Lớp học dạy môn toán do cựu chiến binh, thương binh
Nguyễn Đăng Khoa tổ chức miễn phí tại nhà. Ảnh TH
Về xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) hỏi cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đăng Khoa ở xóm 5 ai cũng biết. Ông Khoa đã hơn 78 tuổi nhưng người còn khỏe, trí nhớ tốt, hai mắt bị mù đi lại phải nhờ đến chiếc gậy. Ông kể: “Năm 1964, tôi 22 tuổi, đang học năm cuối Trường cấp 3 Nam Đàn thì chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Tôi quyết định gác lại ước mơ trở thành thầy giáo dạy Toán, viết tâm thư tình nguyện nhập ngũ”. Sau gần 2 tháng huấn luyện, đơn vị ông được bổ sung vào Đoàn 559, có nhiệm vụ mở đường và tiếp tế vũ khí, quân lương vào chiến trường miền Nam. Đến tháng 9 năm 1967, ông đi biệt phái vào Tây Nguyên thuộc Binh trạm 44. Tại đây, ông làm nhiệm vụ sắp xếp, bảo quản vũ khí, khí tài kho. Trận bom cuối năm 1968 đã cướp đi đôi mắt của ông. Hôm đó, đơn vị đang tiến hành làm cầu cho xe vào nhận vũ khí bị địch phát hiện, chúng đem bom đánh phá. Ông bị thương và ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông mới biết mình đang nằm điều trị trong quân y viện. Sau nhiều ngày điều trị, lúc mở băng ra trước mặt chỉ một quầng màu vàng rồi tắt lịm. Sau đó, đơn vị cho ông ra miền Bắc điều trị, an dưỡng...
Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa
Năm 1973, ông trở về địa phương. Ban đầu ông nghĩ đôi mắt không còn nhìn thấy về giữ con và trông nhà cho vợ đi làm. Nhưng quê ông thời đó rất nghèo, cả xã không có nổi một đài bán dẫn. Ông mạnh dạn đề xuất với xã, xin Cục Chính trị Quân khu IV (lúc đó đóng ở Nam Đàn) một chiếc ra-đi-ô. Có phương tiện trong tay, ông Khoa học cách sử dụng, ngày, đêm học chữ nổi Brai để viết văn bản. Vốn là người nhanh nhẹn, thông minh, hàng ngày, ông xuống các đội sản xuất, các công trường nắm tiến độ sản xuất của bà con về biên tập thành các tin, bài. Tối đến, ông đi các xóm tuyên truyền lưu động để mọi người nắm tình hình thời sự trong nước, quốc tế và kết quả, tiến độ lao động sản xuất trong xã và huyện. Khi thấy hiệu quả, xã bổ sung thêm 6 lao động, từ đó, tổ tuyên truyền của ông mạnh lên, đáp ứng phần nào đời sống tinh thần cho bà con nhân dân.
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đăng Khoa sinh hoạt hàng ngày ở nhà.
Khi đất nước thu về một mối, được sự quan tâm của trên, xã đầu tư cho tổ tuyên truyền một bộ âm ly, loa đài công suất lớn. Từ một đội tuyên truyền lưu động ban đầu, phát triển thành đội văn nghệ quần chúng, đi diễn không chỉ trong xã mà cả huyện, cả tỉnh. Ông Khoa nhớ lại. “Khi hình thành đội văn nghệ, có người hát, người múa nhưng không ai biết đánh đàn. Thế là tôi mượn một số nhạc cụ về tự học, ban ngày một tay ôm con, một tay tập gõ từng nốt nhạc. Khi sử dụng thành thạo đàn ghi ta, tôi lại học tiếp nhạc cụ khác. Sau hơn 1 năm tôi sử dụng thành thạo đàn ghi ta, kèn ác-mô-ni-ca, đàn măng-đô-lin và bộ trống gõ, rồi hướng dẫn cho nhiều người khác sử dụng”. Ban ngày, đội đi tuyên truyền lưu động, tối đến dựng sân khấu biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Đội văn nghệ của ông đã thổi hồn vào các phong trào thi đua sản xuất của xã, huyện thêm sôi nổi như: Tiếng trống Xô viết, An - Ngãi quật khởi, Lam Trà nổi sóng… Tham gia Liên hoan, Hội diễn văn nghệ quần chúng, Đội văn nghệ xã Nam Lĩnh luôn giành giải nhất, được huyện cử đi thi tỉnh cũng giành nhiều giải cao.
Nhờ những thành tích vượt trội như vậy, ông được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng. Nhiều lần cá nhân ông tham gia thi tiếng hát thương binh toàn quốc đều đoạt huy chương Vàng. Ông tâm sự: “Mình là người dân quê Bác, được đệm đàn và hát lên những khúc ca về Người còn có niềm vui sướng nào hơn. Cứ mỗi lần biểu diễn, dòng cảm xúc lại trào dâng đã dẫn nhịp cho điệu kèn, nhịp đàn và nhịp trống... thêm say”.
Năm 1993 đến 1998, ông Khoa sang làm ở Hội người mù huyện Nam Đàn, rồi Hội Người mù tỉnh Nghệ An. Ông Khoa đã vận động được rất nhiều cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ vật chất giúp các hội viên có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Nhiều năm liền, ông được mời đi nói chuyện truyền thống và kể chuyện tấm gương Bác Hồ cho học sinh trên địa bàn. Tham gia thi tìm hiểu, kể chuyện về Bác Hồ, ông luôn đoạt giải cao.
