Học và làm theo Bác về phát triển hạ tầng giao thông

Khởi công xây dựng tuyến đường Phú Linh – Linh Hồ (Vị Xuyên).

Những năm qua, tuy nguồn vốn còn hạn hẹp nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hà Giang tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, nhiều điểm nghẽn về giao thông được xử lý cơ bản như Quốc lộ 279, 4C, 34, đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, đường Xín Mần - Bắc Hà… Quốc lộ II được nâng cấp đồng bộ đạt cấp III mặt thảm bê tông nhựa; Quốc lộ 4C, 34 và 279 được bảo trì sửa chữa mặt đường rộng 5 - 5,5 m. Các tuyến đường ra cửa khẩu, đường liên kết vùng đã từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp như đường ra cửa khẩu Xín Mần - Đô Long, đường liên kết vùng Ngọc Đường - Tùng Bá - Thái An. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 1.790 km đường giao thông nông thôn; cải tạo, xây mới 2.590 cầu, cống dân sinh. Hiện, ngành Giao thông – Vận tải tích cực hoàn thành các thủ tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ đưa vào quy hoạch tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Hà  Nội - Lào Cai và tuyến cao tốc Cửa khẩu Thanh Thủy - Tuyên Quang để triển khai thực hiện... Đó là những kết quả cho thấy sự chuyển biến tích cực về lượng và chất của kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần trực tiếp vào việc làm giảm giá thành vận tải, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, để so sánh, đánh giá thì thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Hà Giang so với mặt bằng chung của cả nước còn rất kém về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, đó là rào cản lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế.

Triển khai đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu cơ bản: Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc lập và phê duyệt quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; hoàn thành tích hợp Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ vào quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, có tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Cùng với khai thác hiệu quả mạng lưới đường giao thông đã có, tiếp tục đầu tư, nâng cấp xây dựng các tuyến đường quan trọng trên địa bàn tỉnh là cơ bản nối thông tuyến Quốc lộ 4 trên địa bàn tỉnh; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, đường từ Tp Hà Giang đi xã Phú Linh, Linh Hồ; cầu Phương Tiến và đường nối cầu Phương Tiến (Vị Xuyên) đến Quốc lộ 4C; phối hợp lập các thủ tục, thúc đẩy đầu tư xây dựng tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Hà  Nội - Lào Cai; nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu, đường tuần tra biên giới; quản lý, bảo trì đường bộ đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa và đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng, tuân thủ quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng giao thông đô thị theo hướng hiện đại, thuận tiện. Duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn; phấn đấu hoàn thành 100% thôn biên giới có đường giao thông đến trung tâm đạt chuẩn Nông thôn mới; hoàn thành toàn bộ 186 cầu dân sinh thuộc Chương trình Quản lý tài sản đường địa phương...

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển hạ tầng giao thông với những mục tiêu trên, ngành Giao thông - Vận tải đã đề ra nhiều giải pháp tham mưu với tỉnh, trong đó trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ở tất cả các cấp ngân sách; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong việc phát triển hạ tầng giao thông; sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thu hút mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; phối hợp để các địa phương tham gia mạnh mẽ vào huy động các nguồn lực; tiếp tục hỗ trợ xi măng, kinh phí đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Và để có hệ thống hạ tầng giao thông chất lượng, thực sự là ”mạch máu” cho sự phát triển, một trong những giải pháp quan trọng được ngành Giao thông tham mưu đề xuất với tỉnh đó là đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Theo http://baohagiang.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website