Lan tỏa phong trào giúp nhau giảm nghèo

 

Giúp “chiếc cần câu”

Năm 2017, cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của đồng đội, ông Trương Quang Hùng, cựu chiến binh ở thôn 8, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã hỗ trợ gia đình ông Bùi Thiện Xuân 2 con bò giống để nuôi. Từ khi có cặp bò giống, vợ chồng ông Xuân có thêm động lực để vươn lên, chăm sóc bò để mong sao có vốn lo cho tuổi già và nhanh chuyển giao bò cho những hộ khó khăn như mình.

Ông Trương Quang Hùng (phía trong) ở thôn 8, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã hỗ trợ ông Xuân 2 con bò giống để nuôi.
Ông Trương Quang Hùng (phía trong) ở thôn 8, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã hỗ trợ ông Xuân 2 con bò giống để nuôi.

Theo ông Hùng, sau khi 2 con bò giống này đẻ ra bê con, ông sẽ lấy bò để tiếp tục chuyển giao cho các hội viên khác nuôi. Mục tiêu của ông là mỗi năm sẽ hỗ trợ từ 2-3 hội viên trong xã phát triển kinh tế. Ông Hùng cho biết: “Tôi muốn làm việc gì đó có ích cho anh em để cùng vươn lên trong cuộc sống. Cặp bò giống là vốn để họ phát triển kinh tế, chứ chưa có gì lớn lao. Tôi chỉ mong rằng, những hộ được nhận bò sẽ hiểu đây chỉ là tình người trong lúc khó khăn để không có gì e ngại mà tiếp tục nỗ lực vươn lên”.

Không chỉ hỗ trợ vật nuôi, ông Hùng còn có nhiều hoạt động để giúp hội viên nghèo khác như vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Hiện nay, khi Chỉ thị 05 được triển khai sâu rộng, tấm gương ông Hùng là bài học sâu sắc về phong cách nêu gương, cách ứng xử giữa con người với nhau, nhất là tình đồng chí, đồng đội.

Cũng với phương châm giúp “chiếc cần câu”, nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Hằng ở bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) luôn là địa chỉ tin cậy của các gia đình nghèo khi họ cần vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, vật tư phân bón…

Chỉ tính riêng năm 2017 qua sự giúp đỡ của chị Hằng, chị em nghèo đã mua được 38 tấn phân bón, các loại vật tư nông nghiệp trả chậm không phải tính lãi để kịp thời chăm sóc cây trồng đúng mùa vụ và nâng cao năng suất, chất lượng. Trong các trường hợp được chị Hằng giúp đỡ, gia đình chị H’Chê ở bon Dru là một trong những hộ dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.

Chị H'Chê (ngoài cùng bên trái) đã được chị Nguyễn Thị Hằng (thứ hai từ phải qua) hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo
Chị H'Chê (ngoài cùng bên trái) đã được chị Nguyễn Thị Hằng (thứ hai từ phải qua) hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo

Chị H’Chê cho biết: “Chị Hằng chính là người đã giúp tôi có được ngày nay, không chỉ biết trồng trọt mà còn biết buôn bán. Tôi cũng thực hiện lời hứa với chị luôn sẵn sàng giúp hộ khó khăn hơn. Như với bà con nghèo, tôi tặng quà, hỗ trợ kinh nghiệm làm ăn, bán phân bón, gạo không tính lãi”.

Cũng xuất phát từ sự cảm thông, sẻ chia với nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn, chị Đặng Thị Hằng - Giám đốc HTX đan thêu Thanh Hằng ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) đã mạnh dạn sáng lập HTX và tạo công ăn việc làm cho 179 người ở các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil. Do người lao động đều là phụ nữ nghèo, không có việc làm, nên HTX hỗ trợ khung, vật liệu thêu.

Bà Nguyễn Thị Minh Khai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Đắk Mâm cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương, nhất là những hộ gia đình nghèo, neo đơn, giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo của thị trấn”.

Với mong muốn đồng hành, giúp đỡ phụ nữ nghèo, không có việc làm có thêm thu nhập,
chị Đặng Thị Hằng (ngoài cùng bên trái) đã thành lập HTX đan thêu Thanh Hằng.

Nhiều hình thức giúp đỡ người dân thoát nghèo

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 là phấn đấu đưa Đắk Nông sớm thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển, thời gian qua, phong trào giúp nhau giảm nghèo đã phát triển ngày càng rộng rãi, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Theo đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông, hàng năm, MTTQ tỉnh đều phân công các tổ chức thành viên đăng ký phần việc hỗ trợ người dân thoát nghèo với phương châm “không có hộ nghèo, hộ chính sách nào mà không có ít nhất một tổ chức hỗ trợ”. Trên cơ sở đó, Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên đã dựa vào thực tế của mình để triển khai cách thức giúp đỡ phù hợp, đúng người, đúng đối tượng, đúng việc. Trong đó, các mô hình do các cấp hội phụ nữ thực hiện như “3 trong 1” (3 chị khá giúp 1 chị nghèo); quyên góp tặng bò cho hội viên nghèo; biến phế liệu thành bò… đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Phụ nữ thôn Nam Thanh, xã Nam Đà (Krông Nô) đóng góp vốn giúp chị em khó khăn mua bò về chăn nuôi, phát triển kinh tế
Phụ nữ thôn Nam Thanh, xã Nam Đà (Krông Nô) đóng góp vốn giúp chị em khó khăn mua bò về chăn nuôi, phát triển kinh tế

