Một là, con người mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là những con người gắn liền với các quá trình cách mạng Việt Nam. Con người mới hình thành và phát triển cùng với cách mạng Việt Nam, đồng thời lại là lực lượng làm nên cuộc cách mạng ấy. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Phải triệt để tảy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng" .
Như vậy, con người mới, một mặt khắc phục được những hạn chế của con người do xã hội cũ gây ra; mặt khác có thêm những đặc điểm mới tiến bộ do quá trình cách mạng đem lại và sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa mới có ý nghĩa to lớn đối với việc hình thành những con người mới. Điều này được thể hiện nổi bật trong quá trình kiến quốc, xây dựng xã hội mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa" .
Ngày nay, từ tinh thần trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học rút ra là phải thật sự coi trọng sự nghiệp xây dựng con người mới Việt Nam hiện đại. Con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của công cuộc đổi mới. Đúng như tư tưởng của Đại hội XII: "... đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" .
Mọi lĩnh vực hoạt động xã hội đều có tác động để có được những con người mới Việt Nam phù hợp với thời đại hiện nay, nhưng trước hết là trách nhiệm to lớn của sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học. Văn kiện Hội nghị Trung ương chín khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam... nhấn mạnh: "Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" .
Hai là, con người mới khác với con người cũ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thành những hình mẫu. Những hình mẫu này có các nội dung như là những đặc trưng (với những tên gọi khác nhau: "đức tính", "tư cách", "mẫu", "tiêu chuẩn", "nhiệm vụ"...) phù hợp với từng bộ phận cơ cấu xã hội - giai cấp - dân tộc - tầng lớp... phong phú của con người Việt Nam trong thực tiễn sinh động:
Ngay sau Cách mạng tháng Tám (1945), Hồ Chí Minh mong rằng: "phải làm cho dân tộc chúng ta, trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập" và Người yêu cầu phải giáo dục bốn đức tính cho nhân dân: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Đối với "Người đảng viên, cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả" và theo Hồ Chí Minh phải thực hiện đạo đức cách mạng gồm "năm điều": Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.
Hồ Chí Minh nhận rõ vai trò quan trọng của đại biểu Quốc hội. Trong một kỳ họp của Quốc hội khóa II (1960), Người cho rằng "để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân" các Đại biểu Quốc hội phải:
Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội.
Làm gương mẫu trong việc thi đua tăng gia sản xuất, thực thành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô .
Đối với Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người Cha, luôn dành cho sự tin yêu đặc biệt. Lời dạy của Người nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quân đội nhân dân Việt Nam (1964) đã cho thấy hình mẫu của một đội quân cách mạng, của những người lính mới của nhân dân: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Cũng như với Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý lực lượng Công an nhân dân. Hình mẫu hay "tư cách" sau đây của người công an mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra đã cho thấy Người đặt niềm tin lớn lao như thế nào vào lực lượng này:
Đối với mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo.
Trong lòng bao thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người Ông, người Cha rất đỗi thân yêu. Người hy vọng mai sau, Thiếu nhi sẽ xứng đáng là "người chủ nước nhà" và "ngay từ rày" cùng nhau thực hiện:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh, thật thà dũng cảm.
Cũng hy vọng như vậy đối với Thanh niên, Người khuyên thanh niên rằng:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên ...
Ngày nay, bài học từ quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta phải có hình mẫu con người Việt Nam hiện đại với những "hệ giá trị chuẩn" phù hợp với điều kiện mới để thống nhất xây dựng.
