Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với bộ đội công binh
Từ rất sớm, khi Quân đội nhân dân Việt Nam chưa được thành lập, Người đã viết một số cuốn sách về du kích và chiến thuật du kích làm tài liệu huấn luyện cán bộ, xây dựng các lực lượng vũ trang Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong đó nổi bật là cuốn sách Chiến thuật du kích, Quyển II được Tổng bộ Việt Minh xuất bản năm 1942. Với tư duy quân sự sắc bén, Người chỉ dẫn cách nhận diện lực lượng công binh của địch: “Công binh: Lính này mang các khí cụ như cuốc xẻng để làm việc. Trong đội lính này gồm có: Đội bắc cầu, đội thông tin, đội địa lôi, đội đường sắt. Huy hiệu ở cổ áo màu nâu (lính Nhật - Tàu: màu trắng)” (1); đồng thời, Người chỉ ra tổ chức biên chế của địch: “Công binh cũng biên chế giống như bộ binh”(2).
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nhất là sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Người tập trung nghiên cứu về các hình thái chiến tranh mới của đế quốc, trong bài Lục quân ngày nay với các thứ binh khí, Người nhận định: “Đặc điểm của chiến tranh ngày nay là đánh thật nhanh để kết thúc những trận đánh trong một thời gian ngắn... Nhưng chỉ nhờ ở phi cơ đi ném bom hay dùng đại bác bắn phá không thể chiếm được thắng lợi trên mặt trận mà cần phải chú trọng đến lục quân. Dù đánh chớp nhoáng, dù đánh lâu dài, dù giữ thế công hay thế thủ, bao giờ cũng cần đến lục quân. Vì vậy, về quốc phòng, không thể không tổ chức lục quân được. Trong lục quân, người ta thường chia ra bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh, chí trọng binh. Mỗi thứ binh ngũ ấy đều có binh khí riêng”(3). Đối với lực lượng công binh, Người nhận thấy có sự biến đổi đáng kể cả trang bị (hiện đại hơn, cơ động hơn) và nhiệm vụ đảm nhiệm so với trước đây cũng lớn hơn, nhất là trong chiến tranh hiện đại: “Nói đến công binh, có người cho là những người lính vác cuốc xẻng đi đào hào, đắp ụ, bắc cầu, xây cống. Đó là những công binh về thời trước. Còn công binh ngày nay phải hiểu biết những kỹ thuật về chiến tranh, phải là những đội quân cơ giới hoá biết dùng máy móc chạy bằng điện để kiến thiết trận địa, đào đường hầm, phá huỷ những chướng ngại vật trên cạn, dưới nước. Ngoài ra, công binh còn phải bắc dây điện tín, điện thoại, đặt máy vô tuyến điện, đặt đường sắt, bắc cầu qua sông...(4). Đây chính là dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, đồng thời đã đề cao vai trò của công binh trong loại hình chiến tranh này.