Điển hình, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Nô đã phối hợp mở 19 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, nấu ăn, may dân dụng, cạo mủ cao su, chăm sóc cây hồ tiêu… Cùng với việc chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, các cấp hội phụ nữ còn huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để giúp hội viên giảm nghèo như vay vốn ngân hàng, quỹ hội, các nhóm sở thích, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo… Nhờ vậy, 2 năm qua, toàn huyện đã có 253 hộ nghèo trong độ tuổi lao động được Hội giúp thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, học Bác Hồ đức tính tiết kiệm, tình yêu thương con người, Hội phụ nữ còn thực hiện tốt việc xây dựng các mô hình làm theo Bác có hiệu quả trong hội viên như nhóm tiết kiệm tín dụng giúp phụ nữ phát triển kinh tế, “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, tổ báo hiếu, mô hình “3+1”…

Qua các mô hình, Hội phụ nữ đã tiết kiệm được 453 triệu đồng, trên 2.323 kg gạo giúp 305 chị khó khăn. Hội còn thành lập mới 63 tổ tiết kiệm, thu hút  577 thành viên tham gia sinh hoạt, tiết kiệm trên 2 tỷ đồng giúp 209 chị vay đầu tư sản xuất; vận động 20 chị có điều kiện kinh tế khá đóng góp 350 triệu đồng giúp 12 chị vay không lấy lãi, đầu tư sản xuất…

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đắk R’lấp cũng thực hiện nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế như hỗ trợ phụ nữ khó khăn của xã Nghĩa Thắng xây dựng 4 mô hình nuôi gà thả vườn, 2 mô hình rau sạch và 5 con bò; đồng thời vận động 423 chị có điều kiện kinh tế khá đóng góp trên 400 triệu đồng để mua gạo, mì tôm, con giống, phân bón, ngày công giúp phụ nữ nghèo...Với việc thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên khó khăn, năm 2017, các cấp hội đã giúp 379 chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, trong đó có 22 chị đã thoát nghèo theo tiêu chí mới.

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Đắk Nông cũng có nhiều hoạt động giúp hội viên giảm nghèo. Một trong những cách làm hiệu quả là khơi dậy tình đồng đội thủy chung, trong sáng của “Bộ đội Cụ Hồ” để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Ngoài các nguồn lực từ bên ngoài, các cấp hội còn vận động hội viên giúp nhau bằng nguồn lực có sẵn, nhất là xây dựng Quỹ Vì đồng đội. Nếu năm 2012, Quỹ Vì đồng đội chỉ có 7,2 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên trên 21 tỷ đồng. Nhiều mô hình giúp nhau giảm nghèo được thực hiện như: “3+1”(3 CCB người Kinh giúp 1 CCB người dân tộc thiểu số hoặc 3 hội viên khá giúp 1 hội viên nghèo), hỗ trợ cây, con giống, ngày công, vốn…

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hàng năm, Cuộc vận động Ngày vì người nghèo do MTTQ các cấp phát động luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ (Cán bộ, nhân dân tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) ủng hộ Quỹ vì người nghèo năm 2018).

Đến nay, Hội CCB tỉnh Đắk Nông có 20 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 98 trang trại vừa và nhỏ do CCB làm chủ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương, chủ yếu là CCB và gia đình khó khăn trên địa bàn với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng. Với sự nỗ lực cố gắng đó, hiện nay, đời sống của CCB trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể, tăng số hộ khá, giảm số hộ nghèo. Toàn Hội hiện có 2.985 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, 4.609 hộ từ 50-100 triệu đồng/năm, 4.385 hộ dưới 50 triệu đồng. Số hộ nghèo theo tiêu chí mới là 1.305 hộ (chiếm 9,8%) và cận nghèo là 550 hộ (chiếm 3,97%).

Ông Hà Dung (bên trái), Trưởng ban công tác mặt trận thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô) luôn
nhiệt tình trong tuyên truyền, vận động người dân tự lực, tự cường trong lao động sản xuất.

Có thể nói, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành, việc kêu gọi, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chung tay góp sức giúp các hộ nghèo “chiếc cần câu” để từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống đã góp phần đáng kể trong việc bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Đây cũng chính là một trong những cách làm thiết thực để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI là phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% trở lên. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 16,59% (giảm 2,61% so với năm 2016). Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, GRDP bình quân đầu người đạt 41,26 triệu đồng./.

Bài, ảnh: Hoàng Hoài

Theo http://www.baodaknong.org.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website