Sự chỉ đạo tài tình, phương pháp làm việc khoa học, hợp tình, hợp lý của Người là nhân tố quan trọng nhất mang đến thành công cho các đại hội, hội nghị mà Người chủ trì; để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong phương pháp tổ chức, điều hành đại hội, hội nghị...
Đảng phải hiệu triệu được các tầng lớp nhân dân trong nước và ở nước ngoài
Đồng chí Nguyễn Thiệu, cán bộ lão thành cách mạng, một trong những đại biểu tham dự Hội nghị thành lập Đảng, trong hồi ký của mình đã đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với hội nghị này. Theo đồng chí, đến đầu năm 1930, những người cộng sản Việt Nam đã nhận thức rõ cần phải hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng cộng sản thống nhất để lãnh đạo cách mạng, nhưng hội nghị hợp nhất giữa An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng đã tiến hành không thành công. Hai bên vẫn công kích lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Đúng lúc đó thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Hương Cảng (Trung Quốc), thay mặt Quốc tế Cộng sản, gửi thư triệu tập đại diện các tổ chức cộng sản bàn việc hợp nhất.
Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội lần thứ III của Đảng. Ảnh tư liệu
Tại Hội nghị này, đại biểu hai tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng đều muốn đồng chí Nguyễn Ái Quốc đóng vai “quan tòa” phán quyết đúng, sai của hai tổ chức đảng trong thời gian qua. Rất khéo léo, đồng chí Nguyễn Ái Quốc gạt đi và cho rằng: Thực ra, nhóm nào cũng có cái đúng, cái sai nhưng thời giờ và công tác cách mạng không cho phép chúng ta ngồi chỉ trích lẫn nhau, mục đích cuộc họp này là hợp nhất tất cả tổ chức cộng sản trong nước và nước ngoài thành một Đảng Cộng sản thống nhất; nếu các đại biểu đều tán thành như thế thì hãy xếp xích mích lại để bàn chuyện phải làm hiện nay và tương lai.
Thế là vấn đề nan giải đầu tiên được giải quyết. Nhưng khi bàn về việc hợp nhất, lại nảy sinh tranh cãi dữ dội giữa hai tổ chức đảng. Ví như chính đảng mới sẽ mang tên gì, ai sáp nhập vào ai, hay là hỗn hợp của hai tổ chức, những ai là đảng viên của đảng hợp nhất... Đồng chí Nguyễn Ái Quốc lại nhẹ nhàng phân tích, rồi đưa ra phương án tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Về đảng viên, không chỉ đảng viên của hai tổ chức hợp nhất, mà đảng viên của nhóm cộng sản còn lại, cũng như những người tình nguyện chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản, tán thành điều lệ, chính cương, sách lược của Đảng đều được xem xét kết nạp; cũng không phải lo ngại quá về những phần tử phức tạp chui vào Đảng, vì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng đấu tranh, công cuộc đấu tranh chẳng khác nào một cái sàng gạo, hạt gạo xấu và sạn cát sẽ dần dần lọt xuống hết, cuối cùng chỉ còn những hạt gạo tốt... Thế là một vấn đề gay go nữa được giải quyết. Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu dự hội nghị đều cảm thấy vui sướng đến không ngủ được, vì những vấn đề to lớn của Đảng, của cách mạng Việt Nam đã được giải quyết một cách thấu đáo.
Các ngày làm việc tiếp theo đã diễn ra trong không khí thân ái, đoàn kết. Sau khi thông qua Điều lệ, Chính cương, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, các đại biểu đều cho rằng, văn kiện quan trọng nhất là Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây sẽ là văn kiện thay cho bản tuyên ngôn thành lập Đảng. Yêu cầu đặt ra đối với lời kêu gọi là phải hiệu triệu được các tầng lớp nhân dân và cũng phải hiệu triệu được các tổ chức cách mạng, nhân vật cách mạng trong nước và nước ngoài. Cả hội nghị đều nhất trí rằng, chỉ có đồng chí Nguyễn Ái Quốc là xứng đáng đảm đương nhiệm vụ quan trọng này.
“Báo cáo cho đại hội thì có dàn bài là được”
Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại hội II của Đảng năm 1951 là một sự kiện lịch sử trọng đại. Đây là đại hội đầu tiên diễn ra trên đất nước ta, đại hội đưa Đảng ta ra hoạt động công khai với cái tên mới: Đảng Lao động Việt Nam. Trung ương Đảng phân công Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị báo cáo quân sự trình đại hội. Nhưng trong suốt thời gian chuẩn bị đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi chỉ huy Chiến dịch Trung du. Từ mặt trận, Đại tướng biên thư về trình bày với Bác rằng không có thời gian để viết báo cáo đầy đủ. Bác điện trả lời: “Cứ chuyên tâm đánh giặc, báo cáo cho đại hội thì có dàn bài là được, sau sẽ thêm”.