Con người Việt Nam hiện đại phải đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hai văn kiện chuyên đề khóa XI của Đảng ta về đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển văn hóa, con người đã đưa ra mục tiêu, quan điểm có tính xác định hình mẫu với hệ giá trị chuẩn của con người mới Việt Nam hiện đại. Đó là: "Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả" và "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".
|
Bác Hồ với các chiến sĩ Cảnh vệ và Công an nhân dân vũ trang sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969. (Ảnh tư liệu) |
Ba là, như vậy, những mẫu hình con người mới với những đặc trưng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra phù hợp với vị trí và vai trò của họ trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, rất khái quát, dễ hiểu, dễ nhớ và qua đó để có thể thực hiện tốt trong thực tiễn:
Ngay bốn "đức tính" Cần, Kiệm, Liêm, Chính, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cho là "nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc" được Người nêu ra nhiều lần với những nội dung thống nhất nhưng có những nét đặc thù cho từng đối tượng khác nhau. Điều này có thể thấy ngay được trong đoạn ví dụ sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tác phẩm "Đời sống mới" (1947): "Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần.
Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải biết tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. Thế cho nên phải Kiệm.
Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm.
Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính...".
Để mọi người, dễ hiểu, dễ nhớ, nhiều khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi giải thích rõ những nội dung cụ thể của mẫu hình con người mới nào đó, đã khái quát lại thật ngắn gọn:
- Ba "tâm" của Cán bộ tự vệ: Quyết tâm,Tin tâm và Đồng tâm;
- 12 điều kỷ luật của Vệ quốc quân;
- Người tuyên truyền cần phải: chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm.
- Người thi hành pháp luật phải nêu cao tấm gương: "Phụng công, thủ pháp" (chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật), chí công vô tư cho nhân dân noi theo.
- Đối với Người lái xe, "... xe và xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân", nên phải: Yêu xe như con, quý xăng như máu.
- Cán bộ y tế phải coi "phòng bệnh cũng cần như trị bệnh" và để làm tròn nhiệm vụ này: "Lương y phải như từ mẫu".
- Trong "xây dựng xã hội mới và tốt đẹp", lao động trí óc và lao động chân tay "đoàn kết chặt chẽ", Người trí thức mới cần phải: Chính tâm và thân dân.
- Khi công nhân "đưa hết tinh thần và lực lượng để tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để làm tròn nhiệm vụ của người chủ thì Cán bộ công đoàn phải: thực hiện "bốn cùng" với công nhân".
Bốn là, không ngừng đấu tranh khắc phục với những "căn bệnh" ngăn cản việc hình thành và làm thui chột những hình mẫu con người mới.
Mỗi một hình mẫu con người mới nếu không cảnh giác sẽ có một hoặc nhiều "căn bệnh". Điển hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến chủ nghĩa cá nhân "như một thứ vi trùng gây ra các thứ bệnh nguy hiểm" cho đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Các loại bệnh đó là: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ...
Đối với Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Làm công an không phải làm "quan cách mạng". "Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp, áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt".
Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng vào vai trò làm chủ trong tương lai của thanh niên, nhưng đồng thời lưu ý: "... thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa" .
Ngay đối với phụ nữ thương nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật nhắc nhở rằng: "Chị em làm nghề buôn bán, cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ "mua rẻ, bán đắt", tệ "mặc cả, nói thách". Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc ".
Ngày nay, bài học cho quá trình xây dựng con người Việt Nam hiện đại là "xây phải đi đôi với chống"; thường xuyên phê bình và tự phê bình. Do đó, con người mới Việt Nam hiện đại phải được xây dựng để phát triển toàn diện và một trong những nhiệm vụ cơ bản xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện này được Đảng ta nêu ra là: "Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam".
Trước hết, từ thực trạng xuống cấp của lối sống, đạo đức hiện nay, Đảng ta cũng đã đồng thời đưa ra những nhiệm vụ khác nữa, rất cần tiếp tục quán triệt để xây dựng tốt con người mới Việt Nam. Đó là: Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, hình mẫu con người mới ra đời trong hình mẫu xã hội mới, của các phong trào thi đua trong thực tiễn, từ sự cố gắng chung của xã hội và sự nỗ lực của từng con người Việt Nam.
Khi nói về mối quan hệ giữa cuộc vận động "Xây dựng chi bộ bốn tốt" và các đảng viên gương mẫu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hay: "... đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt".
