|
Một góc thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) |
Tỉnh Thanh Hoá có Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và 08 khu công nghiệp; hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều tuyến giao thông quan trọng quốc gia đi qua, như: Cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 10, quốc lộ 47, quốc lộ 45, quốc lộ 217, quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường sắt Bắc Nam...
Quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra; nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đặt ra trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”
Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xác định 27 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, với 06 chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ. Ba đột phá trong nhiệm kỳ gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng; Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục khởi sắc. Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 10,49%. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước và là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2022 đạt 10,4%; năng suất lao động xã hội bình quân năm 2022 ước đạt 101,5 triệu đồng/người, tăng 20,7 triệu đồng so với năm 2020.
|
Tàu cập cảng Nghi Sơn |
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,7%; đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 349/465 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy xi măng Đại Dương 1, Dây chuyền 4 - Nhà máy xi măng Long Sơn, Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy xi măng Đại Dương 2, Nhà máy sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam,…; đồng thời, khởi công một số dự án giao thông quan trọng, như: Đường Vạn Thiện - Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45… qua đó góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đã có bước cải thiện rõ rệt; trong đó Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7.726 doanh nghiệp được thành lập mới, đứng thứ 6 cả nước; thu hút được 154 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 19 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.669 tỷ đồng và 193 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,7 tỷ USD. Công tác lập quy hoạch được quan tâm; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg, ngày 27/02/2023. Đây là văn bản rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để Thanh Hóa phát triển.
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tỉnh đã chủ động dự báo, phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình, thực hiện quyết liệt các phương án, kịch bản, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, lĩnh vực, vì vậy tỷ lệ số ca mắc và tử vong do COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Hoạt động văn hóa, thông tin được đẩy mạnh; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Từ năm 2021 đến nay, có thêm 05 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có trên 135 nghìn lao động được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72%, tăng 2% so với năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 28,5%. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào sinh sống trên sông, đồng bào sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025) còn 4,99%, giảm 1,78% so với năm 2021.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ 2020 – 2025 Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX, ngày 30/6. |
Dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh Thanh Hóa ngày 20/2/1947: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX ngày 30/6 vừa qua, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã phát biểu đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra những mặt còn phải cố gắng. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh những lời tâm huyết: "Phía trước Thanh Hóa đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và của nhân dân vào tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các tổ chức đảng và mỗi đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý là rất lớn. Do vậy, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào đều phải thể hiện tính cách mạng, xung kích, kỷ luật, trung thực, chống tham nhũng, tiêu cực, chống bệnh thành tích, hình thức, càng trong khó khăn thì càng phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”./.