Nhận thức được tầm quan trọng của lực lượng công binh, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng, trong đó có việc thành lập Công chính giao thông Cục - tiền thân của Bộ Tư lệnh Công binh ngày nay. Sắc lệnh nêu rõ: Công chính giao thông Cục có nhiệm vụ tổ chức và thi hành việc vận tải, thông tin, vẽ bản đồ và tổ chức công binh dùng vào việc chuyên môn: cầu cống, đường sá, máy móc... Sau khi ra đời, lực lượng công binh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, gian khổ, thực hiện từ nhiệm vụ đánh phá giao thông, đánh công đồn đến các nhiệm vụ làm đường, bắc cầu, xây dựng sân bay, bến cảng, xây dựng các công trình phòng thủ... Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quy mô lực lượng công binh mới ở cấp đại đội, tiểu đoàn; toàn quân mới chỉ có một trung đoàn công binh chủ lực với trang bị thô sơ, nhưng đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội, như: Biên giới, Hoà Bình, Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong những chiến dịch ấy, thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Hòa Bình tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây chính cuộc tập dượt cho chiến dịch Điện Biên Phủ; vì vậy, trong Thư gửi ban chỉ huy và các chiến sĩ mặt trận Hòa Bình, đăng Báo Cứu quốc, số 2024, ngày 29-2-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công, nhưng bộ đội phải luôn luôn cố gắng thi đua giết giặc lập công và ra sức học tập chỉnh huấn, đồng bào phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất hơn nữa để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa”(5). Đặc biệt, sau thắng lợi này, trong thư khen thưởng các đơn vị bộ đội chiến thắng, Báo Cứu quốc, số 2075, ngày 12-5-1952, Người viết: “Nhân những thành tích của các chú trong chiến dịch Hòa Bình và nhân ngày tết Lao động quốc tế ngày 1-5, Bác rất vui lòng thay mặt Chính phủ thưởng các chú một lá cờ danh dự. Bác cho phép các chú chọn một thành tích to nhất trong chiến dịch Hòa Bình mà thêu vào lá cờ và từ nay về sau trong mọi chiến dịch mới, cứ chọn trận thắng lợi to nhất của các chú mà thêu thêm vào. Mong các chú luôn luôn cố gắng học tập, tiến bộ và thắng trận, để xứng đáng với danh dự vẻ vang này” (6) (Nhân dịp Ngày Quốc tế lao động 1-5-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng cho các đơn vị: Tiểu đoàn 387, Đại đội 313, Đại đội 314 thuộc Đại đoàn X; các đại đội 270, 755, 756, 752 thuộc Đại đoàn Y, đại đội công binh Đại đoàn Z một cờ thưởng danh dự và một thiếp khen với nội dung trên). Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng bộ đội công binh lá cờ thêu bốn chữ vàng: “Mở đường thắng lợi”. Từ đây, “Mở đường thắng lợi” trở thành truyền thống vẻ vang của bộ đội công binh Việt Nam.
Ngay sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07/5/1954; dân tộc ta lại bước vào thử thách cam go trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, mặc dù tuổi cao, sức bắt đầu yếu nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành tình cảm đặc biệt cho bộ đội công binh. Trong bài nói chuyện với đơn vị Công binh Quân khu 3, vào ngày 21-1-1966 (mồng 1 Tết Nguyên đán năm Bính Ngọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện với Tiểu đoàn 27 bộ đội công binh, Quân khu 3, Người chúc mừng năm mới và khen ngợi những thành tích của bộ đội công binh: “Nhân dịp năm mới, Bác và đồng chí Tố Hữu, Thiếu tướng Hoàng Sâm đến chúc các chú vui vẻ, mạnh khoẻ, tiến bộ, thu được nhiều thắng lợi mới. Trong năm qua, các đơn vị công binh đã lập được nhiều thành tích trong việc phục vụ chiến đấu và giao thông vận tải, bảo đảm cầu đường, làm trận địa cho các đơn vị phòng không, gỡ bom nổ chậm, trong việc xây dựng các công trình quốc phòng, bắn máy bay Mỹ. Các công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cũng có nhiều tiến bộ. Công binh đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vượt mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ, phục vụ chiến đấu kịp thời, góp phần vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác vui lòng khen ngợi các cán bộ và chiến sĩ công binh” (7). Đây chính là sự ghi nhận của Người đối với những thành tích mới của bộ đội công binh; đồng thời là sự tiếp nối truyền thống dưới lá cờ vẻ vang “Mở đường thắng lợi” năm xưa Bác đã trao tặng.
Để phát huy truyền thống đó, cùng với toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang khác thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, Người đã căn dặn và động viên cán bộ, chiến sĩ công binh: “Nhưng các chú chớ tự mãn với những thành tích đó, mà phải cố gắng hơn nữa để đạt thành tích lớn hơn nữa. Hiện nay, đế quốc Mỹ và tay sai đang mưu mô tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam và đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta. Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Để đánh bại âm mưu thâm độc của địch, như tất cả các lực lượng vũ trang nhân dân khác, các đơn vị công binh cũng phải dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết vượt mọi khó khăn, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, kiên quyết tiến lên giành nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa (8).
