Đồng bào các dân tộc thiểu số học và làm theo Bác

Nghệ nhân ưu tú Lê Đại Năm (áo nâu), xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo truyền dạy chữ viết và văn hóa dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân ưu tú Lê Đại Năm, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo là một trong số ít người có uy tín hiểu rõ những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Đạo Trù hiện nay.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang nằm giữa trung tâm xã Đạo Trù, những tấm bằng khen được treo, bày chật kín, nghệ nhân Lê Đại Năm chia sẻ với chúng tôi về quan niệm sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh của ông.

Xã Đạo Trù có hơn 90% là đồng bào dân tộc Sán Dìu, tuy nhiên, những năm gần đây, một số loại hình nghệ thuật, nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc có nguy cơ bị mai một, nhất là làn điệu Soọng cô - một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Sán Dìu. Điều này khiến ông Năm và những bậc cao niên trong làng rất trăn trở.

Nghĩ là làm, ông Năm cất công đến tận nhà từng bậc cao niên, già làng để hỏi han, sưu tầm những làn điệu Soọng cô truyền thống, rồi ông cẩn thận chép lại thành từng bài, làm tư liệu truyền dạy cho các con, cháu trong làng. Ông còn sáng tác hàng trăm bài hát Soọng cô lời mới ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu…

Để duy trì và phát triển làn điệu Soọng cô đặc sắc, năm 2010, ông Năm thành lập CLB Tiếng hát Soọng cô chợ tình xã Đạo Trù với 35 hội viên.

Hằng tháng, các thành viên CLB gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong nuôi dạy con cháu, cùng hát vang những bài hát Soọng cô, tạo sự gắn kết giữa các thành viên, thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật.

Trong 10 năm qua, CLB tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện, của tỉnh, giao lưu với các CLB hát Soọng cô trong và ngoài tỉnh.

Để truyền dạy làn điệu Soọng cô cho thế hệ trẻ, ông Năm đã mở các lớp dạy hát Soọng cô, dạy viết chữ Sán Dìu cho các cháu thiếu niên trong thôn, trong xã. Các lớp học của ông đều được miễn phí, tổ chức vào cuối tuần hoặc dịp nghỉ hè.

Chỉ cho tôi tủ sách với hàng ngàn đầu sách về văn hóa đồng bào dân tộc Sán Dìu, chữ viết, ngôn ngữ Sán Dìu, những bài hát Soọng cô truyền thống, lời mới… được xếp ngăn nắp, ông Năm chia sẻ:

Trước đây, tư liệu về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Sán Dìu rất ít. Bởi vậy, việc truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết cho các cháu rất khó khăn.

Đây đều là những cuốn sách do tự tay tôi nghiên cứu, sưu tầm, chép lại và in ra để tặng cho các cháu hoặc bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu, học tiếng Sán Dìu. Để có được những tư liệu quý báu ấy, ông phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu, lặn lội đi nhiều nơi để thu thập tư liệu.

Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 2015, ông Năm được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú, đồng thời thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển văn hóa Sán Dìu Việt Nam do ông Lê Đại Năm làm Trưởng ban. Trung tâm hiện có hơn 10 nghìn thành viên tham gia.

Đối với hơn 300 hộ dân ở Tổ dân phố (TDP) Bảo Phác, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo, từ nhiều năm nay, đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP Lưu Thái Sơn, dân tộc Sán Dìu giống như người thân trong gia đình.

Không chỉ nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ gia đình trong thôn, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tuyên truyền người dân tích cực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, bất cứ nhà ai có việc hiếu, việc hỷ, ông Lưu Thái Sơn đều có mặt cùng gia đình lo toan, quán xuyến.

TDP Bảo Phác có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu, tuy nhiên, nhờ sự năng động, tâm huyết của ông Lưu Thái Sơn, những năm gần đây, Bảo Phác luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.

3 năm gần đây, Bảo Phác có nhiều dự án lớn đi qua với diện tích cần giải phóng lớn như: dự án đường vành đai phía Đông, dự án bãi xử lý rác thải của thị trấn Hợp Châu… Ban đầu, một số hộ dân do chưa hiểu rõ về những lợi ích dự án mang lại cho người dân nên chưa đồng tình, ủng hộ, nhiều hộ kiên quyết không nhận đền bù.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông Sơn nhiều lần cùng những người có uy tín trong đồng bào dân tộc đến từng nhà để vận động, tuyên truyền.

Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, ông Sơn bàn giao 100m2 đất ruộng cho nhà thầu, từ đó nhiều hộ dân học tập, làm theo. Đến nay, các dự án đi qua TDP cơ bản đã giải phóng mặt bằng xong, không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.

Để vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất nâng cao thu nhập, đời sống cho gia đình, ông Lưu Thái Sơn cho rằng “trăm lời nói hay không bằng một hành động”, tận dụng diện tích đất đồi của gia đình, ông đầu tư chuồng trại, mua con giống phát triển trang trại nuôi gà thịt. Trang trại của ông lúc nào cũng duy trì từ 1.000-1.500 gà thịt, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Theo http://baovinhphuc.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website