Ngược lại, ở môi trường không tốt, tạo ra những khó khăn, thách thức cho sự xuất hiện những điển hình tiên tiến. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy ví dụ "một hợp tác xã không gương mẫu" với nhiều khuyết điểm (cán bộ không dân chủ, phân phối không sòng phẳng, lãnh đạo không chặt chẽ, không làm đúng chính sách của Đảng...) và "những khuyết điểm đó cộng với kém giáo dục chính trị đã gây mâu thuẫn nặng nề giữa quần chúng và xã viên và các cán bộ, làm cho hợp tác xã mất đoàn kết; làm cho xã viên chán nản, bất mãn và không yên tâm lao động sản xuất".
Những hình mẫu con người tiên tiến có thể góp sức vực dậy cả một phong trào. Các phong trào thực thụ, kiểu mẫu tạo thuận lợi cho những con người mới ra đời, những anh hùng xuất hiện. Những năm tháng trước đây, trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, đã dấy lên biết bao phong trào như thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi rằng: "Trong phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước, công nhân có cuộc vận động "3 xây, 3 chống", nông dân có cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật", phụ nữ có phong trào "ba đảm đang", thanh niên có phong trào "ba sẵn sàng", phụ lão ở một số nơi có phong trào "bạch đầu quân". Những cuộc vận động ấy, nảy nở nhiều con người mới rất anh hùng" .
Như đã nói, những hình mẫu con người mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra phản ánh và đánh giá đúng vị trí, vai trò của các cộng đồng, tầng lớp xã hội nên đã động viên, khơi dậy niềm phấn khởi, tự hào của các lực lượng này trong khắp các lĩnh vực lao động, công tác, học tập, chiến đấu... vì sự nghiệp chung của đất nước.
Hình mẫu người Phụ nữ Việt Nam với tám chữ vàng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta tặng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang, là ghi nhận công lao to lớn của Phụ nữ Việt Nam và đã động viên bao lớp phụ nữ Việt Nam tự hào vươn lên làm tròn nhiệm vụ gia đình và xã hội.
Từ các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong Quân đội ta đã sản sinh ra những tướng quân tài ba, mà điển hình là Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Những tướng quân ấy đã dũng cảm, mưu lược trong chiến đấu làm khiếp vía những đội quân xâm lược lớn của thực dân, đế quốc. Đó là hình mẫu người tướng quân mới trong đội quân cách mạng Việt Nam được trưởng thành từ sự đào tạo, rèn luyện theo tiêu chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra và gọi là "nhiệm vụ của người tướng" tại Hội nghị quân sự lần thứ năm họp tháng 8-1948: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung.
Hình mẫu người tướng quân mới này được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích ngắn gọn giản dị mà sâu sắc rằng: "Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.
Tín là phải làm cho người ta tin mình... Tín cũng còn có nghĩa là tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao.
Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.
Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.
Liêm là chớ tham lam của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.
Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng" .
Những hình mẫu con người mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trở thành động lực cho con người Việt Nam vươn tới. Ngày nay, ngay đối với thương binh không thể nào quên được lời Người năm ấy đầy nhân ái, thương mến và tin yêu nói với thương binh rằng: "Các cô, các chú tàn nhưng không phế". Thương binh tàn nhưng không phế, lời Người đã nâng bước biết bao thương, bệnh binh vượt qua khó khăn đau đớn... hòa nhập cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho đời.
Ngày nay, những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ta bài học là xây dựng con người là phải đưa họ vào phong trào thực tiễn. Những hình mẫu con người mới chỉ có thể được "hiện hình" qua thực tiễn con người ấy sống và hoạt động trên cơ sở những chức năng, sự phân công lao động xã hội của mình. Và cũng qua thực tiễn để hình mẫu ấy được kiểm nghiệm khái quát phù hợp hơn. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội.
Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Sau nữa, nghiên cứu những hình mẫu con người mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh và bài học cho xây dựng con người mới Việt Nam hiện đại, càng nhận thấy công lao trời biển của Người đối với đất nước và con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu con người đẹp nhất và xây dựng con người mới Việt Nam hiện đại là hướng tới lý tưởng sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!
PGS.TS. Phan Thanh Khôi
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh