Ngày 0/7, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi gìn giữ nhiều kỷ vật quý báu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ”. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.
Biểu dương Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan, ban, ngành, có sáng kiến trong tham mưu, triển khai cuộc thi với nhiều nội dung có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, hình thức thể hiện phong phú, thiết thực; tinh thần hưởng ứng tham gia tích cực và chúc mừng những thành tích xuất sắc của các thiếu nhi đã đạt được qua Cuộc thi, phát biểu tại lễ tổng kết, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết, khi đi thăm triển lãm, xem kỷ yếu về các tác phẩm đoạt giải cao của cuộc thi và qua phần giao lưu, chia sẻ của thiếu nhi tại chương trình, chúng ta cảm nhận được rõ hơn tình cảm sâu sắc, niềm tự hào và kính trọng của thiếu nhi dành cho Bác Hồ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bí thư thứ nhất
Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong trao giải nhất cho các thí sinh.
Với sự đa dạng, sáng tạo trong hình thức thể hiện, các tác phẩm của thiếu nhi đã hòa quyện cùng nhau tạo nên một không gian nghệ thuật với nhiều sắc màu rực rỡ. Ở đó, những câu từ, vần thơ, gam màu tươi đẹp đã khắc họa nên hình ảnh của đàn cháu nhỏ đang quây quần bên Bác Hồ kính yêu.
Thông qua tác phẩm, thiếu nhi không chỉ thể hiện sự hiểu biết, ghi nhớ những điều Bác dạy mà đã làm theo lời Bác bằng những việc hết sức cụ thể trong quá trình học tập, rèn luyện của bản thân. Điều đó tạo nên những cung bậc cảm xúc, lay động tình cảm của biết bao người Việt Nam khi theo dõi quá trình tổ chức cuộc thi.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội nêu cao hơn nữa trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; thường xuyên lắng nghe và quan tâm giải quyết các ý kiến nguyện vọng của trẻ em; người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, giáo dục các em trở thành công dân có tài, có đức, mai này đóng góp cho sự phát triển của đất nước; mong muốn các cháu thiếu nhi một lần nữa ôn lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu gửi cho các em vào Tết Trung thu năm 1952: “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình.../Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng và
Phó Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Đăng Bình trao giải nhì cho các thí sinh.
Đánh dấu kỷ lục cuộc thi có số bài dự thi nhiều nhất từ trước tới nay
Tổng kết cuộc thi, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi thông tin, qua 8 tuần (từ ngày 15/4 đến 10/6), đã có gần 4,5 triệu thiếu nhi tham gia (trong đó có hơn 75 nghìn bài thi viết, hơn 3,7 triệu bài thi vẽ tranh và gần 700 nghìn bài thi trực tuyến), đánh dấu kỷ lục cuộc thi có số bài dự thi nhiều nhất từ trước tới nay do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức.
Bên cạnh đó, 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có thí sinh tham gia dự thi, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ số lượng bài thi trên tổng số thiếu nhi của đơn vị (vượt trên 100%), như: Hải Phòng, Khánh Hoà, Hậu Giang…; lôi cuốn nhiều thiếu nhi ở các khu vực, vùng miền trong nước tham gia, trong đó có nhiều em là thiếu nhi dân tộc, thiếu nhi khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều thí sinh tham gia ở cả ba hình thức và có trường hợp đoạt cả ba giải.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trao giải ba cho các thí sinh.
Không chỉ các em thiếu nhi, cuộc thi còn thu hút sự quan tâm, cổ vũ, động viên và hướng dẫn của các thầy cô giáo, các anh chị phụ trách và các bậc cha mẹ học sinh, tạo cho các em nguồn cảm hứng, sự định hướng để các em phát huy được kiến thức và tài năng của mình thông qua mỗi hình thức dự thi. Đây là thành công rất lớn của cuộc thi này.
Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ” được tập trung đổi mới với hình thức đa dạng, hiện đại, hấp dẫn, phù hợp với thiếu nhi tạo sự quan tâm, yêu thích, hào hứng, cuốn hút thí sinh tham gia. Ba hình thức thi phù hợp cho các nhóm thiếu nhi với những sở thích, năng khiếu và địa bàn khác nhau. Hình thức thi trực tuyến được thiết kế sinh động với 10 địa danh gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bác, giúp thiếu nhi hiểu hơn về những công lao to lớn của Bác; những kiến thức về lịch sử, những lời dạy và sự quan tâm, chăm lo của Bác đối với thiếu nhi đã được các em tìm hiểu, ghi nhớ trong hành trình theo chân Bác ở mỗi địa danh. Hình thức câu hỏi rất đa dạng: thơ, văn, chuyện kể, hình ảnh, clip, bài hát, âm nhạc…
Đánh giá của Hội đồng giám khảo cho thấy, chất lượng các bài dự thi tương đối tốt, thể hiện tâm huyết, tình cảm, sự ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo của thí sinh. Nhiều bài đạt điểm tuyệt đối. Qua các bài dự thi đã tiếp tục khẳng định, lan toả một giá trị đẹp, đó là dù chưa một lần được gặp Bác nhưng với tất cả các em nhỏ, hình ảnh của Bác thật gần gũi và ấm áp, tình yêu thương của Bác với thiếu nhi thật bao la; làm sáng thêm niềm tin và sự kính trọng, biết ơn của thế hệ thiếu nhi Việt Nam hôm nay đối với Bác.
Các tác phẩm dự thi vẽ tranh Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ”
được trưng bày tại lễ tổng kết.
Những thí sinh đặc biệt của Cuộc thi
Giao lưu với các đại biểu tại chương trình, Trần Vũ Long, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Tân Trường I, tỉnh Hải Dương chia sẻ, từ nhỏ, Long đã mắc bệnh “teo cơ tủy” phải ngồi xe lăn, hiện chưa có thuốc chữa nhưng em luôn ghi nhớ và làm theo 5 điều Bác dạy. Không những vậy, Long còn mở không gian đọc sách tại nhà với hơn 5.000 đầu sách để bạn bè cùng trang lứa ở nông thôn có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đọc sách với niềm mong ước không chỉ lan tỏa tình yêu, đam mê đọc sách mà còn giúp các bạn có ý thức ngay từ khi còn nhỏ như lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Long chính là một trong hai thí sinh đoạt giải nhì thi viết bảng Tiểu học.
Hân hoan khi giành giải cao ở cả 3 hình thức thi, đó là giải nhất thi vẽ, giải nhì thi trực tuyến, giải ba thi viết bảng THCS, Nguyễn Châu Phương Trinh, lớp 7A2, trường THCS thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre cho hay, từ nhỏ được anh trai truyền cảm hứng nên Phương Trinh rất yêu quý Bác Hồ và muốn tham gia tất cả các hình thức của cuộc thi như một cách bày tỏ tình cảm của mình đối với Bác.
Trần Vũ Long và Nguyễn Châu Phương Trinh giao lưu với các đại biểu tại chương trình.
Căn cứ Thể lệ cuộc thi, Ban Tổ chức đã quyết định trao 240 giải thưởng tuần cho các thí sinh; trao giải chung kết theo 2 bảng cho cả 3 hình thức thi. Mỗi hình thức thi (thi vẽ tranh, thi viết và thi trực tuyến) sẽ có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích dành cho mỗi bảng. Cụ thể là có 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 24 giải khuyến khích.
Giải thưởng gồm: tiền thưởng (tổng giá trị trên 150 triệu đồng), phiếu mua sách của Nhà xuất bản Kim Đồng (tổng trị giá trên 180 triệu đồng), các ấn phẩm của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng...
Các thí sinh đoạt giải thưởng cao nhất của từng phần thi đồng thời sẽ được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn và được tham gia hành trình các di tích, địa chỉ đỏ tại Thủ đô Hà Nội (Khu di tích K9 - Đá Chông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong 2 ngày 04-05/7.
Ngoài các giải thưởng cá nhân, Ban tổ chức cũng trao 2 giải tập thể dành cho Đoàn cấp tỉnh có số lượng thiếu nhi tham gia thi nhiều nhất (Hải Phòng) và Đoàn cấp tỉnh có tỷ lệ thiếu nhi của tỉnh tham gia đông nhất (Khánh Hòa). Mỗi giải gồm Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn và 10 triệu đồng.
Minh Châu