Chúng tôi băn khoăn hỏi, ông không đọc được chữ vậy lấy thông tin ở đâu?. Ông Khoa cười hiền chỉ vào chiếc ra-đi-ô trong túi. Ông nói: Hơn 45 năm qua, đây là người bạn thân thiết. Tôi nghe giọng là biết tên phát thanh viên. Những kiến thức ông tích lũy chủ yếu được tiếp nhận qua các phương tiện truyền thông, “Một ngày tôi không nghe, không đọc, không viết là tụt hậu một ngày. Đã mất đi nguồn ánh sáng thì phải vận dụng tối đa nguồn âm thanh để tiếp nhận và khám phá thế giới bên ngoài. Còn tham gia dự các cuộc thi tìm hiểu, tôi đọc câu trả lời nhờ người khác chép hộ - ông Khoa giải bày.
Đến người thầy giáo trường làng
Cơ duyên trở thành thầy giáo làng cũng lạ: Một lần, ông Khoa sang nhà hàng xóm uống nước chè xanh, vô tình nghe được hai đứa trẻ đang trao đổi với nhau về một bài toán hình học. Chúng tranh luận mãi nhưng không đứa nào chịu thua, bất chợt những kiến thức hình học lóe sáng trong đầu. Ông nói các cháu vẽ hình ra giữa sân và giảng giải cho chúng. Thấy đáp án đúng, bọn trẻ trố mắt nhìn, không thể ngờ được cách giải và đáp số của ông Khoa hoàn toàn khớp trong sách giáo khoa. Từ đó, hễ gặp bài toán khó, lũ trẻ lại tìm đến nhà ông nhờ giảng giải. Học trò tìm đến ngày một đông, trong đầu ông Khoa bắt đầu hình thành ý tưởng tập hợp các em thành một lớp để tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho việc giảng bài.
Lúc đầu, các thành viên trong gia đình tỏ ra ái ngại, nhưng trước quyết tâm của ông và nhận thấy đó là một phần niềm vui, hạnh phúc tuổi già, về sau tất cả mọi người đều ủng hộ. Thấy lớp học có hiệu quả, xã Nam Lĩnh mua tặng ông 6 bộ bàn ghế, rồi Phòng Giáo dục tặng ông một bảng viết. Nói về bí quyết giảng bài, ông Khoa chia sẻ: “Ở mỗi lớp, tôi chọn một học trò khá nhất làm trợ giảng. Em đó có nhiệm vụ đọc đề và giúp ông viết công thức và vẽ hình. Sau khi nghe đọc đề, trong đầu ông lập tức định hình phương pháp và cách tiếp cận để tìm ra cách giải nhanh nhất. "Những kiến thức toán học, đặc biệt là hình học được học ngày xưa tôi còn nhớ khá rõ. Khi nghe xong đề bài, tôi tưởng tượng trong đầu về các góc, các cạnh, rồi huy động các công thức liên quan để tìm cách giải quyết hợp lý nhất" - ông Khoa cho biết thêm:
Qua tìm hiểu, hơn 10 năm ông Khoa đã mở được khá nhiều lớp học tại gia (mỗi lớp trên dưới 20 em, chủ yếu là bậc THCS), hơn 200 em nhỏ xã Nam Lĩnh được củng cố kiến thức. Trong đó, có 7 em đã bước vào giảng đường đại học, như: em Nguyễn Thị Thanh có hoàn cảnh éo le, bố mẹ ly hôn ở Đắk Lắk, em phải chuyển về quê sinh sống với cậu ruột. Được ông Khoa kèm cặp, em Thanh nỗ lực vươn lên trong học tập, thi đỗ vào Khoa Tài nguyên - Môi trường của Trường Đại học Huế, nay đã đi làm. Hay như em Nguyễn Minh Châu 3 lần phải phẫu thuật sứt môi - hở hàm ếch nhưng được ông Khoa động viên, em vẫn cố gắng bám lớp và học tập tốt. Nay Châu đã tốt nghiệp THPT và đã có việc làm ổn định. Điều đáng nói các lớp học của ông Khoa hoàn toàn miễn phí. Không chỉ hướng dẫn kiến thức về hình học, ông Khoa còn nắm vững kiến thức về lịch sử, văn hóa và xã hội.
Gia đình ông Khoa có 3 người con, nay đã có gia đình riêng. Các con đều thành đạt, công việc làm ổn định, các cháu chăm ngoan, học giỏi. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện và tỉnh.
Chúng tôi nhìn lên căn nhà gỗ treo san sát nhiều Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen mang tên Nguyễn Đăng Khoa, như: Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương đoạt giải Đặc biệt cuộc thi “Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Nghệ An... mà thầm cảm phục ông.
Chúng tôi chia tay người thương binh Nguyễn Đăng Khoa khi nắng đã xế chiều, trong lòng chộn rộn niềm vui. Ông như một bông hoa đẹp giữa đời thường. Chiến tranh cướp đi đôi mắt của ông nhưng nghị lực, ý chí và khát khao cống hiến luôn thôi thúc ông vượt lên nghịch cảnh, với tinh thần "thương binh tàn nhưng không phế"./.
Lê Tường Hiếu