng Bình, được Bác Hồ tặng Huy hiệu) cười tươi ôm bó hoa thắm đến bên Bác, với dòng chữ trang trọng “Bác Hồ với Thanh niên xung phong” mà gia đình nào cũng muốn có để trưng trong nhà mình những ngày xuân mới.

Cảm xúc ấy cũng được thể hiện ở bài thơ Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ của nhà báo Nguyễn Hữu Phách (giải Ba cuộc thi thơ năm 1969 - 1970 của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam). Từ sự việc một bà mẹ ở thôn quê miền Bắc làm nhiệm vụ trông nom các cháu nhỏ giữa những ngày tháng ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được nhận “Huy hiệu Bác Hồ”, nhà báo Nguyễn Hữu Phách đã trào dâng cảm xúc đặc biệt, để từ đó có được những câu thơ đặc biệt: Huy hiệu Bác Hồ sáng rực/ Cài lên ngực áo mẹ xong/ Trăm bàn tay ran ran vỗ/ Trăm cặp mắt nhìn ước mong. Và, Nguyễn Hữu Phách đã khắc họa khát vọng lập công để được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu, thể hiện qua những cặp mắt ấy: Các cụ nhớ vườn ươm nhỏ/ “Bác dạy toàn dân gắng trồng”/ Các cháu vẫy nhau giao hẹn/ “Chăn trâu phải sạch ve mòng”/ Bác lực điền hơi ân hận/ “Mình còn để lỏi sá trong”/ Mấy cô khúc kha khúc khích/ “Cấy dày nhích lại hàng sông”. Những câu tiếp sau nữa phản ánh lòng yêu nước trong từng con người đã trở thành sức mạnh chung khi có sự “hợp lửa từ các con tim” của người lãnh đạo: Đồng chí bí thư hỏi lớn/ “Bà con thi với mẹ không?”/ Mắt mẹ gặp trăm cặp mắt/ Mắt nào cũng sáng như gương/ Trăm bàn tay ran ran vỗ/ Trăm tay kia đều có công/ Mẹ nghĩ: “Mình chăm cháu nhỏ/ Thấm đâu bà con ngoài đồng”/ Ngực mẹ lung linh Huy hiệu/ Không, đây là phần thưởng chung.

Một người mẹ - người tiêu biểu được nhận “Huy hiệu Bác Hồ” trở thành nguồn sức mạnh cho tập thể, để “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”, trong đó cả người lãnh đạo cũng thi đua cùng bà con nông dân.

Nay giữa những ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sôi nổi thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị Khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), ôn lại sự kiện Bác Hồ tặng Huy hiệu cho những gương tốt, vẫn thấy nóng hổi tính tư tưởng chính trị cũng như ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu./.

Phạm Xưởng

Theo Báo Quân đội nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website