Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tiền Giang: Nhiều cách làm hay trong học và làm theo Bác

Một trong những hoạt động mang dấu ấn nổi bật của các cấp Hội LHPN tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua là chăm lo, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tạo nên phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, HVPN và các tầng lớp nhân dân. Hoạt động này đã đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

CHĂM LO ĐỜI SỐNG PHỤ NỮ KHÓ KHĂN

Bí thư Chi bộ, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Với phương châm thực hiện phong trào thi đua học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, thời gian qua, các tập thể, cá nhân cán bộ, HVPN của các cấp Hội LHPN tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cách làm hay và mô hình được đánh giá là tiêu biểu.

Thông qua đó đã thể hiện được vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn chú trọng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng người phụ nữ có sức khỏe, tri thức, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa; đồng thời, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…

 

 Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng tặng quà cho trẻ mồ côi.

Hằng năm, các cấp Hội LHPN tỉnh thực hiện việc rà soát số HVPN có hoàn cảnh khó khăn, nhất là HVPN giữ vai trò làm chủ trong gia đình. Để thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ HVPN khó khăn “có địa chỉ”, các cấp Hội đã xác định hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng địa chỉ.

Từ đó, các cấp Hội LHPN tỉnh có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp với từng trường hợp; đồng thời, tăng cường khai thác các nguồn vốn cho HVPN vay để phát triển kinh tế gia đình.

Cụ thể là vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và đã giải ngân vốn cho HVPN số tiền 54,427 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 30-4-2023 là 1.336 tỷ đồng/36.840 hộ vay; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh giải ngân cho 9.605 HVPN, số tiền 180,689 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ phát triển 3 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, giúp 47 chị em khó khăn có việc làm, thu nhập ổn định; thành lập mới 4 tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo, nâng lên 156 tổ; duy trì 262 tổ góp vốn xoay vòng, giúp 17.984 phụ nữ khó khăn vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, với số tiền hỗ trợ 37,386 tỷ đồng.

Ngoài ra, phong trào giúp nhau bằng các hình thức như ngày công lao động, cho mượn vốn không tính lãi, cây, con giống... tương đương 233,1 triệu đồng đã giúp 406 chị em.

Đối với thực hiện công tác an sinh xã hội và thực hiện Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, các cấp Hội LHPN tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ 3.084 hộ HVPN nghèo, 4.205 hộ HVPN cận nghèo, HVPN khuyết tật; 3.896 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn... bằng các hình thức như tặng nhu yếu phẩm, quần áo, thẻ bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập, tiền mặt... tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng, trong đó đã xây dựng 33 mái ấm tình thương cho HVPN khó khăn về nhà ở, kinh phí 1,325 tỷ đồng.

HẾT LÒNG VÌ TRẺ MỒ CÔI, YẾU THẾ

“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”... Những câu thơ, câu nói này đã thể hiện tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu nhi và thông điệp của trẻ em gửi đến người lớn, với mong muốn, các em ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, góp phần vun đắp cho những mầm xanh tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Từ đó, nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em đã được các cấp Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện như khám, chữa bệnh miễn phí; trao hàng ngàn suất quà, học bổng, xe đạp… trị giá hàng trăm triệu đồng/năm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

 Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng tặng quà cho phụ nữ khó khăn.

Cùng với đó, các cấp Hội LHPN tỉnh không ngừng chăm lo đến các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án bảo vệ, chăm sóc trẻ em như phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn… Tổ chức các sự kiện, truyền thông, vận động xã hội, các hoạt động trong kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.

Các cấp Hội LHPN tỉnh kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt sự việc và đã tư vấn, giúp đỡ 567 vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình và bạo lực gia đình có chuyển biến tốt; kịp thời phát hiện, lên tiếng, hỗ trợ, can thiệp, đề nghị ngành chức năng giải quyết 62 vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho 1 phụ nữ và 10 trẻ em bị xâm hại tình dục, 1 trẻ em bị dâm ô; kịp thời ngăn chặn 2 trường hợp tảo hôn.

Đặc biệt, trong 2 năm (2021 - 2022), hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội LHPN tỉnh đã vận động, hỗ trợ và nhận đỡ đầu 285 trẻ mồ côi (trong đó có 96 trẻ mồ côi do Covid-19 và 189 trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác) theo nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm, học bổng... Việc hỗ trợ được thực hiện định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý, trong 1 năm hoặc 5 năm, số tiền hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2022, Hội LHPN huyện Chợ Gạo nhận đỡ đầu cho em Lê Đặng Tuyết Nhi (học sinh lớp 9 Trường THCS Đăng Hưng Phước). Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Gạo Đặng Thị Minh Khai cho biết, cha, mẹ Tuyết Nhi bỏ rơi em, không nuôi dưỡng em nhiều năm nay. Hiện tại, em sống với ông, bà nội và em trai, nhưng ông, bà nội em đã lớn tuổi không còn sức lao động, hoàn cảnh gia đình thuộc hộ khó khăn.

Dự kiến, Hội LHPN huyện Chợ Gạo sẽ nhận đỡ đầu em Tuyết Nhi đến năm 18 tuổi, với kinh phí hỗ trợ hằng tháng gồm tiền mặt và vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm, trị giá ít nhất 1 triệu đồng nhằm hỗ trợ em trong học tập và cuộc sống. Nếu sau khi học xong lớp 12, Tuyết Nhi không có điều kiện học đại học, Hội LHPN huyện sẽ hỗ trợ cho em học nghề miễn phí.

Không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng, việc học tập và làm theo Bác thời gian qua của các cấp Hội LHPN tỉnh đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Đối với phụ nữ Tiền Giang, học Bác không khó, nhưng mọi phụ nữ cần phải cố gắng, tự tin trong giao tiếp, trong công việc, luôn phấn đấu học tập và làm theo Bác để ngày càng hoàn thiện và thích ứng xu thế phát triển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website