Luôn tin tưởng, làm theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”!

Thương binh Phan Đình Mạnh hướng dẫn con trai cách
chăm sóc cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Quyết ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc

Sinh ra và lớn lên tại xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), năm 1965, khi mới 17 tuổi, thanh niên trẻ Phan Đình Mạnh nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã tình nguyện tham gia quân đội để được ra chiến trường đánh Mỹ.

Thương binh Phan Đình Mạnh chia sẻ: “Mồ côi cả cha và mẹ từ nhỏ, tôi được bà con địa phương nuôi dưỡng, cho ăn học đến hết lớp 7/10. Năm 17 tuổi, tôi tình nguyện vào quân đội, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Lúc nào tôi cũng nung nấu ý chí quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên chiến trường, khi đối diện với quân thù, tinh thần chiến đấu của tôi và đồng đội luôn bùng lên mạnh mẽ, sục sôi, không nề hà nguy hiểm, khó khăn, luôn cầm chắc tay súng”...

Với bản tính dũng cảm, can trường đó mà dù bị thương nhưng chàng trai trẻ ấy vẫn xin ra chiến trường tiếp tục chiến đấu. Thương binh Phan Đình Mạnh nhớ lại: Ngày 15/6/1971, trong lúc chiến đấu, tôi bị thương ở chân phải, không thể đi lại được. Sau khi được điều trị 1 tháng lành vết thương, tôi xin được trở lại đơn vị tiếp tục ra chiến trường để chiến đấu. Trong trận chiến với quân địch ngày 29/7, tức chỉ 45 ngày sau, tôi bị thương lần thứ 2. Lần này do vết thương quá nặng, tôi bị cụt chân phải, gãy nát xương chân trái và cổ tay phải nên đồng đội chuyển tôi về tuyến sau điều trị”.

Năm 1974, trong quá trình điều trị vết thương, thương binh Mạnh được Trại thương binh Nghệ An tổ chức lễ cưới với người con gái cùng quê Nguyễn Thị Khâm. Một năm sau, sau khi điều trị vết thương ổn định với thương tật 86%, tình trạng vết thương đặc biệt nặng, thương binh Mạnh được đơn vị cho về an dưỡng tại gia đình. Với thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 7/1987, thương binh Phan Đình Mạnh vinh dự được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Vươn lên làm giàu

Trở về địa phương, với thương tật nặng, thương binh Phan Đình Mạnh lại một lần nữa chiến đấu với bệnh tật và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.

Ông Mạnh chia sẻ, sau khi về địa phương, cuộc sống của gia đình ông gặp muôn vàn  khó khăn vất vả. Vết thương tái phát, ông thường xuyên phải đi bệnh viện trong khi điều kiện kinh tế khó khăn. Đầu năm 1997, vợ chồng ông và sáu người con chuyển vào xã Nam Bình làm ăn, sinh sống. Với số tiền tích góp ít ỏi tại quê nhà mang theo, gia đình ông mua rẫy và khai hoang thêm đất đai để tổ chức chăn nuôi, trồng trọt. Ông luôn tìm tòi học hỏi từ bạn bè cũng như trên các tài liệu, phương tiện thông tin để tổ chức trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn trái. Đến nay, gia đình ông Mạnh có hơn 10 ha đất trồng trọt cây công nghiệp, hằng năm thu hoạch gần 20 tấn cà phê, 20 tấn hồ tiêu và hàng tấn cây ăn trái, trừ chi phí bình quân thu về trên 1,5 tỷ đồng.

Dù cuộc sống trải qua nhiều gian khó, nhưng lúc nào ông Mạnh cũng chăm lo và động viên các con tập trung vào việc học tập. Đến nay, trong sáu người con, có ba người con sau đều học hết đại học và đã có việc làm ổn định. Ba người con đầu mặc dù không học cao nhưng được ông chia đất đai và hỗ trợ làm ăn nên kinh tế khá giả.

Với công lao đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thương binh
Phan Đình Mạnh vinh dự được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Tặng đất đai, giúp đồng đội xây nhà

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, với tinh thần tương thân tương ái, năm 2010, ông Mạnh tặng hai đồng đội đều là thương binh nặng là các ông  Đoàn Tất Đắc và Đinh Quang Hải đều ở xã Nam Bình 2 lô đất, trị giá lúc bấy giờ đến hàng tỷ đồng để làm nhà ở. 

Nói về việc làm của ông Mạnh, thương binh Đoàn Tất Đắc tâm sự: “Tôi được gia đình anh Mạnh tặng cho mảnh đất ngay trung tâm thị trấn rất giá trị. Sau khi được tặng đất, gia đình đã làm nhà và sinh sống thuận lợi hơn, từ đó kinh tế phát triển, sức khỏe tốt hơn. Chúng tôi rất quý mến tấm lòng hảo tâm và vì đồng đội của anh Mạnh”.

Năm 2012, thương binh Phan Đình Mạnh còn tình nguyện hiến tặng trên 500m2 đất cho UBND thị trấn Đức An làm đường giao thông. Với những đóng góp của mình, thời gian qua ông Mạnh vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Trong những ngày tháng 7 này, thương binh Phan Đình Mạnh là một trong năm đại biểu đại diện cho thương binh của tỉnh Đắk Nông dự Hội nghị biểu dương thương binh tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội.

“Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào bản thân tôi vẫn luôn tin tưởng và làm theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, không bao giờ ngại khó ngại khổ, quyết tâm vươn lên, chiến thắng ở tất cả các mặt trận”, thương binh Phan Đình Mạnh khẳng định.

 

Bài, ảnh: Thanh Nga

Theo http://www.baodaknong.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website