(HCM.VN) - Việc thường xuyên vẽ tranh về chủ đề "Bác Hồ với cựu chiến binh", đối với Thượng tá Trần Ngọc (năm nay 72 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 5) không chỉ là cái duyên, cái nghiệp mà còn là nghĩa vụ, là niềm say mê, là sự thôi thúc phải làm gì đó để tỏ lòng tôn kính Bác, để thế hệ mai sau hiểu về cuộc đời cách mạng cao quý của Người...
|
Ông Trần Ngọc vẽ chân dung Bác Hồ trên khổ lớn để phục vụ cho các sự kiện lớn của Quân khu V |
Cảm hứng bất tận
Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Trần Ngọc. Ngôi nhà của ông đơn sơ, lặng lẽ trong con hẻm của khu tập thể quân đội ở Đà Nẵng. Phòng khách vừa là nơi vẽ tranh, vừa là phòng nghỉ. Vừa giới thiệu bức phác họa chân dung Bác Hồ được vẽ trong tích tắc, cựu chiến binh Trần Ngọc kể về cuộc đời của mình.
Năm 1966, khi tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ Trần Ngọc theo tiếng gọi giải phóng miền Nam đã lên đường nhập ngũ. Nơi ông Ngọc khoác áo lính đầu tiên là ở Trung đoàn 53 cơ động mở đường 20 Quyết thắng (đường Hồ Chí Minh) ở Quảng Bình. Khoảng đầu tháng 6/1969, Trung đoàn có lệnh hành quân ngược ra Tuyên Hóa (Quảng Bình) để huấn luyện, chuẩn bị vào chiến trường B1 chiến đấu. Đây cũng là thời gian đáng nhớ nhất, trong không khí cả nước đau thương tưởng nhớ Bác, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại đã thực sự trở thành dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm thức chàng trai trẻ. Từ đó, những bức họa về Bác Hồ cũng đã theo chân ông đi khắp các chiến trường. Suốt thời kỳ công tác từ Khu 4 đến Khu 5, chân dung Bác luôn nằm trong hành trang của ông. Tranh vẽ đến đâu, các đơn vị đón nhận đến đó. Có những ngày căn cứ liên tục bị máy bay Mỹ ném bom, giữa phút giây thanh bình hiếm hoi, người họa sĩ chiến trường lại miệt mài đem bút và sơn ra vẽ.
Đại tá, nhà văn quân đội Đỗ Viết Nghiệm, một người bạn của ông Trần Ngọc nhớ lại, trước năm 1975, giữa những trận đạn pháo, ông đã cùng với ông Ngọc vẽ chân dung Bác Hồ để treo trong dịp đại hội thi đua quyết thắng do Cục Hậu cần tổ chức bên bờ suối ở vùng tây Quảng Nam. Lúc ấy, bụng đói, cơm không có, chỉ ăn một khúc củ mì (sắn) luộc, nhưng các chiến sĩ trẻ vẫn say sưa vẽ. Đại tá Nghiệm kể, thời chiến tranh, ở chiến trường mà có được một bức chân dung Bác Hồ to bằng khổ tờ báo là rất hiếm; đặc biệt ở cấp cục, cấp quân khu càng hiếm hơn.
Cứ như vậy, gần 10 năm, chàng bộ đội Trần Ngọc đi đến đâu là vẽ chân dung Bác đến đó, cũng là cách anh góp sức cổ vũ tinh thần chiến sĩ và dân công chiến đấu, sản xuất, gùi thồ, mở đường ra trận trên khắp các chiến trường Khu 5. Năm 1975, trong khí thế ào ạt của quân ta khi tiến vào giải phóng miền Nam, lúc vào đến Thăng Bình (Quảng Nam), Trần Ngọc đã tranh thủ vẽ chân dung Bác Hồ trên tấm ván ép chiến lợi phẩm với khổ 1,2 x 2,4m.
“Nơi anh vẽ là nơi vừa được giải phóng, nên chân dung Bác trở thành niềm tự hào, mang tính khích lệ quân dân. Ngưỡng mộ tài năng vẽ của anh, nhiều người dân Thăng Bình lúc ấy đã vây kín để xem và trầm trồ thán phục” - Đại tá Nghiệm kể.
Truyền niềm tin yêu về Bác cho thế hệ mai sau
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Ngọc được Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị và Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 tin tưởng giao nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ để trang trí, tuyên truyền trực quan phục vụ tất cả các sự kiện lớn, nhỏ trên toàn Quân khu. Đây là khoảng thời gian ông vẽ Bác nhiều nhất, với đủ các chất liệu và mọi kích cỡ, ở tất cả các dịp đại hội thi đua, hội thao quốc phòng, hội diễn nghệ thuật… Đặc biệt, ở các sự kiện đón tiếp các đoàn khách quân sự và dân sự nước ngoài đến Quảng Nam - Đà Nẵng, thần thái của vị lãnh tụ do ông Trần Ngọc đã vẽ tạo dấu ấn khó quên trong lòng bạn bè quốc tế. Xem tranh, ai cũng bảo, ông Trần Ngọc vẽ không những giống mà còn rất đẹp, toát lên thần thái của Bác Hồ kính yêu.
|
Vẽ chân dung Bác Hồ là niềm say mê bất tận của cựu chiến binh Trần Ngọc |
Theo cựu chiến binh Trần Ngọc, khả năng vẽ đẹp và nhanh của ông là do tình cảm kính yêu đối với vị Cha già dân tộc. Tuy chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng ông tìm hiểu hàng ngàn tư liệu ảnh, sách, báo, thơ văn về Bác để thể hiện chân dung Bác qua tranh với một góc nhìn mới, sinh động hơn, giàu tính nhân văn hơn. Từ đó, thế hệ mai sau sẽ hiểu về cuộc đời, nhân cách cao quý của Người hơn.
“Đó là con người của công việc, của sáng tác nghệ thuật, của đam mê cháy bỏng và một sự chỉn chu đặc biệt khi vẽ về Bác Hồ. Tôi đã từng thấy anh đứng lặng thinh trước khung giấy với nhiều góc độ để rồi bằng cây cọ vẽ, anh đã cho ra đời những bức chân dung Bác thật sinh động, toát lên thần thái của vị lãnh tụ kính yêu”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) ngợi khen tài năng của ông Ngọc.
Vẽ về Bác với tất cả niềm tin yêu, kính trọng, người cựu chiến binh Trần Ngọc đã góp phần lưu giữ hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim mọi người./.
Bài, ảnh: Đình Tăng - Lan Anh