Từ mặt trận về dự đại hội, đồng chí Võ Nguyên Giáp gấp rút hoàn chỉnh báo cáo quân sự. Trước khi báo cáo chính thức trước đại hội, Trung ương họp mở rộng bàn về quân sự với sự chủ tọa của Bác và đồng chí Trường Chinh. Sau báo cáo trung tâm của Đại tướng, Tổng Tư lệnh; các liên khu Việt Bắc, 3, 4, 5 và Nam Bộ lần lượt phát biểu, nêu lên rất nhiều khó khăn. Bác nói: Bộ đội ta ngày nay cũng như chú bé Phù Đổng ngày xưa. Từ chỗ chỉ là một hài nhi đang nằm trong nôi, đột nhiên lớn vụt, vì vậy mà thiếu áo, thiếu quần, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu khác, có thể thiếu vợ nữa... Những khó khăn này lớn thật, nhưng chỉ là những khó khăn vì trưởng thành. Chú thần đồng bộ đội ta sẽ có khả năng hoạt động và có rất nhiều triển vọng, tiền đồ sẽ rất rực rỡ.
Chiều 14-02-1951, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo quân sự tại đại hội. Báo cáo kiểm điểm quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh vũ trang; tình hình chiến trường; những vấn đề xây dựng quân đội... Mang tinh thần của các chiến sĩ từ mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày báo cáo với sự hưng phấn cao độ, ý chí quyết chiến đấu vì độc lập, tự do. Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt trong đại hội. Lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày xong, đồng chí Hoàng Quốc Việt, người phụ trách công tác dân vận của Đảng, xúc động chạy tới ôm hôn Đại tướng, nước mắt chảy ròng. Bác thấy vậy, nói vui: “Đó là quân dân nhất trí”. Những tràng pháo tay lại tiếp tục vang lên. Báo cáo được đại hội nhất trí thông qua và ra nghị quyết về quân sự, khẳng định đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.
Ba nội dung trọng tâm
Theo đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng thì trong lịch sử Đảng ta, Bác đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành hội nghị thành lập Đảng và hai đại hội là Đại hội II (năm 1951) và Đại hội III của Đảng (năm 1960). Bên cạnh đó, Bác cũng trực tiếp chỉ đạo, điều hành nhiều hội nghị có tầm cỡ đại hội. Trong tất cả hội nghị, đại hội đó, Bác Hồ đều tổ chức chuẩn bị và tiến hành theo một nền nếp khoa học và dân chủ, với 3 nội dung trọng tâm: Một là xác định chủ đề trung tâm; hai là phân công người soạn thảo văn kiện; ba là thảo luận đầy đủ, quan tâm ý kiến của mọi người.
Điều đặc biệt là Bác không bao giờ bao biện công việc mà phân công một số đồng chí Trung ương cùng làm. Như chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội II của Đảng, cùng với Bác có đồng chí Trường Chinh và Lê Văn Lương. Dự thảo Báo cáo chính trị do Người soạn thảo ngắn gọn mà đầy đủ, văn phong giản dị nhưng chính xác, đủ rõ những vấn đề cần thiết. Chủ đề trung tâm của đại hội do đồng chí Trường Chinh soạn thảo, Thường vụ Trung ương dân chủ thảo luận trước khi thông qua tại đại hội. Còn Đại hội III của Đảng, tình hình cách mạng cực kỳ phức tạp, Bộ Chính trị phải làm việc chu đáo, cặn kẽ khi thảo luận nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta. Bác đã chỉ đạo và điều hành tất cả các cuộc thảo luận và chỉ phát biểu những điều cần thiết. Đây là việc không hề đơn giản nhưng Người đã không để lọt bất cứ vấn đề, ý tưởng lớn nào.
Đại hội III của Đảng đã thông qua quyết định lớn là thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước; xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc - dân chủ ở miền Nam. Hai miền có nhiệm vụ chung, bao trùm là đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp, thành công của Đại hội III của Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên. Với tư duy độc lập, chủ động, cách làm việc khoa học, dân chủ, những đại hội và hội nghị Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đều thành công tốt đẹp. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực cho chúng ta học tập, làm theo.
PGS, TS. Lê Duy Chương
Theo Báo Nhân Dân điện tử