Chuyện ở nơi Bác Hồ về thăm

Nhớ ngày Bác về thăm...

Bà Đặng Thị Nga, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 15, phường An Tường khoe với chúng tôi: “Đây là bức ảnh năm 1961 khi Bác Hồ về thăm nông trường Sông Lô đấy. Ngồi xung quanh Bác là các cán bộ, công nhân và con em của họ. Đằng kia là bà Đinh Thị Chắt, giờ bà vẫn đang sống và sinh hoạt ở tổ dân phố này. Còn bé gái ngồi trong lòng Bác kia tên là Đông, con một cán bộ của nông trường. Giờ bà đang sống ở huyện Sơn Dương”. Ông Hồ Sỹ Trọng, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 15 nói thêm vào, đây là bức ảnh rất quý mà anh Phạm Xuân Thành là con của vợ chồng bà Nguyễn Thị Cúc, từng là cán bộ nông trường đã tặng cho nhà văn hóa thôn. Bức ảnh là niềm vinh dự, tự hào của tất cả cán bộ, công nhân nông trường, của nhân dân tổ 15 khi được đón Bác về thăm. Đó như “sợi dây” kết nối mọi người dân trong thôn gần lại nhau hơn trong thực hiện các công việc chung của tổ.

Chúng tôi có tìm hỏi anh Thành để nghe anh chia sẻ về mục đích anh tặng bức ảnh đó cho tổ. Anh bảo, vốn sinh ra và lớn lên từ mảnh đất của nông trường. Mẹ anh cũng từng là công nhân làm việc ở đó. Được nghe các ông bà, bố mẹ kể về câu chuyện Bác Hồ về thăm nông trường và câu chuyện những bà, những ông được chụp ảnh với Bác, anh luôn nung nấu ý định, muốn tìm lại được tấm ảnh quý giá ấy. Cơ duyên đã giúp anh tìm thấy bức ảnh trong cuốn “Tuyên Quang hình ảnh lịch sử cách mạng” mượn lại của một đồng chí nguyên là cán bộ Huyện ủy Chiêm Hóa. Anh liền chụp lại bức ảnh và gửi về Hà Nội để phóng to, in ra rồi đóng khung cẩn thận để tặng cho tổ dân phố.

 

Bức ảnh Bác Hồ chụp cùng cán bộ, công nhân, thiếu nhi Nông trường Sông Lô năm 1961

được treo trang trọng tại nhà văn hóa tổ 15.

Theo lời kể của bà Nga, chúng tôi tìm đến nhà bà Đinh Thị Chắt. Ngôi nhà in dấu thời gian nằm dọc trên con ngõ rộng, sạch sẽ. Bà Chắt năm nay bước sang tuổi 80. Nhấp chén trà nóng, bà kể: Năm Bác Hồ đến thăm nông trường, bà chỉ mới là thiếu nữ tuổi đôi mươi, vừa vào nông trường làm được 1 năm. Một buổi trưa những ngày giữa tháng 3/1961, theo như kế hoạch, nông trường tổ chức đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu nhà hành chính của Nông trường Sông Lô (nay là Khu vực Bệnh viện Đa khoa Yên Sơn). Khi mọi công tác chuẩn bị tại khu nhà hành chính đã xong xuôi thì gần trưa Bác đến. Lúc đó, công nhân vừa đi làm về, chuẩn bị đi ăn cơm trưa, thấy Bác ai nấy đều phấn khởi ùa ra đón Bác.

Dáng Bác gày, cao, khuôn mặt hiền lành, vui vẻ, bước chân thoăn thoắt. Cán bộ, công nhân viên đón Bác vào khu nhà hành chính nhưng Bác đi thẳng xuống thăm khu tập thể bếp ăn phúc lợi và khu nhà vệ sinh. Sau đó, bác gặp gỡ các cháu bé con em công nhân của nông trường. Lúc ấy, Bác bế một bé gái con một công nhân nông trường vào lòng... Cuộc gặp gỡ vội vàng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ nhưng bà cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi của Bác qua từng cử chỉ, hành động, lời nói của Bác với mỗi cán bộ, công nhân và thiếu nhi ở nông trường. Bác nói: “Bác mừng cho tất cả các cháu. Bác mong các cháu ra sức làm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, đưa nông trường ngày càng phát triển tiến bộ hơn”.

Gần 60 năm trôi qua, nhưng lần gặp mặt ngắn ngủi ấy luôn là những hồi ức đẹp đối với bà Chắt. Ngẫm lại thời gian ấy, bà Chắt thấy vô cùng vinh dự và may mắn khi lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất được gặp Bác Hồ. Thực hiện lời dặn của Bác, trong suốt 27 năm công tác ở nông trường, bà Chắt đã tích cực tham gia các công tác đoàn thể. Năm 1978, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp tục có thêm những tháng ngày cống hiến cho nông trường. Năm 1985, bà được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng III. 80 năm tuổi đời, 42 năm tuổi đảng, bà Chắt luôn là đảng viên, công dân gương mẫu ở địa phương.

Đồng lòng giữ gìn trật tự văn minh đô thị

Tổ dân phố 15 (trước đây là 2 thôn Sông Lô 5 và 6 sáp nhập) hiện có 211 hộ, 748 nhân khẩu. Những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, người dân trong tổ luôn đoàn kết, chịu khó lao động sản xuất, đặc biệt đã vận động, bảo ban nhau xóa bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông tại địa bàn khu dân cư. 

