Lão nông bắt đất hoang cho tiền tỷ

 

Ông Đặng Xuân Hạnh tham gia chương trình giao lưu do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức
Ông Đặng Xuân Hạnh tham gia chương trình giao lưu do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức

Từng là một người lính tham gia chiến đấu tại biên giới phía Tây Bắc, năm 1989, ông Hạnh xuất ngũ trở về địa phương. Do diện tích đất sản xuất của gia đình ít, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông đã đi thuê lại một số diện tích đất ruộng để trồng lúa và hoa màu. Lúc nông nhàn ông còn làm thêm nghề máy xát gạo và chạy xe thuê.

“Làm nông nghiệp vất vả mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu nhưng chính thời gian rèn luyện trong quân ngũ đã giúp tôi có được bản lĩnh kiên định, lập trường vững vàng mà Bác Hồ đã dạy. Điều đó khiến tôi vững vàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống” - ông Hạnh chia sẻ.

Cũng theo ông Hạnh: Do thiên tai lũ lụt, đồng đất ven sông Hồng ở Hà Nam đã bị bỏ hoang nhiều năm trời, ông mạnh dạn làm đơn xin thuê 100 mẫu đất bỏ hoang từ năm 2005 và lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh chăn nuôi bò sữa và trồng cây ăn quả, cây dược liệu làm hướng đi phát triển kinh tế. 

Trong những năm đầu sản xuất, ông gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ và nước thượng nguồn đổ về làm thiệt hại hoa màu, mất mùa diễn ra thường xuyên. Thế nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của chính quyền và Hội nông dân xã, ông đã được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện cũng đã hỗ trợ ông trong việc vay vốn ưu đãi để đầu tư vào quá trình phát triển kinh tế. Đó chính là nguồn động lực to lớn khiến nông dân Đặng Xuân Hạnh quyết tâm hơn trong xây dựng trang trại sau mỗi lần thất bại.

Bản thân ông luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, nỗ lực sản xuất để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình cũng như quê hương. “Tôi biết cha ông mình đã vất vả đánh giặc ngoại xâm để giữ lấy từng tấc đất cho đồng bào, vì vậy bản thân tôi rất quý trọng từng tấc đất, bởi đơn giản đất nuôi sống con người. Tôi nghĩ "tấc đất là vàng". Chính vì thế tôi đã tìm hiểu, học hỏi những kinh nghiệm để làm mảnh đất này thêm màu mỡ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống cho người dân lao động cũng như cho gia đình tôi. Bản thân tôi đã có cơ hội nhiều năm đi bảo vệ biên giới phía Bắc, những cực khổ, gian nan trong thời gian đó là động lực để tôi yêu đất, yêu cây cối, yêu công việc hơn” - ông Hạnh bộc bạch.

Sau nhiều lần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, đến nay, ông Hạnh có 26 con bò sữa, trong đó có 14 con đang cho khai thác sữa. Năm 2015, ông chuyển đổi 70/100 mẫu đất hiện tại của gia đình từ trồng ngô sang trồng húng quế dược liệu, mỗi năm với 3 vụ húng quế cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều việc trồng ngô. Với mô hình tổng hợp, mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông Hạnh thu về gần 2 tỷ đồng.

Ông Hạnh chăm sóc ngô được trồng tại trang trại của gia đình
Ông Hạnh chăm sóc ngô được trồng tại trang trại của gia đình

Ông Hạnh cho biết: Người nông dân nếu chỉ sử dụng hình thức sản xuất truyền thống, sử dụng sức lao động con người là chính thì chất lượng sản phẩm và sản lượng cây trồng, vật nuôi rất thấp. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, ông không ngừng tìm tòi ứng dụng những giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm, trong đó có giải pháp kĩ thuật "3 giảm - 3 tăng, 1 tăng - 5 giảm" được ông áp dụng thành công, mang lại hiệu quả cao.

Gia đình ông đã mạnh dạn đưa các loại máy móc vào sản xuất như: máy xạ hàng, máy gieo hạt, máy bỏ phân... để giảm chi phí nhân công lao động cũng như kịp thời vụ, tăng thêm thời vụ trên mỗi thửa đất. Ông cũng đã trực tiếp đi tìm đối tác bao tiêu sản phẩm của gia đình nhằm tăng giá trị sản xuất và chủ động khi sản xuất mở rộng, không để tư thương ép giá hàng hóa. Do đó, trong nhiều năm sản xuất, gia đình ông chưa một lần nhờ tới sự giúp đỡ từ các cấp về việc ứ đọng nông sản.

Là hội viên trong hội nông dân, khi thấy các hội viên khác chưa hiểu biết nhiều về sản xuất nông nghiệp cũng như cách tiêu thụ hàng hoá mình làm ra, ông đã đưa máy móc của gia đình vào sản xuất hỗ trợ cho hội viên và bà con nông dân, giúp bà con 5 xã của huyện Lý Nhân và huyện Duy Tiên bao tiêu nông sản. Cùng với đó, ông đã quyên góp hỗ trợ bò sinh sản cho những xã viên, những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho họ vươn lên trong cuộc sống; đồng thời tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập ổn định.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển kinh tế, làm giàu bền vững, nhiều năm qua, gia đình ông Hạnh đã đóng góp một phần nhỏ bé vào quá trình xây dựng nông thôn mới như: Quyên góp tiền, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa xóm. Hằng năm, vào dịp Tết thiếu nhi 1/6 hay Rằm Trung thu, ông Hạnh đều dành những phần quà nhỏ cho thiếu niên và nhi đồng trong xã.

Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, ông Hạnh cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục phát triển đàn bò sữa và trồng cây dược liệu, ông đang nghiên cứu việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào việc trồng các loại rau, củ quả nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng./.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website