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang đó, một mặt, Người kêu gọi cán binh đoàn kết, đoàn kết với đơn vị bạn và đoàn kết quân với dân: “Các chú cần đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Đoàn kết giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa các đơn vị bạn, giữa quân đội và các cơ quan khác như dân quân, giao thông vận tải, thanh niên xung phong, giữa quân đội và nhân dân”(9). Mặt khác, Người căn dặn bộ đội công binh phải giữ tốt, dùng bền; phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống: “Các chú cần giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, xe cộ; cần tiết kiệm đạn dược, xăng dầu; cần quý trọng sức của, sức người của nhân dân. Báo cáo và xin chỉ thị phải kịp thời. Cần luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”(10).
Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn 17, Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật. (Ảnh: qdnd.vn)
Lữ đoàn công binh 543, Quân khu 2 phất cao cờ truyền thống “Mở đường thắng lợi”
Là đơn vị công binh hỗn hợp của Quân khu 2, Lữ đoàn 543 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng công trình quốc phòng; rà phá vật cản; làm đường tuần tra biên giới; phòng, chống lụt bão; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ khi có mệnh lệnh trên giao. Biên chế của Lữ đoàn chủ yếu là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; tính chất nhiệm vụ đa dạng, phức tạp, khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao, hoạt động phân tán. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ cơ bản là ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc biệt khó khăn; địa hình hiểm trở mang yếu tố đặc thù về chiến thuật và chiến lược quân sự cao; điều kiện ăn, ở, hoạt động chủ yếu là lán trại tạm dã ngoại phải bảo đảm yếu tố bí mật quân sự, hoạt động không chỉ trên địa bàn 9 tỉnh của Quân khu 2 mà còn làm nhiệm vụ tham gia rà phá bom mìn, vật nổ thuộc Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh” tại xã Phước Mỹ - thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định và tham gia xây dựng các công trình chiến đấu tại Trung tâm huấn luyện Miếu Môn thuộc Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu… Khắc ghi lời Bác dạy, với quyết tâm chính trị cao, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 788-CT/QUTW 26-12-2013 về Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, nhiệm vụ nào Lữ đoàn cũng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc, cụ thể:
Một là, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng công trình quốc phòng
Các cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, của Bộ Quốc phòng về xây dựng công trình, Chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu và chỉ huy Lữ đoàn về nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu. Kết quả xây dựng công trình đường hầm bằng ngân sách quốc phòng và ngân sách địa phương những năm qua đạt hiệu quả thiết thực, 100% các công trình đều hoàn thành, chất lượng tốt, an toàn, bí mật, bàn giao đúng thời gian và được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu đánh giá cao.
Hai là, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn
Những năm qua tình hình thời tiết trên địa bàn Quân khu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn coi nhiệm vụ phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy Lữ đoàn, chỉ huy Lữ đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm chắc diễn biến tình hình của thời tiết, dự kiến những tình huống xấu có thể xảy ra để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn sát với nhiệm vụ; duy trì lượng dự trữ, chú trọng huấn luyện bổ sung, luyện tập các phương án và diễn tập theo các tình huống giả định. Do đó, đơn vị luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đặc biệt, quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn bảo đảm an toàn về người, phương tiện...
Với những thành tích trên, sau 5 năm thực hiện phong trào thi đua quyết thắng, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng, Quân khu, Uỷ ban nhân dân các tỉnh trên địa bàn Quân khu tặng nhiều phần thưởng cao quý. Kết quả đó là động lực to lớn để Lữ đoàn hoàn thành hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ những năm tiếp theo; xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và sự tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn Quân khu.
-------------------------------
(1) (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.298; tr.299.
(3) (4) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, tr.337; tr.339.
(5) (7) Sđd,Hồ Chí Minh, Toàn tập,Tập 7, tr.331-332; tr.401.
(8) (9) (10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, tr.29-30; tr.30t; tr.30.
Trung tá Hà Sơn Thái