|
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc trao giải A cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” |
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền Chỉ thị 05- CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho cán bộ, đảng viên nhân dân, góp phần tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; cổ vũ các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) bằng hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình tỉnh. Các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên duy trì và tăng cường số lượng tin, bài, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình tốt, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Báo Phú Thọ duy trì các chuyên mục "Gương sáng đảng viên", "Nét đẹp đời thường"; mở mới các chuyên mục “Đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống”, “Chống diễn biến hòa bình - Xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh” trên Báo Phú Thọ điện tử. Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng chuyên đề "Học bác mỗi ngày", “Gương mặt đời thường”, “Đảng trong cuộc sống”.
|
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ ký giao ước thi đua học và làm theo Bác. Ảnh: Báo Phú Thọ. |
Tuy nhiên, từ thực tiễn tuyên truyền công tác xây dựng đảng nói chung, Chỉ thị 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nói riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang đặt ra một số vấn đề:
Một là, một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); chưa thấy được đây là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách trước mắt; là những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền Chỉ thị 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Hai là, nội dung, hình thức tuyên truyền Chỉ thị 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) có nhiều đổi mới, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, nội dung tuyên truyền theo nhiều đánh giá còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa gắn với trách nhiệm giữa học tập và làm theo Bác; cách thức xây dựng nội dung trong các tài liệu tuyên truyền nhiều khi còn nặng nề, cứng nhắc, khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ, nhu cầu tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng đặc thù. Về hình thức tuyên truyền chậm đổi mới, thiếu tính sáng tạo và chưa linh hoạt; việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền chưa được chú trọng đúng mức và thực hiện bài bản chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Ba là, một số cơ quan báo chí chưa thực hiện tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; có những thông tin phản ánh sai sự thật, không khách quan, trung thực, gây phản cảm trong xã hội, không có lợi cho công tác định hướng dư luận xã hội; chưa chú trọng tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Mặt khác trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống đang bị mạng xã hội lấn át, đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi công tác tư tưởng, tuyên truyền phải đổi mới phương thức cho phù hợp, tránh tình trạng “đi sau, nói lại”.
Bốn là, các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta bằng những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm. Đặc biệt chúng đã triệt để sử dụng các trang mạng xã hội kích động, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, gây hoài nghi, dao động, làm giảm sút niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong khi đó công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của chúng ta còn thụ động, chất lượng, sức thuyết phục của các bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái chưa cao; công tác quản lý Internet, mạng xã hội còn nhiều lúng túng, đang là những thách thức lớn đối với công tác tư tưởng hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền công tác xây dựng đảng nói chung và Chỉ thị 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đòi hỏi công tác tuyên truyền phải bám sát thực tiễn, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác tuyên truyền trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) một cách thiết thực, hiệu quả.
Các cấp ủy phải thường xuyên tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình tuyên truyền.
Trong công tác chỉ đạo, cần chú trọng tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân; xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển biến” để tạo lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đảm bảo tính khoa học và thuyết phục.
Trước sự thay đổi và tác động nhanh chóng, phức tạp của các loại hình truyền thông đến nhận thức của con người như hiện nay, giải pháp này cần phải được liên tục đặt ra nội dung, phương thức thực hiện công tác tuyên truyền nói chung và công tác tuyên truyền Chỉ thị 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) một các phù hợp phù hợp và hiệu quả.
Cần đổi mới nội dung tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) theo hướng thiết thực gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm; một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó cần tập trung tuyên truyền các nội dung sau:
Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, nêu bật yêu cầu cấp thiết của việc cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Biểu dương tôn vinh và nhân rộng những điển hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lấy điển hình, nhân tố tiêu biểu để cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tích cực học tập và làm theo Bác.
Đấu tranh với các luận điệu sai trái, phê phán những nhận thức lệch lạc, học không đi đôi với làm, bệnh hình thức chạy theo thành tích trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)...
Trên cơ sở các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trong tuyên truyền các địa phương, cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên.
Về hình thức, cần đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu của các đối tượng và trong mọi hoàn cảnh. Chú trọng phát huy ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, đa phương tiện, sử dụng có hiệu quả các hình thức tuyên truyền mới như Internet, mạng xã hội trong tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trên báo chí và các phương tiện truyền thông, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình về tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nghiên cứu quy định thời lượng, khung chương trình, giờ phát sóng một số chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Vận dụng các hình thức tuyên truyền có tính hấp dẫn, lôi cuốn, hiệu quả như: sân khấu hóa nội dung; tổ chức kể chuyện, tọa đàm, diễn đàn; tổ chức các cuộc thi; thông tin lưu động; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lồng ghép nội dung giáo dục tuyên truyền; tổ chức các buổi phát động, biểu dương về các cá nhân, tập thể đã đạt thành tích cao đi đầu trong phong trào học tập và làm theo Bác…
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đồng thời phải nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức, kỹ năng, phương pháp của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Đòi hỏi, các binh chủng làm công tác tuyên tuyền của Đảng cần tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc.
Bốn là, quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đồng thời kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Chỉ đạo và kịp thời cung cấp, định hướng thông tin trên báo chí, chú trọng những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở quản lý hiệu quả truyền thông, báo chí, đặc biệt là báo điện tử, mạng xã hội và thông tin trên mạng internet; có giải pháp hữu hiệu (kỹ thuật, an ninh mạng,…) để ngăn chặn các trang mạng sai trái, phản động.
Năm là, tăng cường điều kiện vật chất và sử dụng có hiệu quả các phương tiện tuyên truyền góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tăng cường điều kiện vật chất và sử dụng có hiệu quả các phương tiện tuyên truyền hiện có, như: sách, báo, tài liệu, các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, hệ thống giáo dục... Nghiên cứu, vận dụng tính ưu việt của các phương tiện hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội trong công tác tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với cán bộ, đảng viên./.
Hoàng Việt Anh - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ
Theo http://www.tuyengiao.vn