Bà Đặng Thị Nga, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ tự quản tổ 15 kể, đã khoảng 40 năm nay, ở tổ tồn tại một chợ tự phát. Ngày ngày, người dân ở các nơi về đây tụ tập buôn bán khiến cho tình hình giao thông vô cùng lộn xộn. Đã có không ít các vụ va chạm xảy ra, khiến ngã 3 của tổ trở thành điểm nóng về mất an ninh trật tự và an toàn giao thông. Hơn nữa, quá trình mua bán ý thức người dân chưa tốt. Sau mỗi buổi họp chợ, túi ni lông, hoa quả thối hỏng, rác thải vứt đầy trên đường. Nhiều ngày qua ùn thành từng đống, bốc mùi nồng nặc. Có những thời điểm, cán bộ tổ phải tự huy động xe cải tiến đến để hót và chở rác đi. Đến năm 2018, Ban Công tác Mặt trận tổ được Ủy ban MTTQ phường An Tường lựa chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình tổ tự quản thực hiện bảo vệ môi trường, xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Tổ tự quản được thành lập với 7 thành viên, nòng cốt là hội viên cựu chiến binh và thành viên Ban Công tác Mặt trận. Sau khi thành lập, tổ đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình đời sống, các phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, thực trạng về bảo vệ môi trường ở khu dân cư để xác định điểm xuất phát và các tiêu chí cần đạt của mô hình; tổ chức họp tổ để quán triệt mục đích, yêu cầu và các nội dung công việc cụ thể của tổ tự quản, các biện pháp cần thực hiện để nhân dân thảo luận và ký cam kết thực hiện, nhất là 14 hộ kinh doanh phía ngoài mặt đường cùng với khu họp chợ. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng kế hoạch phân công các thành viên luân phiên tuần tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ kinh doanh tại tổ và ở nơi khác đến không hình thành họp chợ mỗi buổi sáng.

Ông Phạm Minh Ninh, Tổ phó Tổ tự quản vẫn nhớ như in thời gian đầu mới đi vận động. Ông kể: “Khi bị chúng tôi đến nhắc nhở, mấy bà bán hàng ở chợ khó chịu lắm, họ phản ứng rất căng. Nhiều khi họ xổ ra cả tràng những lời nói khiếm nhã. Có hôm về nhà nghĩ lại cũng thấy phiền lòng. Xong, xác định vì lợi ích chung của cộng đồng, chúng tôi phải nín nhịn và kiên trì, khéo léo tìm cách tuyên truyền, vận động để họ hiểu. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần các hộ kinh doanh tại chợ này đã thấy được sự cần thiết phải thay đổi để xây dựng môi trường, đường phố sạch sẽ. Chiều thứ 6 hàng tuần, người dân chủ động quét dọn, vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, đổ rác đúng giờ quy định. Các hộ kinh doanh không còn bày, bán hàng trên vỉa hè, lòng đường; người dân không mở loa quá công suất và thời gian quy định khi có hiếu, hỷ... Những người ở nơi khác cũng không đến ngã 3 này họp chợ nữa”.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một hộ bán hàng ở khu vực chợ tự phát chia sẻ, các bác đều là những người đã lớn tuổi. Nay về hưu, vì việc chung, họ tự nguyện bỏ công sức, thời gian để tham gia hoạt động của tổ tự quản mà không hề có thù lao. Được các bác trong tổ tự quản đến tuyên truyền, vận động, chị tự nguyện ký cam kết từ nay không lấn chiếm vỉa hè để bày bán hàng nữa. Từ ngày tổ tự quản hoạt động, nay nhìn lại đường sá sạch sẽ, giao thông trật tự ổn định hẳn, việc kinh doanh vẫn thuận lợi. Chị thấy cảm phục, trân trọng việc làm của các bác.

Bà Đặng Thị Nga phấn khởi khoe, hiện thành viên của tổ tự quản đã tăng lên 21 người, chia làm 7 nhóm tự quản. Thấy rõ được công sức, lợi ích mà tổ tự quản đem lại, bây giờ người dân rất đồng tình, ủng hộ. Thậm chí, người dân còn tán thành và thống nhất đóng góp kinh phí để hỗ trợ các hoạt động của tổ tự quản. Với gần 4 triệu đồng được hỗ trợ của Ủy ban MTTQ phường và của các gia đình, Tổ tự quản đã may 10 bộ quần áo và băng đeo để phát cho các thành viên ở nhóm tự quản khu vực chợ để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, lắp đặt 1 biển báo để tuyên truyền về nội dung mô hình tự quản tại khu dân cư để nhân dân nắm bắt thực hiện. Đến nay, hình ảnh của các thành viên trong trang phục tổ tự quản, tay đeo băng đỏ xuất hiện mỗi khi thực hiện nhiệm vụ đã trở nên quen thuộc gần gũi với mỗi hộ dân ở khu dân cư này. Vai trò, trách nhiệm của họ cũng từ đó được nâng cao hơn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường An Tường Nguyễn Thị Hoài Phương khẳng định, chỉ từ những việc làm rất nhỏ để thực hiện lời Bác dặn nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ dân phố 15, phường An Tường đã tạo nên kết quả đáng khích lệ. Cách làm của họ đã tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ để nhiều tổ dân phố trên địa bàn phường cùng thực hiện và nhân rộng. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ghi chép: Thu Hương

Theo https://baotuyenquang.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website